Monday, December 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Cái chết của những chuyến thưởng ngoạn bằng du thuyền

Du thuyền Ruby Princess tại Circular Quay, Sydney. Ruby Princess liên quan đến hơn 600 trường hợp nhiễm coronavirus và 15 trường hợp tử vong.

2020 là năm tàn khốc với ngành du lịch trên biển khi dịch Covid-19 ập đến, khiến mọi thứ thay đổi hoàn toàn chỉ trong vài tuần.

Bài đăng trên CNN Travel, nhìn lại năm 2020 đầy biến động và khủng hoảng đối với ngành du lịch trên biển toàn cầu do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ngày 4/2/2020: Bùng dịch

Đầu tháng 2, dịch Covid-19 gây xôn xao khắp thế giới, song nhiều người cho rằng nó chủ yếu ảnh hưởng đến Trung Quốc và một số trường hợp cá biệt.

Đó là Diamond Princess – con tàu du lịch 16 năm tuổi, được đăng ký tại Anh, do Princess Cruises điều hành.

Ngày 4/2, cơ quan y tế Nhật Bản phát hiện 10 trường hợp dương tính với virus corona chủng mới trên tàu. Trong bối cảnh lo ngại cho sức khỏe của 2.666 hành khách khác, chủ yếu là người Nhật, con tàu bị cách ly tại cảng Yokohama.

Mọi người bị cấm rời khỏi tàu, được yêu cầu đeo khẩu trang và ở yên trong cabin của họ.

cai chet cua nhung chuyen thuong ngoan tren du thuyen anh 1
Tàu du lịch Diamond Princess nhanh chóng trở thành minh chứng cho mức độ nghiêm trọng của Covid-19. Ảnh: Getty.

Với số ca mắc cao nhất bên ngoài Trung Quốc đại lục, Diamond Princess nhanh chóng trở thành cụm từ diễn tả mức độ nghiêm trọng của Covid-19. Sau đó, hơn 700 hành khách và thủy thủ đoàn trên tàu có kết quả dương tính với virus corona.

Khi Diamond Princess vẫn bị phong tỏa, các tàu du lịch khác tiếp tục hành trình ra khơi theo kế hoạch. Nhiều chiếc đã lênh đênh trên biển trong vài tháng, băng qua các đại dương.

Một số hành trình được điều chỉnh để tránh cập cảng ở châu Á. Dù hành khách lo ngại về dịch bệnh, họ thường mắc kẹt trong kế hoạch đã lên từ hàng tháng hoặc hàng năm trời trước đó.

Để xoa dịu hành khách, các hãng du lịch cam đoan mọi thứ sẽ ổn. Tuy nhiên, đó không phải điều đã diễn ra.

Du thuyền Diamond Princess tại cảng Yokohama, ngày 11/2. (Ảnh: Reuters)

Ngày 13/3: Virus xuất hiện

Tới tháng 3, rõ ràng thảm họa Diamond Princess không phải trường hợp cá biệt.

Khi nhiều nơi trên thế giới bắt đầu chống lại Covid-19 bằng các lệnh cấm đi lại và phong tỏa từng vùng đến toàn quốc, các tàu du lịch được cho là nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan nhanh.

Một báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết từ ngày 3/2 đến 13/3, khoảng 200 trường hợp mắc Covid-19 ở Mỹ có liên quan đến hành khách trên du thuyền, bao gồm Diamond Princess và Grand Princess – nơi 21 người có kết quả xét nghiệm dương tính trong khi tàu được cập cảng ở California.

Ngày 13/3, Cruise Lines International Association – cơ quan đại diện cho 95% tàu du lịch trên toàn cầu – quyết định đình chỉ hoạt động cập cảng ở xứ cờ hoa trong vòng 30 ngày.

Một ngày sau, CDC ban hành “Lệnh không giong buồm” cho các tàu du lịch tại Mỹ. Cuộc tranh giành nơi cập bến an toàn của các con tàu rải rác trên khắp đại dương trên thế giới bắt đầu.

Ngày 27/3: Mắc kẹt

Sau “Lệnh không giong buồm”, một số hành khách muốn xuống du thuyền ngay lập tức. Nhiều tàu ngày càng tuyệt vọng trong việc tìm nơi nào đó để cập bến.

Norwegian Jewel – niềm tự hào 92.000 tấn của Norwegian Cruise Line, có thể chở hơn 2.300 hành khách – nằm trong số du thuyền mắc kẹt trên biển. Bị Polynésie thuộc Pháp, Fiji và New Zealand quay lưng, con tàu cuối cùng chọn hành trình dài trở lại Hawaii.

