Saturday, December 21, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Báo cáo viên Đặc biệt LHQ về Tự do Tôn giáo hay Niềm tin: Cần một báo cáo tổng hợp về tình trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam


Nhân Ngày Quốc tế Tưởng niệm các Nạn nhân bị Bạo hành vì Tôn giáo hay Niềm tin (22/8 hàng năm), BPSOS đã thực hiện buổi hội luận trực tuyến hôm 20/8/2023 với TS. Nazila Ghanea, Giáo sư về luật nhân quyền quốc tế của Đại học Oxford, Anh Quốc và là Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Tự do Tôn giáo hay Niềm tin.

Nazila Ghanea photo
TS. Nazila Ghanea, Giáo sư về luật nhân quyền quốc tế của Đại học Oxford, Anh Quốc và là Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Tự do Tôn giáo hay Niềm tin.

Chủ trì buổi hội luận là TS. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch của tổ chức BPSOS.

Theo bà Ghanea, các báo cáo về vấn đề đàn áp tôn giáo trên thế giới cho thấy sự quan trọng của Ngày Quốc tế Tưởng niệm các Nạn nhân bị Bạo hành vì Tôn giáo hay Niềm tin. Bà cũng nói năm 2023 đánh dấu 75 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền: “mỗi con người sinh ra đều tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền lợi, và quyền con người phải được bảo đảm, không có sự phân biệt như về tôn giáo hay niềm tin.”

Phát biểu tại hội luận là người đại diện từ nhiều cộng đồng tôn giáo và sắc tộc bị bách hại ở Việt Nam, trong đó một số đã từng gặp bà Ghanea tại Hội nghị Tự do Tôn giáo và Niềm tin Đông Nam Á năm 2022 tại Bali, Indonesia.

Mở đầu là hai người Thượng theo Đạo Tin Lành: ông Y Dương Bkrông, người Êđê, tín đồ của Hội Thánh Đấng Christ Tây Nguyên, và nhà truyền đạo Y Čung Niê, lãnh đạo Hội thánh buôn Sút M’đưng ở Đắk Lắk.

Ông Y Dương Bkrông và vợ cùng hai con nhỏ vừa mới đến Thái Lan tỵ nạn đầu tháng 8 sau khi ông bị tra khảo và tra tấn suốt ba ngày, để ép cung – công an ép ông phải nhận tội là đã cung cấp súng đạn cho vụ nổ súng ngày 11/6 ở Đắk Lắk. Do không nhận tội theo sự ép cung, ông bị chích thuốc vào người làm cho toàn thân bải hoải, đau nhức cho đến nay. Vợ của ông cũng bị bắt và bị tra tấn.

Lau Y Ly 2

Sau ông Y Dương Bkrông và ông Y Čung Niê là chị Lầu Y Lỳ, người Hmông theo đạo Tin lành. Trong nước mắt, chị kể lại câu chuyện gia đình mình: cả ba chị em Lầu Y Tòng, Lầu Y Lỳ, và Lầu Y Hua đều phải sang Thái Lan tỵ nạn vì bị sách nhiễu, đàn áp ở Việt Nam, và bị ép bỏ đạo.

Đại diện cho nạn nhân Công giáo bị đàn áp là ông Cao Hà Trực, một cư dân Vườn Rau Lộc Hưng đã khiếu kiện về vấn đề đất đai từ năm 1999 và mất sạch nhà cửa ruộng đất trong vụ cưỡng chế năm 2019. Trên Mạch Sống, chúng tôi đã có bài viết về ông Cao Hà Trực nhìn lại 4 năm 7 tháng từ ngày Vườn rau Lộc Hưng bị cưỡng chế.

Phát biểu sau đó là ông Nguyễn Ngọc Diến, theo đạo Cao Đài 1926 ở Tiền Giang, nói về việc chi phái Cao Đài 1997 của nhà nước Việt Nam đã chiếm danh xưng, tòa thánh, và dùng bạo lực để chiếm hơn 300 thánh thất Cao Đài và tấn công các tín đồ Cao Đài không tuân phục. Trong phần chiếu hình ảnh, ông Diến cho thấy chi phái 1997 cho người đập phá mồ mả của ông bà cha mẹ những tín đồ không tuân phục.

Nhân dịp này, TS. Thắng chia sẻ với bà Ghanea rằng ngày 16/8/2023 vừa qua, Tòa án Dallas, Texas đã phán quyết rằng chi phái Cao Đài 1997 do nhà nước Việt Nam lập ra là tổ chức tội phạm theo luật RICO (Racketeer Influenced and Corrupt Organizations).

Nhân chứng về đàn áp Phật giáo là Đại đức Thích Nhật Phước, trụ trì chùa Sơn Linh, Kon Tum, bị chính quyền địa phương phá hủy.

Người cuối cùng phát biểu là bà Tanya Nguyễn-Đỗ, lên tiếng thay cho Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ (hay còn được gọi là Tịnh Thất Bồng Lai).

Xúc động khi xem qua hình ảnh, bằng chứng, lắng nghe các nhân chứng từ nhiều tôn giáo khác nhau, và bản thân cũng đã vài lần đứng tên trong thư tố giác chung gửi nhà nước Việt Nam, TS. Nazila Ghanea nói nhà nước Việt Nam đàn áp tôn giáo đủ mọi cách khác nhau, không chừa người già, phụ nữ, trẻ con, không chừa cả người chết.

Bà Ghanea cũng nói Việt Nam chỉ công nhận một số lượng rất ít nhóm tôn giáo, và theo tiêu chuẩn quốc tế, vấn đề công nhận tôn giáo không nên trở thành công cụ để vi phạm tự do tôn giáo và niềm tin.

Ngoài ra, bà Ghanea cho ý kiến là có thể chỉ định mộ nhân viên chuyên thu thập các thông tin vi phạm quyền tự do tôn giáo tràn lan ở Việt Nam cho một báo cáo tổng hợp để trình cho Hội đồng Nhân quyền LHQ.

Theo dõi buổi hội luận 20/8/2023 với Báo cáo viên Đặc biệt LHQ: https://www.facebook.com/VNFoRB/videos/1534086100457517/

Vào Thứ Tư, 23/8/2023, BPSOS sẽ có thêm một buổi hội luận về tự do tôn giáo và niềm tin với ông Rashad Hussain, Đại sứ Lưu động của Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế.

Giờ bắt đầu sẽ là 8 giờ tối (giờ Việt Nam), và sẽ được phát trực tiếp trên trang Facebook Bàn tròn đa Tôn giáo Việt Nam: https://www.facebook.com/VNFoRB. (Mạch Sống)