Monday, December 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Các nước EU có thể cùng kiện AstraZeneca chậm giao vắcxin COVID-19

Ngoại trưởng Latvia cho biết mỗi thành viên EU đều có hợp đồng cung ứng vắcxin COVID-19 riêng với AstraZeneca, vì vậy các nước này có thể cùng nhau kiện AstraZeneca chậm giao vắcxin theo thỏa thuận.

Vắcxin ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngoại trưởng Latvia, Edgars Rinkevics ngày 26/1 cho biết các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) có thể cùng nhau khiếu kiện công ty dược phẩm liên danh của Anh-Thụy Điển AstraZeneca nếu công ty này châm giao vắcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 theo thỏa thuận.

Trả lời phỏng vấn của trang tin Delfi, Ngoại trưởng Latvia cho biết mỗi thành viên EU đều có hợp đồng cung ứng vắcxin riêng với AstraZeneca, vì vậy các nước này có thể cùng nhau kiện AstraZeneca chậm giao vắcxin.

Ông nhấn mạnh việc khiếu kiện AstraZeneca chỉ có thể thực hiện được nếu đó là “hành động chung” của toàn khối.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh có thông tin rằng EU công kích AstraZeneca với cáo buộc hãng dược phẩm này không cung cấp các liều vắcxin theo đúng cam kết dù đã nhận được tài trợ của EU để tăng cường sản xuất vắcxin.

Tuần trước, AstraZeneca cảnh báo số lượng vắcxin dự định bàn giao cho các nước châu Âu có thể thấp hơn do công ty gặp trục trặc trong dây chuyền sản xuất, cụ thể là từ nay tới cuối tháng 3/2021, chỉ có thể cung cấp cho các nước châu Âu 31 triệu liều, thay vì 80 triệu liều như kế hoạch.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã có cuộc hội đàm khẩn cấp với Giám đốc AstraZeneca, Pascal Soriot, và các quốc gia EU cũng đã gặp đại diện của AstraZeneca, yêu cầu công ty này tăng cường sản xuất vắcxin và thực hiện theo đúng hợp đồng.

AstraZeneca đã phối hợp với Đại học Oxford của Anh nghiên cứu bào chế và phát triển vắcxin ngừa COVID-19.

Vắcxin này hiện đã được cấp phép sử dụng ở Anh và đã được một số quốc gia chấp thuận sử dụng khẩn cấp, trong đó có Ấn Độ, Pakistan, Argentina và Mexico.

Cùng ngày, Cơ quan Y tế của Thụy Điển thông báo đã ngừng thanh toán tiền mua vắcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ, để làm rõ số liều được phép tiêm đối với mỗi lọ vắcxin.

Nhật báo Dagens Nyheter ngày 26/1 dẫn lời Trưởng nhóm chuyên gia dịch tễ học Anders Tegnell cho biết: “Chúng tôi đã thông báo với hãng Pfizer về việc ngừng thanh toán hóa đơn cho đến khi được làm rõ về cách sử dụng vắcxin.”

Hiện Thụy Điển đang tìm cách làm rõ sự chênh lệch về số lượng liều được tiêm đối với mỗi lọ vắcxin, khi hãng Pfizer ghi trong hóa đơn là 6 liều/lọ dù trong thỏa thuận trước đó hai bên đã nhất trí là 5 liều/lọ.

Thụy Điển muốn Ủy ban châu Âu (EU) và Pfizer đạt thỏa thuận chính xác về số liều được tiêm đối với mỗi lọ vắcxin.

Hãng Pfizer chi nhánh Thụy Điển chưa đưa ra bình luận gì vì thông tin trên. Tuy nhiên, trước đó hãng đã thông báo với tờ Dagens Nyheter là có thể tiêm 6 liều/lọ.

Ban đầu, EU và Pfizer đã nhất trí mỗi lọ vắcxin chứa 5 liều, nhưng sau đó phát hiện có thể chia ra làm 6 liều/lọ nếu có một loại ống tiêm đặc biệt. Phản ứng về việc này, điều phối viên vắcxin của Thụy Điển Richard Bergstrom cho biết: “Điều này là không thể chấp nhận được. Nếu một nước chỉ có khả năng chiết xuất 5 liều/lọ thì họ nhận ít liều hơn trong khi phải trả cùng mức giá.”

Tại Moskva, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin thông báo trong tháng 2 tới, Nga sẽ bắt đầu sản xuất quy mô lớn vắcxin EpiVacCorona.

Coronavirus vaccine update: Russia's second COVID vaccine 'EpiVacCorona'  shows promising results in early trials | The Times of India
Vắcxin EpiVacCorona của Nga.

Phát biểu tại cuộc họp Đoàn Chủ tịch Hội đồng điều phối phòng chống lây nhiễm ngày 26/1, Thủ tướng Mishustin cho biết: “Hiện nay chủ yếu tiến hành tiêm chủng đại trà bằng Sputnik V. Sang tháng sau, chúng ta sẽ chuyển sang sản xuất quy mô lớn vắcxin EpiVacCorona.”

Ông Mishustin lưu ý vắcxin thứ hai này đã bắt đầu được tiêm cho người dân. Chính phủ liên bang đã phân bổ 2 tỷ ruble để sản xuất loại vắcxin này.

Theo Thủ tướng Mishustin, vắcxin thứ 3 của Nga sẽ được đưa vào lưu hành trong tháng tới, qua đó mở rộng tiêm chủng và bảo vệ nhiều người hơn. Bộ Y tế Nga đã nhận được hồ sơ đăng ký loại vắcxin mới của Trung tâm Chumakov.

Vắcxin này cho thấy hiệu quả miễn dịch lên đến 70% sau lần tiêm đầu tiên, và sau khi tiêm lần thứ hai hiệu quả lên đến 90%./. (VN+)