Saturday, December 21, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Bí mật thu thập dữ liệu di động để nghiên cứu về COVID-19 tại Anh

Chính phủ Anh được cho là đã bí mật thu thập và sử dụng dữ liệu điện thoại của người dân để phân tích ảnh hưởng của việc tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 đến hành vi di chuyển.

Đài RT (Nga) ngày 23/05 dẫn báo báo của một nhóm nghiên cứu độc lập cho biết chính phủ Anh đã thừa nhận về việc sử dụng dữ liệu điện thoại của người dân để phân tích hành vi di chuyển của họ, một phần thuộc nghiên cứu liên quan ảnh hưởng của việc tiêm chủng.

Tuy nhiên, người dân Anh không được thông báo về việc này.

Tờ The Telegraph trích dẫn một báo cáo của Nhóm nghiên cứu khoa học độc lập về hành vi trong đại dịch (SPI-B) cho biết các nhà nghiên cứu tại ĐH Oxford đã bí mật sử dụng dữ liệu từ điện thoại di động của người dân để phục vụ nghiên cứu về ảnh hưởng của việc tiêm chủng vắc-xin đến lối sống của người dân.

Theo báo cáo, các nhà nghiên cứu tại ĐH Oxford được cho là đã tìm hiểu “dữ liệu trên điện thoại di động của 10% dân số Anh” vào tháng 2 và chọn ra 4,254 người đã được tiêm chủng. Sau đó, họ theo dõi hành vi của nhóm người này trong tuần trước và sau khi tiêm chủng.

Theo The Telegraph, các nhà khoa học đã thực hiện “nhiều cuộc kiểm tra tình trạng sức khỏe khác nhau”, được sắp xếp theo độ tuổi, đồng thời cũng đo “khoảng cách từ nhà đến địa điểm tiêm chủng” của người dân.

Bằng cách so sánh sự di chuyển của những người được tiêm chủng với một nhóm khác, các nhà khoa học nhận thấy rằng “khả năng di chuyển trung bình trước khi tiêm chủng của họ tăng 218 mét”.

Nhóm bảo mật Big Brother Watch đã gọi những phát hiện trên là “cực kỳ rùng mình và cực kỳ tổn hại đến lòng tin của công chúng đối với tính bảo mật trong y tế”.

The Telegraph dẫn lời một người phát ngôn của chính phủ Anh cho biết dữ liệu trong nghiên cứu trên được thu thập “ở cấp độ các tháp di động chứ không phải ở cấp độ cá nhân” và đã được “ẩn danh”.

Người phát ngôn trên nói thêm rằng các nhà nghiên cứu đã được ĐH Oxford chấp thuận về mặt đạo đức.

Một nguồn tin chính phủ khác làm rõ thêm rằng dữ liệu đã “được ẩn danh trước khi được sử dụng cho nghiên cứu” và chỉ “một nhóm nhỏ các nhà nghiên cứu được cấp phép trước” mới có quyền tiếp cận các dữ liệu này.

Nguồn tin nhấn mạnh rằng dự án không phải là nhằm giám sát người dân, vì việc sử dụng dữ liệu từ tháp di động không thể xác định chính xác các cá nhân.

Nguồn tin giải thích rằng mọi người được cấp “mã thông báo nhận dạng mới” mỗi tháng để bảo vệ tính ẩn danh, nói rằng dữ liệu nhân khẩu học cơ bản duy nhất được chia sẻ là độ tuổi.

“Đó không phải là dữ liệu theo dõi GPS thường được một số công ty thương mại lớn sử dụng cho mục tiêu quảng cáo” – nguồn tin nói thêm.

Các nhà hoạt động vì quyền riêng tư đã và đang bày tỏ lo ngại về tính năng theo dõi liên lạc và các ứng dụng y tế khác được phát triển trong thời gian đại dịch.

Năm 2020, Văn phòng Ủy viên Thông tin (ICO) -cơ quan giám sát quyền riêng tư của Anh – đã cho phép sử dụng dữ liệu điện thoại trong việc phòng chống dịch COVID-19.

Người phát ngôn của ICO cho biết: “Các cơ quan chức năng có thể yêu cầu thu thập và chia sẻ dữ liệu cá nhân bổ sung nhằm phục vụ đối phó các mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng”. (PLO)