Saturday, November 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Báo chí thế giới và cuộc chiến với mạng xã hội

Báo chí truyền thống đang đứng trước thách thức lớn trong cuộc cạnh tranh thông tin với mạng xã hội (MXH). Không chỉ có Facebook, YouTube, Instagram, hay Twitter… mà còn rất nhiều MXH khác đang nổi lên trên con đường phục vụ nhu cầu thông tin khác nhau của người dùng. Và trong thời đại số hóa hiện nay, có thể thấy rõ, MXH đang dần dần lấn lướt báo chí truyền thống dù nó luôn vướng phải “scandal” tin giả. Và rồi, dù ít hay nhiều, dù muốn hay không, báo chí đang vẫn phải “sống chung với lũ”.

Vấn nạn tin giả tràn lan hiện nay là mối đau đầu của nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Facebook, Google, đe dọa thế thượng phong của các MXH. Ảnh: SCMP

Bài học từ đế chế truyền thông News Corp

Cuối tháng 5 vừa qua, giới báo chí thế giới sốc khi tập đoàn truyền thông hàng đầu của Australia, News Corp, chính thức thông báo sẽ ngừng in hơn 100 tờ báo địa phương và khu vực cùng với việc cắt giảm hàng trăm phóng viên, biên tập viên.

Theo đó, “con gà đẻ trứng vàng” của “ông trùm truyền thông” Rupert Murdoch hiện sở hữu hơn 170 tờ báo ở Australia, sẽ đóng cửa vĩnh viễn 36 tờ báo nhỏ và chuyển 76 tờ khác thành báo điện tử. Hồi tháng 4, News Corp phải tạm ngừng xuất bản bản in và chỉ duy trì bản điện tử của 60 tờ báo địa phương khi dịch Covid-19 bùng phát ở Australia, gây tác động lớn đến các hoạt động kinh tế ở nước này. Vào thời điểm đó, nhiều người tin rằng, các tờ báo này rất khó phát hành bản in trở lại. Giám đốc điều hành News Corp Australia Michael Miller cho biết, lượt truy cập các tờ báo điện tử của News Corps tăng hơn 60% trong thời gian gần đây khi đại dịch bùng phát, nhưng doanh thu quảng cáo trên các báo in lại sụt giảm mạnh.​

Đế chế truyền thông News Corp đã chính thức thông báo ngừng in hơn 100 tờ báo địa phương và khu vực cùng với việc cắt giảm hàng trăm phóng viên, biên tập viên hồi tháng 5 vừa qua.  Ảnh: AFP

Mới đây, News Corp công bố khoản lỗ 1,1 tỷ AUD (660 triệu USD) trong quý I của kênh thể thao Foxtel, khi kênh truyền hình này không thể phát sóng các sự kiện thể thao lớn do bị hủy bỏ bởi các quy định hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Theo ông Cox, tỷ phú Rupert Murdoch, người thành lập đế chế truyền thông toàn cầu từ tờ báo duy nhất tại thành phố Adelaide, bang Nam Australia, sớm hay muộn cũng phải thừa nhận hoạt động kinh doanh ở quê hương giờ đây không còn hiệu quả.

News Corp cần tập trung cho các khoản đầu tư quan trọng ở Mỹ, bao gồm tờ WSJ và mạng truyền hình cáp Fox News. Do đó, để đáp ứng những xu hướng thay đổi này, News Corp Australia phải tái cơ cấu hoạt động xuất bản theo xu hướng mới của độc giả và doanh nghiệp, tập trung vào việc củng cố vị thế của Cty truyền thông kỹ thuật số hàng đầu của Australia.

News Corp Australia chính thức thông báo sẽ ngừng in hơn 100 tờ báo địa phương

Cuộc chiến cân sức?

Cuộc cạnh tranh giữa MXH và báo chí truyền thống được giới chuyên gia ví như “Cuộc chiến thành Troy”. Nó đã âm ỉ cháy trong nhiều năm qua. Nhưng mọi việc mới được khơi lại gần đây khi chính phủ Australia tuyên bố sẽ buộc Google và Facebook trả tiền nội dung cho các hãng tin. Đây được xem là động thái mang tính bước ngoặt nhằm bảo vệ báo chí truyền thống trước sự thống trị của hai gã khổng lồ công nghệ này.

Bộ trưởng Tài chính Australia Josh Frydenberg cho biết, chính phủ sẽ ban hành bộ quy tắc ứng xử bắt buộc trả tiền cho nội dung tin tức vào tháng 7 tới. Theo bộ quy tắc ứng xử bắt buộc, các Cty công nghệ như Facebook và Google phải trả tiền cho các hãng tin, báo đài ở Australia nếu sử dụng tin tức và nội dung của họ. “Những gì chúng tôi muốn thấy là sân chơi bình đẳng. Chúng tôi muốn đảm bảo sự công bằng cho những hãng tin nỗ lực sản xuất nội dung tin tức”, ông Frydenberg nhấn mạnh. Tất nhiên, việc các hãng tin tức truyền thống đang chịu nhiều lép vế trước MXH không phải chỉ xảy ra ở Australia. Nhiều quốc gia từ lâu đã tranh luận làm thế nào để đáp ứng với sự thống trị của các Cty công nghệ so với các hãng truyền thông báo chí truyền thống.

