CẢM ƠN ÚC: Tiền vệ bước ra từ trại tị nạn… đến World Cup 2022
Awer Mabil khẳng định, việc chuyển hóa thành công quả 11 m đưa tuyển Úc đến World Cup 2022 như một lời cảm ơn nước Úc đã chấp thuận cho anh và gia đình được đến tị nạn.
Cầu thủ chạy cánh Mabil có cha mẹ là người Nam Sudan, được sinh ra trong một trại tị nạn ở Kenya đã bình tĩnh thực hiện quả 11 đầu tiên cho tuyển Úc. Sau đó, thủ môn Andrew Redmayne đã xuất sắc cản phá cú đá của Alex Valera, giúp tuyển Úc giành chiến thắng trong trận play-off World Cup trước Peru tại Doha (Qatar).
Cầu thủ 26 tuổi phát biểu với truyền thông: “Tôi biết mình sẽ ghi bàn. Đó là cách duy nhất để nói lời cảm ơn tới Úc, từ tôi và gia đình mình. Gia đình tôi chạy trốn khỏi Sudan vì chiến tranh, tôi sinh ra trong một túp lều. Phòng khách sạn của tôi ở đây, hiện lớn hơn cả căn phòng gia đình chúng tôi đã ở hồi còn ở trại tị nạn. Nước Úc tiếp nhận và cho chúng tôi định cư, họ cho tôi và gia đình một cơ hội sống”.
Mabil hy vọng, đóng góp nhỏ nhoi của mình sẽ giúp tạo ra một câu chuyện truyền cảm hứng về những người tị nạn ở Úc.
Mabil tự hào nói: “Chúng tôi sẽ tham dự World Cup. Tôi đã ghi bàn, rất nhiều đồng đội của tôi cũng đã ghi bàn, tất cả chúng tôi đều góp phần. Có lẽ, đứa trẻ tị nạn năm đó đã đóng góp một phần. Vì vậy, thay mặt cho gia đình, tôi nói lời cảm ơn đến toàn thể nước Úc”.
Tiền vệ 26 tuổi cho biết khi đến Úc định cư, anh còn được chứng kiến “thế hệ vàng” của Socceroos thi đấu tại World Cup 2006 ở Đức.
Mabil nói rằng, thế hệ cầu thủ hiện tại quyết tâm viết tiếp những ký ức đẹp của những tên tuổi lừng danh Tim Cahill và Harry Kewell khi được khoác trên mình màu áo vàng xanh.
“Chúng tôi muốn tạo ra một chương của riêng mình. Đối với tôi, tôi xem đó là động lực. Giờ là lúc chúng tôi viết kịch bản cho riêng mình. Lần sau, chúng tôi sẽ trực tiếp vượt qua vòng loại. Chúng tôi luôn làm điều đó một cách khó khăn như người Úc, đã đến lúc để thay đổi bức tranh đó”, Mabil cho biết thêm. (T/H, P/L)