Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Cảnh báo về sự can thiệp của nước ngoài vào các cộng đồng dân nhập cư tại Úc

Cơ quan tình báo của Úc đã cảnh báo rằng, các cộng đồng dân nhập cư phải đối mặt với “các mối đe dọa gây hại” từ các chính phủ nước ngoài đang tìm cách “giám sát, chỉ đạo và gây ảnh hưởng” đến các hoạt động của các cộng đồng dân di cư.

Tổ chức Tình báo An ninh Úc (ASIO) đã đệ trình lên biên bản một cuộc điều tra của quốc, hội để xem xét các vấn đề  gây ảnh hưởng đến các cộng đồng đa văn hóa rộng lớn của Úc.

Cảnh báo về sự can thiệp của nước ngoài vào các cộng đồng dân nhập cư tại Úc
Người đi bộ đi qua khu Phố Tàu ở Sydney, Úc vào ngày 4/3/2020. (Getty Images)

“Một số chính phủ nước ngoài tìm cách can thiệp vào các cộng đồng người di cư để kiểm soát hoặc dập tắt phe đối lập hoặc những bất đồng chính kiến, vốn ​​được coi là mối đe dọa đối với chính phủ của họ,” bản đệ trình của ASIO nêu rõ.

“ASIO ghi nhận được nhiều cá nhân thuộc nhiều cộng đồng người nhập cư đã báo cáo rằng bản thân họ cùng các thành viên trong gia đình đang bị đe dọa, vì đã lên tiếng về các vấn đề chính trị và ý thức hệ mà một quốc gia nước ngoài cho là mối đe dọa đối với chính phủ của họ.”

ASIO cho biết các mối đe dọa đến trực tiếp từ các cơ quan đại diện của chính phủ nước ngoài, hoặc các thành viên khác của cộng đồng người nhập cư hành động theo chỉ đạo của chính phủ.

ASIO viết: “Những hoạt động chống lại cộng đồng người nhập cư này liên quan đến các vấn đề bao gồm các sự kiện bầu cử ở nước ngoài, các phong trào ủng hộ dân chủ và nhân quyền, cũng như các vấn đề liên quan đến việc bảo vệ hình ảnh của đất nước ở nước ngoài”.

Tuy nhiên, tờ trình này không trực tiếp đề cập đến chính quyền Bắc Kinh.

Khu Phố Tàu ở Melbourne.

Trong những năm gần đây, ASIO ngày càng chủ động lên tiếng về vấn đề này, với cựu lãnh đạo cơ quan là ông Duncan Lewis cảnh báo vào năm 2018 rằng, mức độ can thiệp của nước ngoài vào quốc gia này là “chưa từng có”.

Vào năm 2019, ông Lewis tiếp tục cảnh báo rằng Úc phải đối mặt với “một mối đe dọa hiện hữu” từ sự can thiệp của nước ngoài.

Sau khi nghỉ hưu, cựu giám đốc tình báo thừa nhận rằng chính quyền Bắc Kinh là vấn đề khiến ASIO “cực kỳ” bận tâm.

Ví dụ, Hiệp hội người Duy Ngô Nhĩ bang Victoria đã viết thư gửi cho cuộc điều tra, nói rằng gia đình ở Trung Quốc của các thành viên thuộc hội này đang bị chính quyền quấy nhiễu. Họ bị ép buộc phải liên hệ với những người thân ở Úc để yêu cầu những người này không tham gia vào các hoạt động “bất lợi” cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Related image

Đôi khi các thành viên trong gia đình ở Trung Quốc buộc phải gọi cho người thân của họ trước sự chứng kiến ​​của cảnh sát Trung Quốc.

ĐCSTQ cũng bị cáo buộc ngăn cản công dân Úc (thuộc sắc tộc Duy Ngô Nhĩ) trở lại Úc sau khi họ đi du lịch ở Trung Quốc.

“Chúng tôi nhận thấy, rõ ràng là một số người Duy Ngô Nhĩ và người Trung Quốc đã bị dụ dỗ để phổ biến tuyên truyền của chính phủ Trung Quốc trong cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ, cũng như theo dõi các hoạt động của người Duy Ngô Nhĩ ở Úc”, bản đệ trình nêu rõ.

Tòa nhà Trụ sở ASIO tại Canberra. (Hình Canberra Times)

Cộng đồng người Khmer ở ​​New South Wales đã phàn nàn về sự can thiệp của nước ngoài tại địa phương bởi Đảng Nhân dân Campuchia (CPP). Họ nói rằng chính quyền này đã thành lập các tổ chức bình phong (giống như Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Bắc Kinh) ở Úc để “tuyển dụng, xâm nhập hoặc nắm quyền kiểm soát” của cộng đồng địa phương.

Nhóm Công tác Thanh niên Hải ngoại tìm cách xây dựng thành viên từ các sinh viên Campuchia đang học tập trên khắp thế giới để ủng hộ cho chính quyền ở quê nhà.

Vào năm 2016, nhóm này đã thực hiện một chiến dịch tuyển dụng trên toàn nước Úc do Hun Manet, con trai của nhà lãnh đạo Campuchia Hun Sen, đứng đầu.

Năm 2018, ông Hun Sen đe dọa sẽ truy lùng và “đánh đập” những người biểu tình đốt hình nộm của ông tại hội nghị cấp cao ASEAN ở Sydney.

Bản đệ trình từ cộng đồng Khmer khẳng định các hoạt động của CPP ở Úc đã gây ra “sự tức giận, sợ hãi, bất an, ngờ vực và chia rẽ cộng đồng người Campuchia di cư”.

“Đối với những người sống sót trên các cánh đồng diệt chủng của Pol Pot, những sự kiện này… gợi lại nỗi sợ hãi và chấn thương trong những năm [thời kỳ] Khmer Đỏ,” bản đệ trình nhấn mạnh.

Sự can thiệp của nước ngoài vào Úc đã là một chủ đề nóng trong những năm gần đây, sau những tiết lộ rằng các chế độ độc tài – cụ thể là ĐCSTQ – đang tích cực làm việc để gây ảnh hưởng đến các vấn đề đối nội của đất nước này. (NTD theo Epoch Times)