Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Bầu Cử 2020: Cuộc Chiến Giành Tối Cao Pháp Viện

Nguyễn Quang Duy

Trong buổi lễ đề cử Thẩm phán vừa qua, bà Amy Coney Barrett cho biết nhờ bà làm thư ký cho Thẩm Phán Antonin Scalia nên chịu ảnh hưởng của ông và ảnh hưởng này vẫn vang vọng trong cuộc sống của bà:

“Triết lý tư pháp của ông ấy cũng là triết lý của tôi: một thẩm phán phải áp dụng luật như bộ luật đã được viết thành văn.

Các thẩm phán không phải là những nhà hoạch định chính sách nên họ phải quyết tâm gạt sang một bên bất kỳ quan điểm chính sách nào mà họ tin theo.”

Tổng thống Donald Trump và bà Amy Coney Barrett

Triết lý tư pháp…

Thuyết trình tại Đại Học Jacksonville vào cuối tháng 10/2016, bà Barrett giải thích theo Thẩm Phán Antonin Scalia thì mọi phán quyết của Tối Cao Pháp Viện phải theo sát với những điều được ghi trong Hiến Pháp và phải được diễn giải theo khả năng hiểu biết của người dân thời Hiến Pháp hay tu chính án được thông qua.

Các chính phủ liên bang và tiểu bang chỉ có quyền hoạch định chính sách hay đạo luật trong phạm vi giới hạn của những điều đã được ghi rõ trong Hiến Pháp.

Bà cho biết để tránh bị hiểu lầm là bảo thủ chính trị, nên gọi những vị thẩm phán như ông Antonin Scalia và bà là những thẩm phán theo khuynh hướng nguyên thủy.

Thẩm Phán Antonin Scalia là người uyên thâm triết lý tư pháp nguyên thủy ông có khả năng viết sách nói rõ các vụ kiện và quyết định đồng ý hay không đồng ý.

Ông còn có khả năng thuyết phục nên đã đào tạo được một thế hệ các thẩm phán nguyên thủy, bà cho biết khi ra tranh cử, ông Trump có đưa ra một danh sách 20 ứng viên thẩm phán đa số đều thuộc trường phái nguyên thủy.

Theo bà các thẩm phán cấp tiến là những người theo triết lý tư pháp mở rộng, họ cho rằng Hiến Pháp phải sống với thời đại.

Khuynh hướng mở rộng bao gồm những vị cũng dựa trên khả năng hiểu biết của người dân thời Hiến Pháp hay tu chính được thông qua, nhưng để Hiến Pháp có thể sống với thời đại, các thẩm phán này diễn giải những điều không được viết ra, miễn là việc mở rộng không làm thay đổi nội dung của bản Hiến Pháp.

Nhóm những thẩm phán cấp tiến triệt để tin rằng Hiến Pháp phải thực sự sống với thời đại, việc diễn giải Hiến Pháp phải dựa theo hoàn cảnh, theo thời gian hoặc theo các tài liệu chứng cứ chung quanh việc ban hành đạo luật và cập nhật theo thời đại.

Bởi thế mới có việc các thẩm phán bảo thủ nhiều khi đã đồng ý với các thẩm phán cấp tiến với những lý do khác nhau.

Tư pháp và dân chủ…

Từ ngữ dân chủ (democracy) không có trong Hiến Pháp Mỹ và Hiến Pháp các tiểu bang (Constitution); đồng thời cũng không có trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập (Declaration of Independence).

Theo bà thì sinh hoạt dân chủ rất rộng nên một số các chính sách và đạo luật dân chủ được Quốc Hội Liên Bang và các Tiểu Bang thông qua, đã vượt qua phạm vi Hiến Pháp cho phép.

Vai trò của thẩm phán Tối Cao Pháp Viện là phán quyết các đạo luật dân chủ và các phán quyết của các toà án cấp dưới có đúng với Hiến Pháp hay không.

Theo triết lý tư pháp nguyên thủy của Thẩm Phán Antonin Scalia thì điều gì không được ghi trong Hiến Pháp muốn thành Tu chính án cần phải thông qua các thủ tục dân chủ đúng như Hiến Pháp đã hướng dẫn.

Đốt cờ Mỹ hợp hiến…

Trong buổi thuyết trình bà Barrett có nói đến quyết định khó khăn nhất của thẩm phán Antonin Scalia là phải dẹp bỏ mọi cảm tình ông dành cho lá Quốc Kỳ Mỹ để bỏ phiếu thuận trong vụ kiện gây tranh cãi tiểu bang Texas chống Johnson vào năm 1989.

Phán quyết liên quan đến ông Gregory Lee Johnson bị bắt vào năm 1984 về tội đốt cờ Mỹ tại Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa ở Texas để phản đối việc đề cử Tổng thống Ronald Reagan ra tranh cử một nhiệm kỳ nữa.

Tòa tiểu bang xét thấy ông Johnson có tội, nhưng Tối Cao Pháp Viện với tỷ lệ 5/4 phán quyết rằng hành động đốt cờ là hình thức diễn đạt có tính biểu tượng được Tu chính án thứ nhất về quyền tự do ngôn luận bảo vệ.