Trên du thuyền, Jay Martinez (20 tuổi) trở thành cầu nối giúp các hành khách “mù công nghệ” liên lạc với người thân trên đất liền. Anh tự hào về “cộng đồng nhỏ” mà hành khách cùng tạo ra trên tàu Jewel. Tuy nhiên, chàng trai cũng “mơ hồ về số phận của tất cả”.

cai chet cua nhung chuyen thuong ngoan tren du thuyen anh 2
Các tàu du lịch như Zaandam của Holland America (trong ảnh) chật vật để đưa hành khách lên bờ. Ảnh: Getty.

Christine Beehler (72 tuổi, đến từ New Hampshire, Mỹ) bị cô lập trong cabin trên Coral Princess – du thuyền chở 2.000 hành khách, bị từ chối cập cảng ở Brazil. Không còn lựa chọn nào khác, tàu hướng đến Miami.

Beehler cho biết “4 bức tường trở nên ngột ngạt”, song mọi người trên tàu cố giữ liên lạc và động viên nhau.

Có 12 ca mắc Covid-19 và 3 hành khách tử vong trên tàu Coral Princess. Chủ sở hữu thừa nhận họ không thể xác nhận có bao nhiêu người nhiễm virus trên tàu hoặc chết sau khi rời đi.

Bốn cái chết vì SARS-CoV-2 cũng được ghi nhận trên tàu Zaandam của Holland America trong khi nó không thể tìm bến đỗ an toàn. Nhờ sự hỗ trợ của Rotterdam – du thuyền khác của Holland America, hành khách từ cả 2 tàu có thể xuống ở Florida ngày 2/4.

Trong khi đó, thủy thủ đoàn bị cấm rời tàu và tiếp tục vượt Đại Tây Dương đến Hà Lan.

Du thuyền MSC Magnifica.

Ngày 22/4: Hành trình cuối cùng

Đầu tháng 4, hầu hết tàu du lịch lớn đã tìm cách cập bến. Tuy nhiên, một số ít tàu vẫn lênh đênh trên đại dương, quyết tâm tiến về điểm cuối trong lộ trình.

Hôm 20/4, 3 tàu du lịch lớn cuối cùng đã chở khách cập cảng. Tại Marseille (Pháp), du thuyền MSC Magnifica trả 1.769 hành khách, kết thúc chuyến hành trình vòng quanh thế giới bắt đầu từ tháng 1.

Cùng ngày, tàu du lịch Pacific Princess đến Los Angeles (Mỹ). Trong khi hầu hết hành khách trở về nhà sau khi xuống tàu tại Australia vào tháng 3, 119 người vẫn ở lại, vì vấn đề y tế, cho đến khi con tàu đến Mỹ.

cai chet cua nhung chuyen thuong ngoan tren du thuyen anh 3
Thuyền trưởng Nicolò Alba trên tàu Costa Deliziosa. Ảnh: Costa Delizios.

Cuối cùng, ngày 22/4, tàu Costa Deliziosa – rời Venice (Italy) để thực hiện chuyến du ngoạn vòng quanh thế giới từ ngày 5/1 – trở về nhà với 1.519 du khách.

Giữa hàng loạt tin tức xấu về dịch bệnh, việc không có ca mắc Covid-19 nào được báo cáo trên Deliziosa, Magnifica hoặc Pacific Princess là điều đáng mừng.

Ngày 5/5: Những nạn nhân bị lãng quên

Tháng 5, hầu hết hành khách trên các tàu du lịch đã được hồi hương an toàn. Tuy nhiên, các công nhân vẫn bị mắc kẹt trên du thuyền và không được trả lương.

Trong phần lớn cuộc khủng hoảng, họ phần lớn phải giữ im lặng theo hợp đồng với công ty.

Theo Cảnh sát biển Mỹ, tính đến ngày 5/5, hơn 57.000 thành viên thủy thủ đoàn trên 74 tàu xung quanh các cảng của Mỹ, Bahamas và Caribe bị cách ly. Hàng trăm người khác bị mắc kẹt nhiều tháng trên các con tàu lênh đênh khắp đại dương trên thế giới.

cai chet cua nhung chuyen thuong ngoan tren du thuyen anh 4
Caio Saldanha cùng vị hôn thê chia sẻ cabin không cửa sổ này trên tàu Celebrity Equinox trong khi chờ được hồi hương. Ảnh: Caio Saldanha.

Khi tình hình trở nên tồi tệ hơn, có báo cáo về các vụ tự sát và biểu tình của thuyền viên. Ngày 9/5, Cảnh sát Rotterdam (Hà Lan) xác nhận một cái chết do tự sát của một thành viên thủy thủ đoàn trên tàu du lịch Regal Princess .