Trước Australia, chính phủ Pháp ra lệnh buộc Google đàm phán với các hãng tin, báo đài về khoản tiền thanh toán nếu sử dụng lại nội dung của họ trong công cụ tổng hợp tin tức (Google News) và công cụ tìm kiếm của Google. Tại Mỹ, giới báo chí đã kêu gọi hạn chế quyền lực của những Cty công nghệ lớn. Đại diện ngành báo chí cho rằng Cty công nghệ đang đe dọa sự sống còn của ngành báo chí và yêu cầu chính phủ cần giám sát thêm các Cty này. Các tờ báo Mỹ cho rằng, nền tảng trực tuyến như Google và Facebook đã khiến họ không thể nhận được phần doanh thu quảng cáo kỹ thuật số xứng đáng từ các quảng cáo xuất hiện cạnh nội dung tin tức. Theo số liệu từ Dự án Cứu ngành báo chí, một tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ ngành báo chí Mỹ, 63% doanh thu quảng cáo kỹ thuật số do Google và Facebook kiểm soát. “Google, Facebook và Apple kiểm soát quá nhiều khả năng bạn đưa thông tin trên mạng và sau đó họ kiểm soát quá nhiều doanh thu quảng cáo đổ về, đến nỗi khiến ngành báo chí kiệt quệ”, chuyên gia John Stanton, nhấn mạnh.

Và đây được xem là một trận chiến không hề dễ dàng và chưa thể đi đến hồi kết. Với MXH, lợi thế rất lớn là sự nhanh nhạy. Hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, thậm chí hằng giây, những thông tin nóng hổi trên các trang MXH thật sự làm báo chí truyền thống phải hốt hoảng chạy theo. Nhưng cái khó của báo chí truyền thống là không thể “cầm đèn chạy trước ô-tô”… khi chưa xác minh thông tin.​

Thực tế cho thấy, người đọc hiện nay phần lớn truy cập các phương tiện truyền thông số thông qua MXH. Nhưng chính nó cũng nảy sinh vấn đề. Từng được coi là phương tiện chuyển tải thông tin hữu hiệu trong thời đại hiện nay, nhưng Facebook và nhiều MXH khác đang ngày càng đánh mất niềm tin của cộng đồng báo giới và cả chính phủ của nhiều quốc gia do tin giả lan tràn.

Sự bùng nổ của facebook và Google đang khiến giới báo chí truyền thống lao đao.

Điển hình là vụ bê bối Cambridge Analytica. Facebook cho phép nhiều Cty khác lén thu thập dữ liệu người dùng, vi phạm những điều luật về bảo vệ nhân thân của nhiều quốc gia. Nhưng nghiêm trọng hơn là dữ liệu bị đánh cắp đã trở thành công cụ chính trị được sử dụng nhằm làm sai lệch nhận thức của cử tri trong các cuộc bầu cử từ Mỹ cho tới nhiều quốc gia Châu Âu. Hồi tháng 8-2018, MXH lớn nhất thế giới này còn thừa nhận lén tiếp cận nội dung hội thoại của người dùng ứng dụng Messenger. Giữa các bê bối ấy là những lần ông chủ Zuckerberg cùng dàn lãnh đạo Facebook phải điều trần trước Quốc hội Mỹ, bị nhiều chính phủ khắp thế giới trừng phạt, hoặc hạn chế dịch vụ vì phát tán tin giả, trốn thuế… Cho dù liên tục cam kết, hay đưa ra những công cụ để ngăn chặn tin giả, nhưng những nỗ lực của Facebook vẫn khó giúp nó lấy lại danh tiếng.​

Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, vấn nạn tin giả càng lộ rõ khi các MXH đang vất vả loại bỏ hoặc ngăn chặn sự phát tán các thuyết âm mưu có chứa các tuyên bố sai lệch, gây hiểu lầm hoặc chưa được kiểm chứng về Covid-19. “Ăn vịt lộn để chống dịch Covid-19”, “Sử dụng đồ uống có cồn giúp phòng chống lây nhiễm Covid-19”, hay “Covid-19 phát tán qua mạng 5G”… là một số trong rất nhiều thông tin sai lệch về dịch bệnh đã xuất hiện tràn lan trên khắp các MXH. Theo nghiên cứu gần đây của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters dựa trên 225 thông tin sai lệch liên quan đến dịch Covid-19, có đến 88% lượng thông tin trên xuất hiện ở các nền tảng MXH, trong khi con số này chỉ là 9% đối với truyền hình và 8% trên báo chí. Với khoảng 3 tỷ người dùng trên khắp thế giới, các trang MXH đã và đang dễ dàng trở thành nơi chia sẻ và lan truyền những tin tức này với tốc độ nhanh hơn bất kỳ nền tảng nào khác.

Hậu quả của những tin đồn không căn cứ này không chỉ dừng lại ở việc cản trở công tác chống dịch của các tổ chức y tế hay gây ra bất ổn xã hội, mà còn đe dọa đến tính mạng của người dùng nếu làm theo những chỉ dẫn sai lệch này. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã gọi đây là một “đại dịch tin giả” và đưa ra cảnh báo: “Tin giả lan truyền nhanh và dễ dàng hơn cả virus, nhưng mức độ nguy hiểm thì không hề thua kém”.

Đứng trước một cuộc khủng hoảng thông tin như vậy, các Cty MXH lớn đã và đang làm gì nhằm kiểm soát “đại dịch tin giả” này? Trên thực tế, bất chấp nỗ lực kiểm soát từ các hãng công nghệ, các thông tin giả dạng như thế này vẫn lan tràn. Đó là lý do, mà theo các chuyên gia, MXH đang dần dần mất đi sức ảnh hưởng trước sức bật trở lại của báo chí truyền thống. Tất nhiên, báo chí truyền thống sẽ không bao giờ cạnh tranh được với MXH về tốc độ, nhưng sẽ đánh bại được bằng tính xác tín, bằng sự trung thực và tính chính xác của thông tin.  (Khả Anh, C/A)