Sunday, November 3, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Báo cáo nhân quyền: Việt Nam gia tăng đàn áp người dân bày tỏ ý kiến ôn hoà trong năm 2019

Chính quyền Việt Nam trong năm 2019 đã gia tăng việc đàn áp, kết án tù với nhiều người chỉ vì họ bày tỏ ý kiến một cách ôn hoà trên mạng về các vấn đề kinh tế và xã hội. Đó là nhận định được đưa ra hôm 23/6 trong báo cáo của một tổ chức phi chính phủ về nhân quyền có tên Dự án 88 the88project.com

Với tên gọi Báo cáo 2019 về các tù chính trị và nhà hoạt động có nguy cơ ở Việt Nam, báo cáo cho biết trong năm 2019, 41 người ở Việt Nam bị bắt giữ trong năm 2019 vì các hoạt động ôn hoà của họ. Con số này thấp hơn con số 148 người bị bắt giữ trong năm 2018 khi nổ ra những cuộc biểu tình lớn tại nhiều nơi ở Việt Nam để phản đối dự luật Đặc khu và luật An ninh mạng.

Theo báo cáo, trong số 41 người bị bắt giữ trong năm 2019, 22 người bị bắt giữ với các cáo buộc liên quan đến bày tỏ ý kiến, 19 người bị bắt vì các hoạt động chống tham nhũng, tiếp theo là các cáo buộc khác liên quan đến dân chủ, nhân quyền.

Hình minh họa. Hình chụp hôm 24/6/2019: phiên toà xử Việt kiều Mỹ Michael Nguyen ở TP Hồ Chí Minh. Ông Michael Nguyen bị kết án 12 năm tù với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.

Điểm đáng chú ý là trong số những người bị bắt giữ trong năm 2019 có cả những người vốn không có bề dày hoạt động xã hội hay tham gia bất cứ tổ chức hay đảng phái nào mà chỉ đơn thuần là những người bày tỏ ý kiến của mình trên mạng. Đây là điểm khác biệt lớn so với những năm trước đây, theo đánh giá trong báo cáo mới.

Điểm đáng lo ngại khác trong năm 2019, theo báo cáo, là tình trạng bắt cóc các nhà hoạt động. Ít nhất hai người đã bị chính quyền Việt Nam bắt cóc là cô Huỳnh thị Tố Nga và blogger của Đài Á Châu Tự Do Trương Duy Nhất.

Số người phải ra toà vì các hoạt động ôn hoà của mình trong năm 2019 là 61 người. Chính quyền đã áp đặt những án tù nặng nề cho các nhà hoạt động với hơn một nửa trong số họ phải nhận án tù từ 5 đến hơn 5 năm tù. 9 người nhận án tù từ 10 đến 14 năm và 1 người nhận án tù hơn 14 năm.

Những tù chính trị tại Việt Nam thường bị giam giữ trong thời gian dài mà không được tiếp xúc với gia đình và luật sư. Nhiều người trong số họ cũng không được chăm sóc y tế đúng mức khi có vấn đề về sức khoẻ, thậm chí bị chuyển đi các trại tù xa gia đình hoặc bị từ chối không được gặp gia đình.

Báo cáo cũng cho biết con số những vụ sách nhiễu các nhà hoạt động trong năm 2019 là 96 vụ, tăng hơn 40% so với năm 2018. Giới chức chính quyền thường sử dụng các biện pháp đe doạ về tinh thần và thể chất để nhằm bịt miệng những người dám lên tiếng về các vấn đề trong xã hội.

84 nhà hoạt động trong năm 2019 bị sách nhiễu. Những hình thức sách nhiễu chủ yếu gồm tạm giữ, đánh đập, tịch thu tài sản, thẩm vấn, phạt hành chính. (RFA)