Trên tàu Majesty of the Seas, được cập cảng bên ngoài Miami, thủy thủ đoàn biểu tình với tấm biển có nội dung: “Các người cần thêm bao nhiêu vụ tự tử nữa?”.

Caio Saldanha – có mặt trên con tàu Celebrity Equinox ở Bahamas – nói: “Chúng tôi bị coi như hàng hóa và rất cần sự giúp đỡ”.

Nhiều hãng tàu du lịch sau đó cam kết cố gắng hết sức để đưa toàn bộ thành viên thủy thủ đoàn về nhà trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, đây được ví von là “cuộc khủng hoảng nhân đạo toàn cầu”.

Ngày 8/6: Du thuyền cuối cùng trên biển

Ngày 8/6, tàu du lịch MV Artania kết thúc chuyến phiêu lưu trên đại dương của mình, đưa 8 hành khách trở lại thế giới đã thay đổi rất nhiều so với khi nó rời đi hôm 21/12/2019.

Covid-19 đã tấn công tàu Artania vào tháng 3 với 36 ca mắc, 3 trường hợp tử vong. Những vị khách khỏe mạnh được cách ly trên tàu ở Fremantle, Tây Australia. Phần lớn họ sau đó xuống thuyền và về nhà vào cuối tháng 3.

cai chet cua nhung chuyen thuong ngoan tren du thuyen anh 5
MV Artania là con tàu du lịch cuối cùng trên biển, chỉ chở 8 hành khách. Ảnh: Getty.

8 người quyết định quay trở lại Đức bằng đường biển. Họ trở thành những hành khách tàu du lịch cuối cùng trên đại dương.

Ngay trước khi con tàu rời Perth, 2 thành viên thủy thủ đoàn quyết định kết hôn trong buổi lễ đơn giản tại Tây Australia, sau thời gian dài cùng vượt qua khó khăn.

Trên đường từ Australia đến châu Âu, Artania đã đi một vòng quanh Đông Nam Á để đưa các thành viên thủy thủ đoàn về nhà. Một số ít công nhân đi cùng các hành khách còn lại trở về Đức.

Ngày 23/6: Sự trỗi dậy của những con tàu ma

Cuối tháng 6, hoạt động du lịch đã tạm dừng. Các du thuyền phần lớn nằm im lìm tại những cảng trên toàn thế giới.

Tại Vương quốc Anh, các con tàu rải rác dọc bờ biển phía tây nam của Anh trở thành điểm thu hút khách du lịch.

Doanh nhân Paul Derham – người làm việc trên tàu du lịch trong 27 năm – bắt đầu thực hiện các tour du lịch “tàu ma” với 2,5 giờ rong ruổi trong vòng 50 m của một số du thuyền từng chở hàng nghìn du khách.

Các chuyến tham quan tạm dừng vào mùa đông. Với ngành công nghiệp du lịch tiếp tục phát triển và các tàu vẫn neo đậu ở các cảng trên khắp thế giới, Derham có kế hoạch phục hồi những chuyến thưởng ngoạn nổi tiếng của mình vào mùa xuân năm 2021.

cai chet cua nhung chuyen thuong ngoan tren du thuyen anh 6
Tàu du lịch đậu ngoài khơi bờ biển Tây Nam nước Anh. Ảnh: Getty.

Ngày 16/8: Sự hồi phục

Khi các hạn chế đi lại của châu Âu được nới lỏng và lệnh phong tỏa được dỡ bỏ do số ca mắc Covid-19 giảm, một số công ty trở lại với các tour du lịch trên biển.

Ngày 16/8, MSC Grandiosa đã rời cảng Genoa (Italy) để thực hiện chuyến du ngoạn Địa Trung Hải kéo dài 7 ngày với yêu cầu xét nghiệm Covid-19, giãn cách xã hội, khử trùng tay và kiểm tra nhiệt độ. Có khoảng 3.000 hành khách Italy trên tàu, tức khoảng 60% sức chứa của nó.

Quá trình kiểm tra nghiêm ngặt trước khi lên tàu đã loại bỏ một hành khách được chẩn đoán mắc Covid-19. Trong hành trình, một gia đình vi phạm các quy tắc an toàn đã bị từ chối lên tàu.

“Tôi nghĩ rằng du lịch trên biển có thể là kỳ nghỉ an toàn nhất hiện tại”, hành khách Valeria Belardi nói.

Tuy nhiên, một số du thuyền nhỏ hơn không thể duy trì hoạt động vì Covid-19. Khoảng 41 thủy thủ đoàn và 21 hành khách nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi lên tàu du lịch nhỏ MS Roald Amundsen của Na Uy.

