Tuesday, November 5, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Câu lạc bộ thoát y bỗng hóa thành nhà hàng nhằm lách luật

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ không thiết yếu đang phải làm gì để tiếp tục tồn tại?

Bang Florida (Mỹ) đã yêu cầu các tụ điểm giải trí về đêm phải đóng cửa để chống dịch. Thay vì ngồi “than thân trách phận”, ông Warrren Colazzo, chủ sở hữu của một câu lạc bộ thoát y, quyết định thuê chuyên viên tư vấn để tìm cách vượt qua cuộc khủng hoảng.

Ông Colazzo lên kế hoạch xây dựng một khu bếp đơn giản. Chỉ sau vài tuần, ông tiếp tục mở cửa vũ trường Thee Dollhouse kết hợp với định hướng kinh doanh mới: phục vụ đồ ăn như một nhà hàng chuyên nghiệp.

Một câu lạc bộ thoát y tại thành phố Houston, Mỹ. Ảnh: The New York Times.

“Tôi chưa từng kinh doanh ẩm thực vì tôi luôn làm trong ngành giải trí về đêm. Song đây là việc phải làm và khách hàng vui vẻ đón nhận sự thay đổi này”, ông Colazzo chia sẻ.


Tại nhiều tiểu bang có dịch nghiêm trọng, giới chức đã yêu cầu các dịch vụ kinh doanh không thiết yếu, bao gồm nhiều tụ điểm giải trí về đêm, ngừng hoạt động. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã tìm ra nhiều cách để đối phó lệnh cấm.

Bên trong vũ trường Thee Dollhouse, Florida

Thay đổi giấy phép kinh doanh

Tại nhiều tiểu bang như Florida, Texas, Maine hay Louisiana, các dịch vụ kinh doanh không thiết yếu được phép hoạt động nếu phục vụ kèm đồ ăn. Do đó, chủ sở hữu của nhiều quán bar và vũ trường đang tận dụng “lỗ hổng” này để sống sót qua mùa dịch.

Cụ thể, các quán bar có thể thay đổi giấy phép kinh doanh sang lĩnh vực ẩm thực hoặc phục vụ suất ăn đạt chỉ tiêu tương xứng với lượng đồ uống có cồn.

“Chúng tôi điều chỉnh mô hình kinh doanh để tạo ra môi trường an toàn hơn cho cộng đồng. Chúng tôi không còn cho khách ngồi sát nhau tại quầy bar. Đồ ăn sẽ được phục vụ đến từng bàn ”, Blake Foster, đồng sở hữu quán bar Odd Coloney Brewing tại thành phố Pensacola, cho biết.

Odd Coloney chỉ mới hoạt động được vài tháng trước khi đóng cửa để chống dịch. Các chủ sở hữu của quán vẫn chưa trả hết khoản vay vốn đầu tư trị giá 600.000 USD. Ông Foster cho biết việc bán bia rượu mang đi không thể giúp họ hoà vốn.

“Chúng tôi tiếp tục chi hơn 1.000 USD để xây dựng khu bếp ăn. Chúng tôi mất thêm vài ngày để hoàn thành các thủ tục giấy tờ. Sau đợt thanh tra hồi tuần trước, Odd Coloney đã mở cửa trở lại với giấy phép kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực”, ông Foster chia sẻ.

Cũng theo ông này, quán bar Odd Coloney chỉ phục vụ 20% công suất để bảo đảm an toàn cho nhân viên và khách hàng, thấp hơn mức 50% được bang Florida cho phép.

Related image

Khó khăn vẫn còn đó

Không phải quán bar hay vũ trường nào cũng gặp may mắn khi “lách luật”. Trong nhiều trường hợp, nếu chủ nhà đất không hài lòng, họ có thể đệ đơn kiện hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê địa điểm.

Một vài điểm kinh doanh không tuân thủ quy định chống dịch cũng khiến các quán bar và vũ trường phải chịu chung hệ quả nghiêm trọng. Ví dụ như bang Texas mới yêu cầu toàn bộ quán bar trên địa bàn phải dừng hoạt động để ngăn virus corona lây lan.

Bất bình trước quyết định này, chủ sở hữu của một vài quán bar đã kiện Thống đốc bang Texas, ông Greg Abbott. “Ông ấy nhắm vào chúng tôi như một sự phân biệt đối xử”, Tee Allen Parker, quản lý tại Machine Shed Bar & Grill, cho biết.

Trên thực tế, quán bar có thể phát triển theo nhiều mô hình đa dạng. Một vài quán bar hoạt động giống hệt nhà hàng với khu bếp rộng lớn và thực đơn đa dạng. Điểm khác biệt duy nhất là giấy phép kinh doanh cho phép quán bar bán nhiều đồ uống có cồn.

Do đó, nhiều người cảm thấy thật bất công khi gộp chung các quán bar tuân thủ nguyên tắc chống dịch với những điểm kinh doanh “mờ ám”.

Chủ sở hữu một quán bar tại thành phố New Orleans chia sẻ: “Điều này không hề công bằng. Chúng tôi hiểu rằng chính phủ khó nắm bắt mọi chi tiết, song những quy định này khiến chúng tôi đành phải sáng tạo và lách luật”.

Quán bar có thực sự an toàn?

Ben Chapman, chuyên gia về an toàn thực phẩm tại Đại học North Carolina, nhận định việc chuyển đổi quán bar thành nhà hàng có thể cứu sống nhiều doanh nghiệp trong đại dịch. Song ông không cho rằng giải pháp này có liên quan đến yếu tố dịch tễ.

“Chúng ta có thể nhiễm bệnh khi ở cạnh những bệnh nhân không biểu hiện triệu chứng. Việc phục vụ đồ ăn đến tận bàn không hề giảm thiểu rủi ro lây nhiễm virus corona”, ông Chapman cho biết.

Cũng theo chuyên gia này, mối quan ngại về các quán bar là hoàn toàn chính đáng. “Quán bar khuyến khích mọi người tụ tập trong một không gian hẹp, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm virus corona”, ông Chapman nhận xét.

Bên cạnh đó, không gian quán bar thường khá ồn ào, gây cản trở cho việc giao tiếp. Khi mọi người nói to, các giọt bắn có thể đọng lại trên cơ thể hoặc đồ uống của người khác. Ông Chapman còn nhận xét đồ uống có cồn làm giảm nhận thức và năng lực kiểm soát hành vi, khiến người uống quên mất nhiệm vụ giãn cách xã hội trong thời dịch.

Trên thực tế, nhiều cụm dịch Covid-19 ở Mỹ bắt nguồn từ các quán bar. Tại Hawaii, Minnesota, Colorado, Detroit, Arizona và New Jersey, các vụ bùng phát dịch đều có liên quan đến những tụ điểm giải trí về đêm trên địa bàn.

Giới chức ở các khu vực này đã yêu cầu toàn bộ quán bar, hộp đêm và vũ trường phải đóng cửa trở lại để chống dịch.

“Trong thời dịch, tôi nghĩ chúng ta chỉ nên ra ngoài khi thật sự cần thiết. Thật khó để coi các quán bar và vũ trường là một dịch vụ kinh doanh thiết yếu”, ông Chapman kết luận. (VBF)