Từ năm 1990, Quốc hội Mỹ đã bảy lần cố gắng thông qua một tu chính hiến pháp cho phép chính phủ cấm việc xúc phạm Quốc Kỳ, mặc dầu đã 6 lần đạt trên 2/3 đa số cần thiết tại Hạ viện nhưng liên tục thất bại tại Thượng viện.

Nếu được Lưỡng Viện Quốc Hội thông qua để được xem là một tu chính án phải cần ít nhất 3/4 các tiểu bang đồng thuận.

Bà Barrett cho biết triết lý tư pháp nguyên thủy tuyệt đối tôn trọng những điều được ghi trong Hiến Pháp, các thẩm phán phải dẹp bỏ mọi tình cảm và niềm tin cá nhân, cũng như không để bị ảnh hưởng của người dân khi họ cảm thấy bị xúc phạm vì lá cờ Mỹ bị đốt.

Quyền phá thai…

Trong buổi thuyết trình năm 2016 bà Barrett cho biết việc ủng hộ quyền được sống của ông Trump, của những người bảo thủ và niềm tin tôn giáo không ảnh hưởng đến những phán quyết, vì phá thai không hề được nhắc đến trong Hiến Pháp, nhưng quyền phụ nữ đã được ghi nhận trong Hiến Pháp nên không thể tước bỏ quyền phá thai.

Nhưng từ năm 2017, bà Barrett đã ủng hộ một số phán quyết như sau: 

  1. Trẻ vị thành niên khi phá thai phải được sự đồng ý của cha mẹ hay người bảo hộ;
  2. Không được phá thai vì giới tính, chủng tộc hay thai nhi bị khuyết tật;
  3. Thai nhi phải được chôn cất hay hỏa táng như một người bình thường.

Vào đầu tháng 6/2019, Tối Cao Pháp Viện bất ngờ ủng hộmột điều luật của tiểu bang Indiana là tất cả các bào thai dù bị sẩy thai hoặc phá thai đều phải được chôn cất hoặc hỏa táng.

Điều này làm nhiều phụ nữ lo lắng rằng bà Barrett có thể lật ngược án lệ Roe v Wade – phán quyết năm 1973 khiến việc phá thai trở nên bất hợp pháp tại Mỹ.

Obama Care

Đạo Luật Cải tổ Y tế của Tổng thống Obama là đạo luật gây tranh cãi nhất trong thập niên qua, được thông qua là nhờ đảng Dân Chủ vào năm 2010 nắm cả Lưỡng viện Quốc Hội.

Nhưng ngay sau đó đảng Dân Chủ mất Hạ Viện rồi Thượng Viện và Đạo luật đã 2 lần được đưa ra Tối Cao Pháp Viện xét xử vào những năm 2012 và 2015, với 5 phiếu ủng hộ so với 4 phiếu phản đối, trong đó có phiếu của Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg vừa qua đời.

Obama Care bị kiện vì bắt buộc mọi công dân Mỹ phải có bảo hiểm y tế nếu không sẽ bị phạt tiền, vi phạm quyền tự do cá nhân được hiến pháp bảo đảm.

Bác bỏ đơn kiện, Chánh án Roberts phán quyết rằng khoản tiền phạt những người không mua bảo hiểm chỉ là một thứ thuế và chính phủ có quyền đánh thuế.

Năm 2017, Tổng thống Trump xóa bỏ tiền phạt những người không mua bảo hiểm y tế, nên Obama Care lại bị kiện vì lý do Chánh án Roberts đưa ra không còn hiệu lực.

Tháng 12/2018 Tòa sơ thẩm Bắc Texas phán quyết điều khoản bắt mọi người phải mua bảo hiểm Y tế trong Obama Care là vi hiến, nên toàn Đạo Luật không còn hiệu lực.

Nhưng lên Tòa phúc thẩm lại quyết định đưa trả Tòa sơ thẩm để xem có điều khoản nào trong đạo luật Obama Care có thể giữ lại hay không, nên vụ kiện được đưa lên Tối Cao Pháp Viện và sẽ được xử vào ngày 10/11/2020 sắp tới.

Bà Barrett từng tuyên bố rất quan tâm đến Obama Care khi Đạo Luật này buộc các tổ chức tôn giáo phải mua bảo hiểm y tế cho nhân viên bao gồm việc nhân viên đi phá thai, đi triệt sản hay kiểm soát sinh sản và như thế là đối nghịch với niềm tin tôn giáo và vi phạm quyền tự do tín ngưỡng.

Nhiều người tin rằng nếu tham dự xét xử bà sẽ phán quyết Obama Care là vi hiến, vì thế bà đã, đang và sẽ gánh chịu nhiều công kích từ phía đảng Dân Chủ để Thượng Viện không sớm chính thức thông qua việc đề cử bà.

Nếu Thượng Viện chưa thể chính thức thông qua, Tổng thống Trump có quyền bổ nhiệm bà Barrett làm Thẩm phán Tối Cao Pháp Viện tạm thời, nên Obama Care khó có thể tồn tại và việc bổ nhiệm tạm thời cũng giúp quyết định những tranh chấp tư pháp xảy ra do cuộc bầu cử 2020.