Bất chấp tình hình đó, động lực khôi phục hoạt động của ngành vẫn ở mức cao.

cai chet cua nhung chuyen thuong ngoan tren du thuyen anh 7
Tàu MSC Grandiosa khởi hành từ cảng Genoa (Italy) vào tháng 8 trong chuyến đi 7 ngày, tuân theo các quy định phòng chống dịch nghiêm ngặt. Ảnh: Getty.

Ngày 2/10: Phá hủy

Vì Covid-19, thị trường mua bán tàu du lịch không hề giống như trước đây.

Bill Miller – nhà nghiên cứu lịch sử về tàu du lịch – cho biết: “Tôi không nghĩ nhiều hãng du lịch trên thế giới đang tìm mua tàu. Điều đó sẽ rất khó xảy ra. Khách mua tiếp theo có thể là những người bán phế liệu”.

Tháng 10, nhà báo tự do Peter Knego đã đến thăm xưởng phá tàu Alang (Ấn Độ) 9 lần và tới địa điểm tương tự ở Aliaga (Thổ Nhĩ Kỳ).

Knego kể về trải nghiệm này: “Trên bãi biển trải dài 15 km, 200 con tàu có thể bị phá hủy cùng một lúc, không khác gì trong phim khoa học viễn tưởng. Nhìn các vật thể to lớn như tàu du lịch, phà, tàu container và tàu chở dầu đã lỗi thời bị nghiền nát là điều vừa hấp dẫn vừa đau lòng”.

cai chet cua nhung chuyen thuong ngoan tren du thuyen anh 8
Khi công ty du lịch ngừng sử dụng một con tàu và không thể bán cho đơn vị khác, nó sẽ được bán để làm phế liệu. Hầu hết bị xóa sổ ở các bãi phá tàu như Alang (Ấn Độ) hoặc Aliaga (Thổ Nhĩ Kỳ). Ảnh: Getty.

Ngày 17/11: Sự trở lại của Covid-19

Trong khi các chuyến du lịch được quảng cáo là an toàn ở châu Âu, những vùng biển xung quanh Mỹ vẫn vắng bóng người đi du lịch.

Nhưng ngay khi lệnh cấm hoạt động của CDC được dỡ bỏ vào cuối tháng 10, các tàu du lịch đã trở lại với quy định đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và xét nghiệm Covid-19.

Không may, ngày 17/1, hy vọng cứu vãn phần nào ngành du lịch Mỹ trong năm 2020 dường như chấm dứt khi 7/112 hành khách dương tính với Covid-19 trên tàu du lịch SeaDream 1 – con tàu đầu tiên hoạt động ở vùng biển Caribe kể từ đại dịch bắt đầu.

Ngày 24/11, CDC đã tăng cường cảnh báo đối với các tàu du lịch rằng “tất cả nên tránh hoạt động trong thời kỳ này”.

Kiếm tiền nhờ đưa khách ra ngắm du thuyền dừng hoạt động vì COVID-19 - VOV  Giao thông

Ngày 9/12: Hành trình đến hư không

Cuối năm 2020, mọi hy vọng về việc khởi động lại các chuyến thưởng ngoạn trong tương lai gần đã tiêu tan. Lệnh cấm của CDC đã được dỡ bỏ, nhưng cuộc khủng hoảng SeaDream 1 đã vang dội trong ngành.

Ở châu Âu, số ca mắc Covid-19 gia tăng gây ảnh hưởng đến các chuyến du ngoạn Địa Trung Hải có vẻ đầy hứa hẹn nhiều tháng trước đó.

Các quốc gia phong tỏa trở lại, biên giới đóng cửa.

cai chet cua nhung chuyen thuong ngoan tren du thuyen anh 9
Hàng loạt chuyến du ngoạn đến hư không được tổ chức ở Singapore nhằm cứu vãn ngành du lịch. Ảnh: Getty.

Tại Singapore, ban quản lý du lịch của thành phố đã hợp tác với Genting Cruise Lines và Royal Caribbean để tổ chức hàng loạt chuyến du ngoạn đến hư không.

Các chuyến thưởng ngoạn chỉ dành cho cư dân Singapore không rời khỏi thành phố trong nhiều tháng. Hành khách cần xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trước khi lên tàu. Khẩu trang, giãn cách xã hội cũng là điều bắt buộc. Các con tàu hoạt động với 50% công suất.

Năm 2021, lời hứa về vaccine dường như là chìa khóa duy nhất có thể vực dậy ngành công nghiệp một cách an toàn. Thời gian sẽ trả lời liệu lĩnh vực du lịch từng nổi như cồn có bao giờ trở lại như trước kia hay không. (Z/N, SCMP)