Sunday, November 3, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Biển Đông vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn và chiến tranh

HÀ NỘI, Việt Nam – Biển Đông vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn và chiến tranh ở khu vực, trái ngược với lời tuyên truyền của Bắc Kinh là “vẫn ổn định”.

Các cuộc họp của ASEAN với các đối tác khu vực tổ chức tại Hà Nội dưới hình thức trực tuyến hôm Thứ Bảy 14 Tháng Mười Một diễn ra với những lời lẽ “quan ngại” tình hình diễn tiến Biển Đông của các nước ASEAN trong khi Mỹ vẫn cả quyết liên kết với khu vực về mọi mặt, cả kinh tế, xã hội đến an ninh.

Hội nghị ASEAN và các đối tác khu vực Đông Á Châu tại Hà Nội hôm Thứ Bảy 14 Tháng Mười Một. (Hình: NHAC NGUYEN/AFP/Getty Images)

Theo Vietnamnet tường thuật cuộc họp giữa ASEAN với đối tác khu vực Úc và New Zealand hôm Thứ Bảy, “Các nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại rằng tại Biển Đông vẫn tiềm ẩn các nguy cơ đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định và những hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế, gây bất ổn, làm phức tạp tình hình và gây quan ngại cho các quốc gia trong khu vực.”

Nguồn tin kể rằng “Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại, xây dựng lòng tin, thượng tôn pháp luật, không quân sự hoá, kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), coi đây là cơ sở pháp lý cho mọi hoạt động trên biển.”

Hiển nhiên, người ta biết lời lẽ bóng gió ám chỉ thủ phạm của nguy cơ bất ổn là tham vọng bá quyền bành trướng của Bắc Kinh muốn độc chiếm Biển Đông.

Những lời “quan ngại” đó hoàn toàn ngược lại với lời phát biểu kiểu phân bua của thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, đại diện cho Trung Quốc họp thượng đỉnh ASEAN, là “tình hình khu vực Biển Đông nhìn tổng thể là ổn định”.

Ông Lý Khắc Cường, qua tường thuật của Tân Hoa Xã, lập lại lời tuyên truyền lâu nay của Bắc Kinh rằng “Trung Quốc và ASEAN tiến hành tăng cường hợp tác, tích cực quản lý các bất đồng, thực hiện hoàn toàn và hiệu quả Tuyên Bố Ứng Xử của các bên trên Biển Đông (DOC) cũng như thúc đẩy vững chắc các tham vấn cho bộ COC” mà ông ta khoe sẽ hoàn tất “ngày gần đây”.

Vietnamnet hôm 12 Tháng Mười Một thuật lời ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “khẳng định lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông như đã nêu rõ tại hội nghị cấp cao ASEAN-36 tháng 6/2020 và hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-53 Tháng Chín 2020 cũng như tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 dịp này.”

Theo đó, ông Phúc kêu gọi “hai bên cần tiếp tục nỗ lực thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nỗ lực xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế UNCLOS 1982”.

Trước đó, trong cuộc họp ngày 10 Tháng Mười Một, các ngoại trưởng ASEAN cũng đã kêu gọi Bắc Kinh hợp tác hoàn tất đàm phán cho bộ COC “hiệu lực và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert Obrien phát biểu trực tuyến tại hội nghị ASEAN-Mỹ tổ chức tại Hà Nội hôm Thứ Bảy 14 Tháng Mười Một. (Hình: NHAC NGUYEN/AFP/Getty Images)

Tổ chức ASEAN bao gồm 10 nước Đông Nam Á tuy có khẩu hiệu là “cùng một tầm nhìn” (vision), “cùng một căn cước, hay bản sắc” (identity) nhưng những năm gần đây, không thiếu những dấu hiệu chứng tỏ chia rẽ trầm trọng. Một phần, do Trung Quốc mua chuộc và áp lực một số thành viên ASEAN, đặc biệt về các vấn đề liên quan tranh chấp Biển Đông.

Ngay báo nhà nước của CSVN cũng không hiếm những bản tin, bài viết về trò gây chia rẽ ASEAN của Bắc Kinh dù hai nước là “đồng chí anh em” cộng sản với nhau có những khẩu hiệu để bịp nhau gồm “16 chữ vàng” và “4 tốt”. Tuy nhiên, báo chí CSVN không dám nhân danh Việt Nam để tố cáo thẳng mà mượn những bài viết, bản tin báo chí nước ngoài để đả kích Trung Quốc.

Ngày 4 Tháng Năm 2010, báo Pháp Luật ở Sài Gòn dịch thuật lại bài viết của tờ Asia Times với tựa đề “Cẩn trọng trò chia rẽ ASEAN của Trung Quốc”. Năm ngoái, ngày 20 Tháng Năm 2019, tờ Giao Thông (báo của Bộ Giao thông Vận tải CSVN) có bài viết về “ý đồ chia rẽ các nước ASEAN để đạt được tham vọng của Bắc Kinh trên biển Đông” căn cứ trên một bài viết của báo South China Morning Post ở Hong Kong. (N/V)