Ca nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng, Việt Nam tái lập cách ly 14 ngày
Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y Tế, người đến từ nơi có “nguy cơ cao” mà chưa chích vaccine sẽ bị cách ly tập trung 14 ngày và tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo tại nơi cư trú.
Theo báo Zing, đó là nội dung chính trong công văn “khẩn” về hướng dẫn “Tạm thời các biện pháp chuyên môn triển khai ‘Nghị Quyết 128’ của chính phủ,” của Bộ Y Tế vừa ban hành gửi các tỉnh, thành trước nguy cơ dịch COVID-19 đang gia tăng
Trong công văn này, Bộ Y Tế đề nghị Ủy Ban Nhân Dân các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành “chủ động đánh giá cấp độ dịch theo từng cấp (từ cấp xã và khuyến khích quy mô nhỏ nhất có thể) để có các biện pháp y tế, hành chính phù hợp và công bố, cập nhật kết quả đánh giá trên Cổng Thông Tin Điện Tử của Ủy Ban Nhân Dân cấp tỉnh và Cổng Thông Tin Điện Tử Bộ Y Tế; tăng cường rà soát, giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao đến từ địa bàn có dịch…”
Ngoài ra, các cơ sở lao động “thực hiện nghiêm việc tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động.” Các cơ sở cần xét nghiệm khi người lao động có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở… hoặc có yếu tố dịch tễ.
Cơ sở lao động cũng cần xét nghiệm khi bắt đầu tổ chức lại sản xuất; xét nghiệm ngẫu nhiên người lao động có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19.
Tính đến tối 8 Tháng Mười Một, Bộ Y Tế công bố có 7,988 ca nhiễm tại 55 tỉnh thành, tăng 323 ca so với hôm qua, trong đó Sài Gòn dẫn đầu số ca trong ngày.
Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch COVID-19 chiều 8 Tháng Mười Một, ông Phạm Đức Hải, phó trưởng Ban Chỉ Đạo Phòng, Chống Dịch ở Sài Gòn, cho biết thành phố “chưa đủ điều kiện, cơ sở để cho hoạt động lại quán bar, karaoke, xe ôm công nghệ.”
Theo báo Dân Trí, tại buổi họp ông Nguyễn Nguyên Phương, phó giám đốc Sở Công Thương, cho biết thời gian qua, dù các nhà hàng, quán ăn tại chỗ được mở lại, nhưng các hoạt động “vẫn chưa sôi động.” Sự ảm đạm trên không hẳn đến từ việc thành phố giới hạn thời gian hoạt động đến 9 giờ tối, mà liên quan nhiều hơn đến tâm lý khách hàng còn e ngại trước diễn biến của dịch bệnh.
Trong khi đó, đúng bốn tháng kể từ ngày xuất hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, thành phố Cần Thơ đã vượt 10,100 ca F0; An Giang cũng lập đỉnh F0 mới trong ngày với 560 ca.
Cùng ngày, tỉnh Đồng Tháp ghi nhận 351 ca nhiễm mới, tăng 62 ca so với hôm qua, nâng tổng số ca nhiễm tại tỉnh lên 11,196 ca.
Tại các tỉnh phía Bắc, dịch bệnh cũng đang “hết sức phức tạp.” Làm việc với Thứ Trưởng Bộ Y Tế Đỗ Xuân Tuyên hôm 7 Tháng Mười Một, đại diện Sở Y Tế Hưng Yên, cho biết những ngày gần đây ở tỉnh xuất hiện nhiều ổ dịch tại thành phố Hưng Yên, huyện Văn Lâm, huyện Kim Động…
Đặc biệt là tại bệnh viện Đa Khoa tỉnh Hưng Yên gần một tuần nay phát hiện 27 ca nhiễm, trong đó 22 ca là bệnh nhân đang điều trị nội trú, bốn ca là người nhà người bệnh một nhân viên y tế. Hiện, tỉnh đang cách ly 9,505 người tại ba cơ sở cách ly tập trung.
Tương tự, báo VNExpress cho hay tại Hà Nội, 11 chùm lây nhiễm với chín ổ dịch tiếp tục ghi nhận thêm ca nhiễm SARS-CoV-2 mới ở khắp 13 quận, huyện.
Tính từ ngày 23 Tháng Mười, toàn thành phố Hà Nội phát sinh 12 ổ dịch “diễn biến phức tạp,” trong đó ổ dịch tại Bạch Trữ, Tiến Thắng và Sài Sơn, Quốc Oai có số nhiễm cao nhất, lần lượt là 176 và 150 ca.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam ghi nhận 976,672 ca nhiễm, trong đó có 22,598 ca tử vong, đứng thứ 38/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Về chích ngừa, tính đến ngày 7 Tháng Mười Một, có 90.6 triệu người được chích vaccine COVID-19, trong đó 61.3 triệu người được chích một mũi, 29.3 triệu người chích đủ hai mũi. (N/V)