Tuesday, January 21, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Ca sĩ K-pop Hanni Phạm bị tẩy chay vì gia đình gốc VNCH


“Hanni và thế hệ trẻ Việt Nam không phải chịu trách nhiệm về những trang sử buồn, vui Việt Nam. Càng không thể là nạn nhân của bất cứ thứ chính trị hóa niềm tin nào, nhằm chống lại hòa hiếu dân tộc,” một nhà quan sát cho hay.

Hanni Phạm của nhóm NewJeans tham dự Lễ trao giải The Fact Music Awards 2022 vào ngày 08 tháng 10 năm 2022 tại Seoul, Hàn Quốc.

Hanni Phạm, thành viên nhóm nhạc Hàn Quốc NewJeans, hiện là tâm điểm của lời kêu gọi tẩy chay vì gia đình Hanni bị cho là “ủng hộ Việt Nam Cộng hòa”, quốc gia chấm dứt tồn tại năm 1975.

Trang Facebook Tifosi và trang web Cánh cò vừa đăng tải bài viết nhan đề “Thần tượng thì có nhiều nhưng tổ quốc chỉ có một”.

Chụp màn hình
Một số nhóm được lập ra để phản đối, tẩy chay Hanni Phạm trên các trang mạng xã hội.

Bài viết đưa thông tin gia đình của nữ ca sĩ người Úc gốc Việt Hanni bị “khui” rằng “mang tư tưởng chống Cộng cực đoan, xuyên tạc lịch sử đất nước và cổ vũ cho những hành động xâm lược, thảm sát của lính Úc tại Việt Nam…”

Một trang Facebook K Flower với hơn 400,000 lượt theo dõi thậm chí còn nhắc đến các thành viên của cô ca sĩ, bao gồm mẹ, ông ngoại và cô của Hanni có để avatar cờ vàng và có tình cảm với VNCH.

Hình ảnh của Hanni Phạm (trái) bị tẩy chay vì có gốc gác liên quan đến VNCH
Hình ảnh của Hanni Phạm (trái) bị tẩy chay vì có gốc gác liên quan đến VNCH. Hình UGC

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp từ Hà Nội nói:

“Các bạn trẻ và khán giả hâm mộ ca sĩ Hanni là đúng, vì Hanni là ca sĩ hát hay. Hanni hãy tự hào về bản thân, về tình yêu Việt Nam của mình! Không có độc quyền về tình yêu đất nước, vì có nhiều cách yêu đất nước. Hanni và thế hệ trẻ Việt Nam không phải chịu trách nhiệm về những trang sử buồn, vui Việt Nam. Càng không thể là nạn nhân của bất cứ thứ chính trị hóa niềm tin nào, nhằm chống lại hòa hiếu dân tộc.”

Nhiều trang fanpage tích cực lan truyền thông tin Hanni có gia đình mang tư tưởng VNCH dù cô quốc tịch Úc.

Giáo sư Alex-Thái Đình Võ hiện công tác tại Trung Tâm Việt Nam và Lưu Trữ, Đại học Texas Tech, Hoa Kỳ bình luận:

“Lời kêu gọi tẩy chay cho ta thấy sự độc hại của những sự phân biệt vẫn tồn tại gần 50 năm sau cuộc chiến, dù ở Việt Nam hay ở cộng đồng tỵ nạn hải ngoại. Phần nhiều cũng do giáo dục, giáo dục ở đây là sự bưng bít thông tin về lịch sử, chính trị và xã hội.

Hình ảnh của Hanni bị gạch chéo cùng với cờ vàng được dùng để tuyên truyền cho công cuộc tẩy chay trên các trang mạng xã hội.

“Bóng ma chiến tranh,” một loại ám ảnh, thực chất xuất phát ở những người của lớp lớn hơn cũng như giới cầm quyền, rồi qua thời gian họ cứ truyền tải câu chuyện về bóng ma ấy cho các thế hệ sau. Vì vậy, thế hệ sau dễ ‘sinh’ ra thù hằn hơn, không đơn giản vì là sự thù hằn xuất phát từ trong họ mà nó được nuôi nấng qua bao thế hệ (2-3 thế hệ)… thành thử họ đưa ra một loạt những phản ứng phân biệt, chụp mũ dựa trên lý lịch –nhưng chính họ cũng không hiểu hậu quả và kể cả những định nghĩa như yêu nước, cộng sản hay quốc gia là gì,” ông Alex-Thái Đình Võ nhận định. (T/H, BBC)