Cảnh báo nguy cơ lạm dụng rượu trong đại dịch COVID-19
Theo kết quả nghiên cứu của Trường đại học Michigan (Mỹ) cho thấy, có sự gia tăng việc uống rượu ở những người Mỹ cao tuổi trong giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19. Điều này có thể gây rủi ro cho sức khỏe…
Hơn 2,000 người có tuổi từ 50 đến 80 đã được khảo sát vào cuối tháng 1/2021, khi tỷ lệ ca nhiễm COVID-19 cao trên toàn nước Mỹ và việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người cao tuổi mới bắt đầu. Kết quả cho thấy, khoảng 14% số người được hỏi cho biết mức độ uống của họ tăng lên trong 10 tháng đầu tiên của đại dịch. Đặc biệt, tỷ lệ này cao hơn nhiều ở nhóm dân tộc thiểu số. Nhóm này cho biết việc uống rượu là thói quen thường xuyên, để cải thiện tâm trạng hoặc để thư giãn, hoặc để đối phó với sự buồn chán, căng thẳng hoặc đau đớn.
Một phần ba đến một nửa số người trưởng thành cho biết họ uống rượu nhiều hơn trong năm qua. Những người cảm thấy bị cô lập hoặc cô đơn có chiều hướng uống rượu nhiều hơn.
Nhìn chung, 23% số người khảo sát cho biết họ thường uống từ 3 cốc rượu trở lên trong mỗi lần ngồi uống và 10% cho biết có sử dụng các loại thuốc khác trong khi uống, bao gồm thuốc gốc thuốc phiện hoặc các loại thuốc kê đơn có thể gây tương tác có hại với rượu.
Nhóm nghiên cứu lưu ý: “Việc thường xuyên uống từ 3 cốc rượu trở lên và thỉnh thoảng uống quá mức, đều được coi là dấu hiệu của uống rượu có rủi ro ở bất kỳ người trưởng thành nào”.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Preeti Malani thuộc Trường đại học Michigan (Mỹ) cho biết, khả năng chuyển hóa rượu của cơ thể thay đổi theo tuổi tác. Cùng một lượng rượu mà một người trước đây từng uống thì có mức độ ảnh hưởng khác với thời điểm hiện tại người đó uống do tuổi tác. Điều này có thể gây ra các rối loạn về khả năng thăng bằng của cơ thể và dẫn đến ngã, cũng như các chấn thương khác. Ngoài ra, uống rượu trong thời gian dài có thể thúc đẩy nhanh nguy cơ suy giảm hệ thống miễn dịch và mất trí nhớ liên quan đến tuổi tác.
Malani nhấn mạnh: “Chúng tôi đặc biệt lo ngại khi những người cao tuổi uống nhiều rượu mỗi lần, vì có tới 20% nam giới cao tuổi cho biết họ uống 3-4 cốc rượu mỗi ngày. Và 27% người uống rượu cho biết ít nhất 1 lần trong năm qua, họ đã uống 6 cốc rượu trở lên, đây là lượng rượu có thể gây say xỉn và gây rủi ro ở mọi lứa tuổi, nhưng rủi ro cao hơn ở người cao tuổi”. (SKDS)