Bọt biển rửa bát -Nơi trú ngụ nhiều vi khuẩn nhất và 4 cách giúp làm sạch
Tại sao miếng bọt biển rửa bát lại có số lượng vi khuẩn nhiều đáng kinh ngạc như vậy, thậm chí nhiều hơn cả toilet?…
Nơi nào trong nhà mà vi khuẩn thích ở nhất? Nhiều người có thể đã nghĩ đến toilet, nhưng thực tế bếp mới là nơi có nhiều vi khuẩn nhất. Đáng ngạc nhiên hơn, chúng lại đến từ miếng bọt biển mà chúng ta dùng để rửa bát đĩa hàng ngày.
Nơi ở yêu thích của vi trùng
Hãy tìm hiểu miếng bọt biển rửa bát đĩa của chúng ta chứa bao nhiêu vi khuẩn. Bạn sẽ có thể thấy nhiều điều đáng kinh ngạc.
Markus Egert là chuyên gia vi sinh vật học tại Đại học Furtwangen (Đức). Ông đã cùng nhóm nghiên cứu của mình tìm hiểu về bọt biển và nhóm đã tìm thấy tổng cộng 362 loại vi khuẩn khác nhau trong mỗi centimet vuông của miếng bọt biển trong nhà bếp (tương đương với móng tay cái). Còn trong cả miếng bọt biển thì thế nào?
Trong một miếng bọt biển trong bếp thông thường có tới khoảng 54 tỷ vi khuẩn. Con số này tương đương với mật độ vi khuẩn trong một mẫu phân người.
Trong báo cáo của mình, các nhà nghiên cứu cũng trích dẫn 3 nghiên cứu khác nhau ở Mỹ và Nhật Bản. Tất cả đều phát hiện lượng vi khuẩn trong miếng bọt biển là cao nhất trong tất cả các vật dụng gia đình, khiến nhà bếp trở thành nơi kinh khủng hơn cả toilet.
Chuck Gerba là giáo sư vi trùng học thuộc Đại học bang Arizona. Trong nghiên cứu của mình, giáo sư đã phát hiện được trên mỗi inch vuông (6.45cm2) của miếng bọt biển rửa bát có chứa khoảng 10 triệu vi khuẩn; giẻ thì có khoảng 1 triệu; nhưng bệ toilet thì chỉ có 50 vi khuẩn ở diện tích tương đương. Nói cách khác, số lượng vi khuẩn trong miếng bọt biển cao gấp 200.000 lần so với bệ toilet và cao hơn 20.000 lần giẻ rách.
Những điều bí ẩn sau miếng bọt biển
Tại sao miếng bọt biển rửa bát lại có số lượng vi khuẩn nhiều đáng kinh ngạc như vậy, thậm chí nhiều hơn cả toilet?
Trước hết, miếng bọt biển vô số lỗ nhỏ. Chúng có thể chứa tất cả các loại chất bẩn và cặn bã từ thức ăn. Chúng là nguồn cung cấp dinh dưỡng cho vi khuẩn. Đồng thời, môi trường ẩm, ấm của bọt biển là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn phát triển.
Hơn nữa, mọi người thường nghĩ toilet rất bẩn, nên thường xuyên cọ rửa và khử trùng. Trong khi, miếng bọt biển rửa bát là thứ “được dùng để làm sạch bát đĩa”, nên nó dĩ nhiên sạch sẽ. Vì thế, chúng ta hiếm khi nghĩ tới việc khử trùng nó.
Nhiều vi khuẩn trong bọt biển có thể vô hại với con người, nhưng cũng có một số khác là vi khuẩn gây bệnh như Salmonella, E.Coli và Staphylococcus. Nếu miếng bọt biển thường xuyên ẩm ướt và không được thay mới, thì vi khuẩn sẽ còn nhiều hơn.
Do đó, nếu không làm sạch miếng bọt biển thường xuyên, thì hãy nghĩ xem chúng ta đang làm sạch hay làm “bẩn” bát đĩa mỗi khi dùng nó để lau rửa.
4 cách giúp bạn làm sạch miếng bọt biển
Rất nhiều người sẽ tự hỏi: Chúng ta có nên dùng miếng bọt biển rửa bát đĩa nữa không? Bạn đừng quá lo, 4 cách sau đây sẽ giúp chúng ta an toàn khi sử dụng bọt biển:
1. Không rửa bát đĩa có thịt sống
Vi khuẩn trong thịt sống nhiều khủng khiếp hơn so với trong thức ăn đã nấu chín. Jennifer Quinlan, nhà vi sinh học thực phẩm tại Đại học Drexel, nói với đài National Public Radio (Mỹ) rằng, nếu bạn phải rửa đĩa đựng thịt sống (thịt lợn, bò, cá hay gà), thì đừng sử dụng miếng bọt biển. Thay vào đó, nên dùng miếng bọt biển dùng một lần hay khăn giấy nhà bếp dùng một lần.
2. Làm sạch miếng bọt biển bằng máy rửa bát hay lò vi sóng
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) gợi ý chúng ta có thể đặt miếng bọt biển trong máy rửa bát để làm sạch và khử trùng. Bạn cũng có thể ngâm nó trong nước, sau đó cho vào lò vi sóng trong 1 phút. Mặc dù lò vi sóng không thể loại bỏ tất cả vi khuẩn trong miếng bọt biển, nhưng nó có thể loại bỏ rất nhiều vi khuẩn có hại.
3. Giữ miếng bọt biển khô
Vi khuẩn thích môi trường ẩm ướt nhất, do đó hãy giữ miếng bọt biển khô ráo. Sau mỗi lần rửa bát đĩa, chúng ta nên giặt sạch miếng bọt biển. Sau đó, vắt khô và để nó ở nơi thông thoáng cho mau khô.
4. Thay miếng bọt biển thường xuyên
Tốt nhất là sau một đến hai tuần, bạn nên đổi miếng bọt biển rửa bát một lần. Việc bỏ đi miếng bọt biển không có nghĩa là lãng phí. Sau khi làm sạch và khử trùng, chúng ta có thể dùng nó để lau chùi vết ố trên sàn nhà hoặc sử dụng để lau sân. (NTD)