Sunday, November 3, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Cả thế giới nghi ngờ chất lượng vắc-xin Trung Quốc

Người dân nhiều quốc gia bày tỏ sự quan ngại về hiệu quả của vắc-xin chống Covid-19 do Trung Quốc phát triển bởi nước này không công khai các dữ liệu cần thiết.

Trong số các quốc gia đang thử nghiệm vắc-xin chống Covid-19 của Trung Quốc, Pakistan thuộc vào loại thân cận nhất với Bắc Kinh. Những năm gần đây, Trung Quốc cho Pakistan vay khoảng 70 tỷ USD để xây dựng hệ thống đường bộ, đường sắt và các nhà máy điện.

Nước này đang thực hiện hai cuộc thử nghiệm lâm sàng vắc-xin chống Covid-19 của Trung Quốc. Thậm chí nhiều quan chức chính phủ Pakistan đã được tiêm loại vắc-xin này.

Tuy nhiên, khảo sát của Bloomberg ở Karachi (thành phố lớn nhất Pakistan) cho thấy nhiều người dân không tin tưởng vào sản phẩm của Trung Quốc. Farman Ali Shah, một tài xế công nghệ ở Karachi, nói: “Tôi sẽ không tiêm vắc-xin Trung Quốc. Tôi không tin tưởng vào chất lượng của loại vắc-xin này”.

Khảo sát tại các thành phố ở Indonesia hay Brazil cũng cho thấy hiện tượng tương tự.

vaccine covid-19 cua Trung Quoc anh 1
Nhiều người dân ở Karachi, Pakistan tỏ ý không tin tưởng vào chất lượng vắc-xin Trung Quốc. Ảnh: Foreign Policy.

Thông tin mù mờ

Vắc-xin chống Covid-19 được kỳ vọng là một chiến thắng ngoại giao của Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh muốn thắt chặt quan hệ với nhiều nước đang phát triển trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn còn hoành hành, nguồn cung vắc-xin do phương Tây sản xuất quá hạn chế.

Hồi tháng 10, sau khi cam kết cung cấp vắc-xin cho châu Phi, Trung Quốc mời các nhà ngoại giao của 50 quốc gia châu Phi đến thăm cơ sở sản xuất của hãng dược Sinopharm Group. “Chúng tôi sẵn sàng ưu tiên các quốc gia châu Phi”, Chủ tịch Sinopharm Liu Jingzhen tuyên bố.

Tuy nhiên, vấn đề là Trung Quốc hầu như không công khai dữ liệu về các cuộc thử nghiệm vắc-xin giai đoạn cuối dù thực hiện chiến dịch quảng bá quy mô lớn. Ngược lại, các hãng dược Mỹ và châu Âu luôn tuân thủ việc công bố dữ liệu về tính hiệu quả và an toàn của vắc-xin.

Trước những câu hỏi của truyền thông phương Tây, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trả lời đơn giản rằng các hãng dược nước này “tuần thủ mọi quy định và vắc-xin phát huy hiệu quả”. “Chúng tôi đã tiêm chủng hơn 1 triệu liều vắc-xin khẩn cấp từ tháng 7 và chưa phát hiện trường hợp nào gây phản ứng phụ nghiêm trọng”, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.

vaccine covid-19 cua Trung Quoc anh 2
Vắc-xin của Sinovac. Ảnh: Bloomberg.

Trung Quốc có lợi thế rất lớn trong cuộc đua vắc-xin toàn cầu. Các thách thức về sản xuất và phân phối quá lớn buộc nhiều nước đang phát triển phải mua vắc-xin “Made in China” có mức giá rẻ hơn hàng phương Tây. Một số quốc gia không có đủ nguồn lực để trữ vắc-xin của Pfizer bởi loại vắc-xin này cần được lưu trữ ở nhiệt độ -70 độ C.

Trung Quốc cũng ký thỏa thuận cung cấp vắc-xin cho Covax, một dự án của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm phân phối vắc-xin chống Covid-19 với các nước đang phát triển. Trong khi đó, AstraZeneca – đối tác còn lại của Covax – vẫn chưa xin được giấy phép phân phối vắc-xin ra thị trường.

