Saturday, December 21, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Bắt blogger Phạm Thành, vì lý do gì?

Nhà cầm quyền Việt Nam đã liên tục cho bắt 3 nhân vật bất đồng chính kiến ở miền Bắc Việt Nam, mà cả ba là những vị cao niên, ai cũng mang thể chất đau yếu, cần thuốc men mỗi ngày. Đó là ba nhà văn Nguyễn Đức Thạch, Phạm Thành và Nguyễn Tường Thụy.

Có vẻ như chiến dịch bắt bớ trước đại hội 13 có một danh sách dài, và cũng không hẳn sẽ kết thúc sau đó. Từ năm 2019, đã có những lời bàn về một tin hành lang, rằng sẽ có những cuộc săn đuổi và nhổ cỏ tận gốc những thành phần “gai mắt” – kể cả “gai mắt tiềm năng” – chuẩn bị cho giai đoạn 2021-2023, Việt Nam phải ký và đưa vào hoạt động Công ước 87 của ILO về Công đoàn độc lập.

Nhà văn Trần Đức Thạch, được biết là một trong những thành viên Hội Anh em Dân chủ còn sót lại. Ông Nguyễn Tường Thụy là Phó chủ tịch Hội nhà báo Độc lập, và là người đang kiểm soát trang báo tự do Việt Nam Thời Báo. Nhưng với ông Phạm Thành, một cây bút tự do và đơn độc, việc bắt giữ ông có vẻ khó hiểu, nếu như không gắn với quyển sách của ông, gây chấn động dư luận từ một năm trước, có tên Nguyễn Phú Trọng: Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo.

Rất nhiều lời bình luận hiện nay, cho rằng việc bắt giữ ông Phạm Thành mang ý nghĩa trả thù cá nhân nhiều hơn là chính trị. Sự kiện này cũng gợi nhớ đến bác sĩ Hồ Hải, một nhân vật bị bắt và kết án vào thời gian đại hội 12 của đảng Cộng sản, với lý do khá gần với ông Phạm Thành.

Vốn là một người bạn gần gũi và chia sẻ nhiều các quan điểm chính trị với ông Phạm Thành, nhà báo – cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Vũ Bình, dành ít thời gian nói về trường hợp của ông Phạm Thành, hay còn có bút danh khác trên blog là Bà Đầm Xòe.

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình cho biết về chi tiết vụ bắt giữ  là “Vợ của anh Thành nhắn cho biết công an ập vào nhà lúc 8g sáng, ngày 22/5/2020, đọc lệnh bắt, khám xét nhà rồi sau đó đưa anh Thành đến Hỏa Lò. Tôi có hỏi là công an họ nói vì tội gì, chị Thành nói lúc đó lo lắng quá nên không nhớ, nhưng chỉ biết là do cuốn sách Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo”. Nhà báo Nguyễn Vũ Bình còn nhận xét rằng nhà văn Phạm Thành viết rất nhiều, tuy nhiên điều bị coi là giọt nước tràn ly là cuốn sách nói trên.

Tuấn Khanh: Nhưng tại sao, mãi hơn một năm, từ khi cuốn sách đó ra đời thì mới lệnh bắt đột ngột như vậy?

Nguyễn Vũ Bình: Người ta không vội vã gì cả. Họ thong thả lên chuyên án, và sẽ ra tay khi đối tượng không dự trù được. Cách đây 2-3 tháng, khi tình hình căng thẳng nói chung, thì anh Thành đã chuẩn bị tình thần cho việc bị bắt giữ. Thế nhưng công an lại không chọn thời điểm đó để bắt. Rồi đến khi, đối tượng cảm giác mình không bị bắt nữa, thì công an mới hành động.

Tại sao họ lại hành động như vậy? VÌ khi họ bắt lúc đối tượng chuẩn bị tinh thần rồi, việc thẩm tra và khai thác khó khăn hơn, đánh gục ý chí hay đày đọa tinh thần cũng không dễ dàng gì. Còn người khi bị bắt bất ngờ sẽ dễ cho công an khai thác hơn. Nguyên tắc của an ninh là như vậy, nên vấn đề không thể nói là bắt sớm hay muộn.

Tuấn Khanh: Nhà báo Phạm Thành có cảm nhận trước việc ông ta sẽ bị bắt hay không?

Nguyễn Vũ Bình: Anh Thành rất thân với tôi, và hay trò chuyện về chuyện này khi hai anh em ngồi uống rượu với nhau. Cá nhân tôi thì không tin rằng mọi chuyện đi qua êm xuôi. Tình hình căng nhất trong giới phản biện xã hội là lúc nhà báo Phạm Chí Dũng bị đưa đi. Ai cũng chuẩn bị cho mình tình huống xấu nhất, nhưng công an lại không hành động ngay với anh Thành vào giai đoạn ấy. Nên tôi có cảnh báo với anh Thành về việc này.

