BÁO ĐỘNG: Bánh trung thu có thực sự tốt như lời giới thiệu?
Rằm tháng Tám cũng là lúc thị trường bánh Trung thu trở nên sôi động với nhiều sản phẩm đa dạng. Đặc biệt, các loại bánh Trung thu handmade được cho là an toàn khi “không chứa chất bảo quản” đang được rất nhiều người quan tâm.
Nhưng thực tế liệu có an toàn như lời giới thiệu?
Nhìn những chiếc bánh Trung thu thành phẩm, người tiêu dùng khó có thể nhận biệt được đâu là sản phẩm được làm từ nguyên liệu không rõ nguồn gốc và đâu là sản phẩm đảm bảo an toàn chất lượng.
Nguyên liệu làm bánh trôi nổi, không rõ xuất xứ
Hiện nay, ngoài các loại bánh Trung thu truyền thống, bánh Trung thu handmade (bánh nhà làm) được bày bán tràn lan ngoài các tạp hóa, các khu chợ và trên mạng xã hội, được nhiều người tiêu dùng quan tâm.
Những loại bánh này đều được người bán quảng cáo là không chất phụ gia, không chất bảo quản, không phẩm màu độc hại và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thế nhưng, trên thực tế sự thật lại khác hoàn toàn với những lời giới thiệu mĩ miều này.
Trên thị trường, xuất hiện nhiều loại nhân làm bánh với màu xanh, đỏ, vàng,… được đóng sẵn trong túi nilông với giá khá rẻ. 1kg nhân có giá 70.000 đồng có thể làm đến 20 – 30 chiếc bánh. Dù được quảng cáo là sản phẩm 100% nhà làm, nhưng với không ít cơ sở làm bánh handmade, nguyên liệu lại được nhập từ… khắp nơi.
Từ các chợ truyền thống đến mạng xã hội, nguyên liệu làm bánh trung thu được bày bán đủ loại với hàng trăm sản phẩm làm nhân bánh. Tất cả chỉ được ghi tên sản phẩm mà không hề có bất cứ một thông tin nào liên quan đến nhà sản xuất.
Nhiều năm qua, các lực lượng chức năng đã nhiều lần thu giữ nguyên liệu làm bánh Trung thu chuyên cung cấp cho các cơ sở làm bánh handmade nhưng lại có nguồn gốc từ… Trung Quốc.
Điều kiện sản xuất không đảm bảo
Các chủ tài khoản trên mạng xã hội và cơ sở kinh doanh bánh Trung thu handmade rao bán các loại bánh với nhiều mức giá khác nhau giao động từ 19.000 đồng với bánh 75g, bánh cỡ lớn hơn giá từ 45.000-50.000 đồng/chiếc với đủ mùi vị như sữa dừa, sầu riêng, trà xanh, đậu đỏ…
Các cơ sở này đều đánh vào tâm lý lo ngại việc sử dụng chất bảo quản trong các sản phẩm đóng hộp để quảng cáo các sản phẩm của mình. Nói cách khác, không phải ở hương vị, màu sắc hay kiểu dáng, mà “nói không với chất bảo quản và phụ gia thực phẩm” mới là thông điệp thu hút khách hàng của những chiếc bánh này đối với người tiêu dùng.
Nhiều chuyên gia cho rằng người tiêu dùng vẫn chưa thực sự hiểu đúng về việc sử dụng chất bảo quản. Theo đó, các chất bảo quản được cấp phép sử dụng với liều lượng theo đúng quy định sẽ không gây hại cho sức khỏe con người.
Trong khi đó, nguy cơ ngộ độc vẫn có thể xảy ra nếu không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình đóng gói các loại bánh Trung thu hay nhiều sản phẩm handmade khác. Điển hình như vụ việc Pate Minh Chay khiến nhiều người nhập viện đang là hồi chuông cảnh báo người tiêu dùng đối với các sản phẩm handmade, homemade không đảm bảo chất lượng.
Một trong những độc tố khá phổ biến có trong thực phẩm là Botulinum. Độc tố Botulinum được sản sinh từ vi khuẩn Clostridium botulinum. Đây vi khuẩn “kỵ khí”, “yếm khí”, có đặc điểm phát triển mạnh mẽ trong môi trường thiếu ô-xy như các loại đồ hộp, túi ni-lông hút chân không…Tại Thái Lan và Trung Quốc đã ghi nhận các trường hợp ngộ độc Botulinum tại các sản phẩm măng hay đậu hũ.
Trong quá trình sản xuất phải đảm bảo điều kiện an toàn, tiệt trùng dụng cụ ở nhiệt độ cao, nấu trong điều kiện thủ công sẽ khó diệt được vi khuẩn. Đây cũng là nguyên nhân mà các công ty sản xuất công nghiệp ít xảy ra loại ngộ độc này hơn các cơ sở handmade.
Cách chọn bánh Trung thu an toàn
Phong trào sản xuất bánh Trung thu handmade thực chất rất có ý nghĩa trong mùa tết Trung thu. Tuy nhiên, trước hàng ngàn loại bánh Trung thu trên thị trường, không phải ai cũng biết cách chọn bánh ngon và an toàn cho mình.
Khi mua bánh chúng ta cần quan sát kỹ bao bì. Nếu như bao bì còn kín và còn hạn sử dụng thì bánh sẽ không bị nhiễm khuẩn. Nên chọn những loại được gói và bảo quản trong tủ kính hay tủ lạnh. Cần xem nhãn mác được in trên bao bì, các nội dung cần đặc biệt chú ý như: ngày sản xuất, hạn sử dụng, nguyên liệu, các thành phần trong bánh…
Một chú ý quan trọng về cách đóng gói, nhãn mác là ngày sản xuất phải không được in cùng với các nội dung trên bao bì. Một cách để nhận biết dấu hiệu này là phần mực ghi tại ngày sản xuất được in khác màu so với màu chữ, số in trên bao bì.
Đặc biệt, bao bì của thực phẩm được in đồng loạt và có thể in trước từ nhiều tháng hoặc năm trước. Trong khi đó, ngày sản xuất của thực phẩm thì phải được ghi theo ngày làm ra sản phẩm đó.
Một lưu ý nữa là không mua bánh được bày bán trực tiếp dưới trời nắng. Bởi với điều kiện thời tiết nắng nóng dễ làm cho bánh lên men, nhanh hỏng hơn so với bình thường. Ngoài ra, người mua còn có thể nhận biết bằng cảm quan của mình khi chọn mua bánh. Những chiếc bánh về bề ngoài có vẻ ướt, có dấu hiệu bị mốc, lên men… thì tuyệt đối không mua dù giá rẻ. (DKN)