Quyền của người lao động

Trong kỳ bầu cử 2020, nhà tỷ phú Mike Bloomberg, ngành truyền thông, tuyên bố sẽ bỏ ra ít nhất 100 triệu Mỹ kim giúp quảng cáo chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Biden tại Florida.

Ông Biden và đảng Dân Chủ cũng được ủng hộ của nhiều nghiệp đoàn, nên khi chính trị gia, tư bản, nghiệp đoàn và truyền thông cấu kết thì người thiệt hại nhất chính là người lao động.

Từ góc cạnh quyền lao động, đây là khuyết điểm lớn nhất của hệ thống chính trị Mỹ từ vài thập niên qua, tôi tin rằng bà Barrett khi thành thẩm phán chắc chắn sẽ điều chỉnh khuyết điểm này nếu có cơ hội.

Nỗi lo của đảng Dân Chủ

Bà Barrett ủng hộ Tu Chính Án thứ hai một cách khá triệt để với quan điểm cây súng là tài sản của công dân, quyền tư hữu được ghi rõ trong Hiến Pháp và trách nhiệm của chính phủ là phải bảo vệ tài sản của công dân.

Ngoài ra còn có nhiều các Đạo Luật khác về giới tính, sắc tộc, giáo dục, di trú, ngoại thương cần được phán quyết theo đúng Hiến Pháp Mỹ.

Bà Barrett mới chỉ 47 tuổi và số thẩm phán bảo thủ là 6 người, còn lại 3 ghế cho cánh cấp tiến, nên mặc dù không trực tiếp hoạch định chính sách, nhưng bà sẽ định hướng đi cho các chính sách và chiến lược Mỹ trong vòng vài chục năm tới.

Dân chủ và đảng Dân chủ…

Hiến Pháp là luật chơi cho những người muốn tham gia chính trị, qua lời giải thích của bà Barrett chúng ta có thể hiểu lý do đảng Cộng Hòa muốn bảo vệ Hiến Pháp, Luật Pháp và Trật Tự một cách triệt để.

Còn Hiến Pháp hiện hành rõ ràng không có lợi cho đảng Dân Chủ, vì thế họ muốn phá bỏ luật chơi này, để có được những luật chơi khác có lợi hơn cho họ.

Cuộc bầu cử 2016, bà Hillarry Clinton hơn ông Trump trên 3 triệu phiếu phổ thông, nên bà luôn cho rằng ông Trump đã “đánh cắp” kết quả bầu cử “dân chủ” của bà.

Không phải bà không biết về thể thức Cử tri đoàn được ghi rõ trong Hiến Pháp, nhưng bà và đảng Dân Chủ vẫn liên tục phủ nhận việc ông Trump thắng cử theo hiến định.

Bà làm thế vừa để giảm uy tín của ông Trump, vừa giảm niềm tin của người Mỹ vào Hiến Pháp hiện hành, sửa soạn cho việc thay thế bầu cử thông qua cử tri đoàn bằng phổ thông đầu phiếu.

Nhưng muốn thực hiện được điều này thì cần tu chính hiến pháp, với 2/3 dân biểu Hạ Viện Liên Bang đồng ý, rồi 2/3 nghị sĩ Thượng Viện Liên Bang đồng ý và rồi 3/4 các tiểu bang đồng thuận.

Một cách khác, không qua tu chính hiến pháp, là các tiểu bang ngồi lại đồng ý với nhau về một cách thức bầu cử mới, việc này đã được Tối Cao Pháp Viện đồng ý.

Đảng Dân Chủ còn muốn chuyển Washington D.C. và Puerto Rico thành hai tiểu bang để họ có thêm phiếu tại Thượng Viện, cũng như tăng số thẩm phán Tối Cao Pháp Viện lên thêm 6 ghế nữa, để nâng tổng số lên là 15.

Tất cả những điều kể trên đều không dễ thực hiện, vì thế cánh tả cấp tiến có ý tưởng hủy bỏ Hiến Pháp hiện hành để soạn một hiến pháp mới cấp tiến theo định hướng dân chủ xã hội.

Trong cuộc tranh luận bầu cử vừa qua, ông Joe Biden từ chối trả lời câu hỏi về việc câu giờ (Filibuster) không để Thượng Viện thông qua việc đề cử bà Barrett và câu hỏi nếu ông Biden thắng cử có cho phép tăng số thẩm phán thêm 6 ghế (Pack the court) hay không.

Nhìn chung, đảng Dân Chủ đang bị đặt vào một thế rất bị động vì khi bà Barrett được làm thẩm phán và nếu ông Trump tái đắc cử, đảng Dân Chủ sẽ chịu thua thiệt trong một thời gian rất dài, nên bằng mọi cách và mọi giá phải ngăn cản Thượng viện bổ nhiệm bà Barrett và phải tập trung tất cả để không thua cuộc bầu cử Tổng thống 2020.

Nguyễn Quang Duy

Melbourne, Úc Đại Lợi

03/10/2020