Tuấn Khanh: Việc tấn công trực diện vào ông Trọng (với vài trăm bài viết) của nhà văn Phạm Thành khiến ai nấy đều ngạc nhiên. Thậm chí có người còn bàn theo thuyết âm mưu rằng ông Phạm Thành được một nhóm nào đó, chống lưng, thì mới dám ra mặt với ông Nguyễn Phú Trọng như vậy?

Nguyễn Vũ Bình: Điều đó thì tôi tin và biết là không có. Vì lâu nay, anh Thành viết rất nhiều đề tài, chỉ có riêng về giai đoạn suy luận mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc thì anh Thành mới đặt vấn đề với ông Trọng trong vai trò vai trò đảng trưởng đảng CSVN. Nói chung, anh Thành nghĩ gì thì viết đó, và với ai mà anh ta chú ý, nhận diện, đều có một lối bình luận trực diện, chứ anh Thành không quan tâm phe nhóm gì. Theo quan điểm của tôi, hầu hết những người lên tiếng ở Việt Nam, đều là vấn đề tranh đấu chứ chẳng vì phe nhóm gì mà tự gây khó cho mình như vậy..

Tuấn Khanh: Sự kiện ông Phạm Thành bị bắt, nhắc đến trường hợp của bác sĩ Hồ Hải ở Sài Gòn. Bác sĩ Hồ Hải bị tuyên án 4 năm tù và 2 năm quản chế vào tháng 2/2018 vì những bài viết của mình, mà tương tự như ông Phạm Thành, cũng chỉ trích gay gắt ông Nguyễn Phú Trọng. Liệu ông Trọng có phải là một nhân vật quyền lực hay nhỏ mọn đến mức luôn tấn công vào những người chỉ trích mình?

Nguyễn Vũ Bình: Tôi không nghĩ vậy. Việc bắt bớ ở Việt Nam rất phức tạp, và nếu không có tin tức cụ thể trong nội bộ thì rất dễ suy diễn nhiều hướng. Anh Thành đã viết rất nhiều đề tài, tấn công nhiều nhân vật, thậm chí tấn công vào cốt lõi của chủ nghĩa xã hội. ông Trọng chỉ là một trong số đó. Nhưng mọi chuyện được chú ý vì ông Trọng có vai vế lớn trong đảng và xã hội. Nếu bắt giữ anh Thành theo lý luận vì vấn đề tư thù cá nhân, thì có thể đôi khi ông Trọng chưa nghĩ đến, mà ai đó trong hệ thống muốn lập công, bắt để tạo cơ hội bày tỏ với ông Trọng thì sao? Mọi thứ cứ nên để xem cáo trạng sắp tới như thế nào đã.

Tuấn Khanh: Nhưng hiện nay, rất nhiều lời bình cho rằng ông Thành gặp khó với chính quyền bởi cuốn sách nhắm đến Nguyễn Phú Trọng. Và hơn nữa, nhiều ý kiến cho rằng hiện vẫn có những quyển còn gây khó chịu hơn như Đèn cù hay Bên thắng cuộc… vẫn chưa gặp chuyện gì xấu. Vậy Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo có điều gì đáng sợ đến mức công an phải bắt khẩn cấp ông Phạm Thành như vậy?

Nguyễn Vũ Bình: Xã hội Việt Nam luôn tồn tại sự không rõ ràng, và mọi thứ đều chỉ là những lời bàn. Trong hệ thống cũng có những trường hợp hành động duy ý chí chứ không dựa trên căn bản điều gì cả.

Nên xét rằng, nếu anh Thành không có cuốn sách về ông Trọng, với mức độ chỉ trích và phản biện dày đặc của anh, cũng có thể anh bị bắt. Có thêm cuốn sách, thì số phận một người tranh đấu đối diện với việc bị bắt có tăng thêm nhiều khả năng như vậy. Tâm lý của người dân thì thường suy đoán, dựa vào những gì dễ thấy nhất thôi. Việc bắt anh Thành trước đại hội 13, cũng có thể mở ra thêm nhiều hướng suy nghĩ nữa, chứ không riêng gì về cuốn sách. Nó có thể là cái cớ, hoặc nó là một giọt nước tràn ly trong cái nhìn tổng quan của ngành an ninh với bối cảnh chung xã hội Việt Nam lúc này. (RFA)