Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Biển Đông: Căng với Mỹ, Bắc Kinh ve vãn Việt Nam và ASEAN

Ngày 20/07/2020, Brunei bất ngờ kêu gọi giải quyết tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông bằng đối thoại trên cơ sở Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và luật pháp quốc tế. Sự kiện hiếm hoi vương quốc dầu hỏa tí hon này lên tiếng phải chăng càng thúc đẩy Bắc Kinh vừa đấu dịu, vừa gấp rút dùng lá bài kinh tế để chiêu dụ các nước láng giềng Đông Nam Á, mà đứng đầu là Việt Nam?

Tại hội nghị trực tuyến của Ủy Ban Chỉ Đạo Hợp Tác Song Phương Việt –Trung ngày 21/07/2020, ngoài các tuyên bố về đẩy mạnh hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trao đổi kinh nghiệm phòng chống dịch Covid-19 …, Biển Đông là một trong những đề tài nhạy cảm được phó thủ tướng Việt Nam kiêm ngoại trưởng Phạm Bình Minh đề cập đến với đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị. Hồ sơ Biển Đông càng nóng bỏng kể từ khi Hoa Kỳ tuyên bố những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển này là « bất hợp pháp » và hai tàu sân bay của Hoa Kỳ đang hiện diện trong khu vực.

Ngọi trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh và đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị trong hội nghị trực tuyến ngày 21/07/2020.
Ngọai trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh và đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị trong hội nghị trực tuyến ngày 21/07/2020. AFP – NHAC NGUYEN

Theo báo chí chính thức Việt Nam, trong cuộc trao đổi với đồng nhiệm Vương Nghị, ông Phạm Bình Minh đã « nêu lên quan ngại trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông » trong thời gian gần đây và đề nghị đôi bên tránh « mở rộng tranh chấp ». Việt Nam kêu gọi « tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông ».

Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ghi nhận ngoại trưởng Vương Nghị trong cuộc họp vừa qua tập trung nhiều hơn vào tình hữu nghị Việt Trung « càng lớn mạnh » sau thử thách dịch Covid-19 lần này. Ông nhấn mạnh là đôi bên « cùng kiểm soát được đà lây lan của dịch bệnh và tiếp tục tăng cường hợp tác về kinh tế và thương mại ».

Tuy nhiên, ngoài những lời lẽ mang tính thuần túy ngoại giao đó, có nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh nỗ lực xoa dịu Việt Nam nói riêng và nhiều thành viên trong ASEAN nói chung, vào lúc tình hình tại Biển Đông đang nóng lên.Publicité

Trước hết với Việt Nam, tuần trước thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc La Chiếu Huy đã có một buổi thảo luận với đồng nhiệm Việt Nam về Biển Đông, trong bối cảnh Việt Nam mặc dù chủ trương thương lượng về tranh chấp chủ quyền biển đảo, nhưng cũng đang cân nhắc khả năng kiện Bắc Kinh ra trước tòa án quốc tế về những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.

Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan cùng các chiến hạm Nhật Bản và Úc cùng diễn tập trên biển Philippines ngày 21/07/2020.
Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan cùng các chiến hạm Nhật Bản và Úc cùng diễn tập trên biển Philippines ngày 21/07/2020. Commander, Task Force 70 / Carri – Petty Officer 2nd Class Codie So

Hiện không có nhiều thông tin về cuộc trao đổi giữa hai ông La Chiếu Huy và Lê Hoài Trung. Tuy nhiên, gần như cùng lúc Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng AIIB mà đa số vốn là của Trung Quốc, thông báo cho đối tác Việt Nam VPBank vay 100 triệu đô la tín dụng để khắc phục những thiệt hại dịch Covid-19 gây nên.

Sự trùng hợp này khiến giới quan sát tự hỏi phải chăng Bắc Kinh dùng lá bài tài chính để thuyết phục Việt Nam từ bỏ ý định đưa tranh chấp chủ quyền biển đảo ra trước tòa án quốc tế, nhất là khi lập trường cứng rắn của Việt Nam như vừa được châm thêm củi lửa với việc Hoa Kỳ bác bỏ những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.

Cử chỉ hòa hoãn thứ nhì của Bắc Kinh là vào đầu tháng 7/2020, Trung Quốc đã đề xuất khởi động lại đàm phán COC với các nước ASEAN, sau khi dưới sự chủ tọa của Việt Nam, các nước Đông Nam Á đã tỏ lập trường cứng rắn hơn bao giờ hết với nước láng giềng khổng lồ này. Trong bản tuyên bố chung hôm 26/6/2020, ASEAN đã lên án các vụ tàu khảo sát Trung Quốc cản trở những hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam và Malaysia, đâm chìm tàu cá Việt Nam, cũng như việc Bắc Kinh khẳng định thêm quyền quản lý Hoàng Sa và Trường Sa. Do vậy ASEAN quan niệm Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS phải là « cơ sơ để giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp » phù hợp với luật pháp quốc tế.

Các công trình xây dựng của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa. Ảnh chụp ngày 21/04/2017.
Các công trình xây dựng của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa. Ảnh chụp ngày 21/04/2017. REUTERS – Erik de Castro

Đối với các thành viên còn lại trong khối ASEAN, như ghi nhận của báo South China Morning Post, Bắc Kinh tranh thủ các nước này đang gặp khó khăn kinh tế dịch Covid-19 hứa hẹn đầu tư thêm vào những đồng minh như Cam Bốt.

Có điều như chuyên gia Rahul Mishra, thuộc viện nghiên cứu quan hệ Á- Âu tại đại học Kuala Lumpur- Malaysia, ghi nhận trong bài tham luận trên tờ The Diplomat hôm 21/07/2020, Trung Quốc luôn khai thác chiến lược « chia để trị ». Liệu chiêu bài này còn có hiệu nghiệm nữa hay không ? (RFI)