Ngày 23/12, Viện Butantan ở Brazil – nơi hỗ trợ các cuộc thử nghiệm sản phẩm của Sinovac – cho biết loại vắc-xin này cho hiệu quả hơn 50% (mức tổi thiểu theo yêu cầu của cơ quan y tế Mỹ). Nhưng Viện Butantan không công bố các dữ liệu chi tiết “theo yêu cầu của Sinovac”.

Sinovac thực hiện cuộc thử nghiệm tại Brazil trên 13.000 người. Một cuộc thử nghiệm ở Thổ Nhĩ Kỳ cho hiệu quả 91%, nhưng được tính toán chỉ trên 29 ca. Vắc-xin của cả Pfizer và Moderna đều cho hiệu quả trên 90%.

Morocco acquires 65 million COVID-19 vaccine doses from China, UK | PBS  NewsHour

Nếu được chọn, mọi người sẽ không chọn vắc-xin Trung Quốc

“Tại quốc gia chỉ có vắc-xin Trung Quốc, mọi người chỉ có hai lựa chọn là tiêm hoặc không. Nhưng nếu có thể chọn giữa vắc-xin Trung Quốc và sản phẩm phương Tây, họ sẽ chọn hàng phương Tây, bởi chúng an toàn và mọi dữ liệu được công bố đầy đủ. Đến nay, Trung Quốc vẫn chưa công bố dữ liệu có tính hệ thống”, Bloomberg dẫn lời nhà phân tích Yanzhong Huang thuộc Hội đồng Đối ngoại (Mỹ) nhận định.

Ở Brazil, phản ứng với vắc-xin Trung Quốc là rất tiêu cực. Hồi tháng 10, Tổng thống Jair Bolsonaro tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không mua vắc-xin Trung Quốc. Đây là vấn đề uy tín. Có liệu loại vắc-xin khác đáng tin cậy hơn”. Tuy nhiên, ngày 21/12, thành phố Sao Paulo cho biết sẽ nhận 5,5 triệu liều vắc-xin của Sinovac.

Dù vậy, khảo sát của Viện Datafolha hồi đầu tháng cho thấy 50% người Brazil được hỏi khẳng định họ sẽ không tiêm vắc-xin Trung Quốc. Khi trình kế hoạch tiêm chủng toàn quốc lên Tòa án Tối cao, Bộ Y tế Brazil cho biết sẽ mua 300 triệu liều vắc-xin từ AstraZeneca, Pfizer và Covax chứ không hề nhắc đến sản phẩm của Sinovac.

Chuyên gia Huang của Hội đồng Đối ngoại cũng cho rằng Trung Quốc có thể đã quá tự tin về khả năng tiêm chủng cho 1,4 tỷ dân nước này và cung cấp hàng triệu liều vắc-xin cho các nước đang phát triển. CNBG cho biết có thể sản xuất 1 tỷ liều, Sinovac 600 triệu liều, CanSino 200-300 triệu liều.

“Nếu Trung Quốc không phân phối kịp thời, các nước sẽ tìm đến những nhà cung cấp khác. Trung Quốc sẽ đánh mất lợi thế ngoại giao và chiến lược”, ông nhấn mạnh.

vaccine covid-19 cua Trung Quoc anh 3
Sinovac chuyển lô vắc-xin đầu tiên tới Indonesia hồi đầu tháng 12. Ảnh: Getty Images.

Tương tự khảo sát ở Brazil và Pakistan, khảo sát của TIFA Research ở Kenya cho thấy phần lớn người được hỏi cho biết sẽ không tiêm vắc-xin Trung Quốc mà chỉ chọn sản phẩm của Mỹ hoặc Anh.

Ngay tại Hong Kong, hôm 23/12, Đặc khu trưởng Carrie Lam thay đổi quyết định sử dụng vắc-xin Trung Quốc đã được công bố trước đó. Bà cho biết người dân thành phố có thể chọn tiêm vắc-xin của Pfizer, AstraZeneca hoặc Sinovac.

“Sự minh bạch là điều cần thiết để công chúng chấp nhận vắc-xin chống Covid-19. Nếu không có thông tin minh bạch, mọi người sẽ không tin tưởng vắc-xin Trung Quốc và chỉ chọn vắc-xin phương Tây”, phó giáo sư y tế Nicholas Thomas thuộc Đại học Hong Kong khẳng định. (Z/N)