Saturday, December 21, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Báo cáo mới: Sự gắn kết xã hội của Úc vẫn ổn định nhưng đang chịu áp lực căng thẳng trong bối cảnh áp lực chi phí sinh hoạt gia tăng và môi trường toàn cầu đầy thách thức


THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Kể từ năm 2007, chuỗi Nghiên cứu về Lập Bản đồ Gắn kết Xã hội của Scanlon đã theo dõi quan điểm của người Úc về các vấn đề chính liên quan đến gắn kết xã hội, bao gồm lòng tin, nhập cư, dân chủ và toàn cầu hóa.

Báo cáo năm 2024, được công bố vào thứ Ba, trình bày những hiểu biết từ cuộc khảo sát có hơn 8.000 người tham gia và hơn 100 câu hỏi khám phá những thách thức và điểm mạnh hình thành nên cấu trúc xã hội của quốc gia. Báo cáo nhận thấy rằng trong khi sự gắn kết xã hội vẫn ổn định trong 12 tháng qua, các lĩnh vực quan tâm chính
của người Úc vào năm 2024 bao gồm kinh tế, nhà ở, nhập cư và an toàn.

Tác giả báo cáo, Tiến sĩ James O’Donnell, đến từ Đại học Quốc gia Úc, cho biết mặc dù những thách thức toàn cầu và địa phương đã gây sức ép lên sự gắn kết xã hội của Úc, nhưng nó vẫn không bị rạn nứt.

Tiến sĩ O’Donnell cho biết: “Trong một thế giới đang vật lộn với xung đột và chia rẽ, sự gắn kết xã hội của chúng ta đang chịu áp lực nhưng vẫn ổn định. Mặc dù có sự suy giảm ở những lĩnh vực quan trọng như lòng tin và cảm giác an toàn, và căng thẳng tài chính vẫn là mối quan tâm hàng đầu, nhưng sức mạnh liên tục của cộng đồng chúng ta có thể bảo vệ cảm giác hạnh phúc và hòa hợp của chúng ta”.

Vào năm 2024, cảm giác được gắn bó và công bằng xã hội của người Úc vẫn thấp hơn đáng kể so với mức trung bình dài hạn, trong khi áp lực kinh tế và chi phí sinh hoạt góp phần gây ra tình trạng căng thẳng và bất mãn về tài chính dai dẳng ở mức cao. Đối với gần một nửa người Úc, nền kinh tế vẫn là ‘vấn đề lớn nhất mà đất nước đang
phải đối mặt hiện nay’ (được 49% nêu ra, so với 48% vào năm 2023), tiếp theo là các vấn đề nhà ở và khả năng
chi trả (được 15% nêu ra, cùng tỷ lệ với năm ngoái).

Căng thẳng về tài chính rất phổ biến, với 41% người Úc mô tả mình là “nghèo hoặc đang phải vật lộn để thanh toán hóa đơn” hoặc “chỉ tạm ổn” – và tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn ở những người thuê nhà (61%) và người trẻ tuổi từ 25-34 (50%).

Tiến sĩ O’Donnell cho biết: “Những người trẻ và những cá nhân gặp khó khăn về tài chính ngày càng cảm thấy
khó có thể tham gia thị trường nhà ở, và những người gặp khó khăn về tài chính tỏ ra ít tin tưởng hơn vào chính phủ,
các tổ chức và những người khác”.

Báo cáo năm 2024 cho thấy thái độ đối với chủ nghĩa đa văn hóa vẫn chủ yếu là tích cực, mặc dù đã giảm nhẹ so với mức đỉnh điểm của những năm gần đây. Ví dụ, 85% đồng ý rằng chủ nghĩa đa văn hóa có lợi cho Úc, giảm so với mức 89% vào năm 2023, nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với thời điểm trước Covid (80% vào năm 2019); và 82% đồng ý rằng người nhập cư có lợi cho nền kinh tế (giảm so với mức 86% vào năm 2023; nhưng vẫn cao hơn mức 76% vào năm 2019).

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều lo ngại xung quanh vấn đề nhập cư; gần một nửa người Úc (49%) tin rằng mức độ nhập cư hiện tại quá cao – tăng mạnh so với mức 33% vào năm 2023 và cao hơn so với trước đại dịch (41% vào năm 2019).

Niềm tin rằng tỷ lệ nhập cư quá cao xuất phát từ những lo ngại về kinh tế và nhà ở, thay vì phản đối sự đa dạng; 71% người Úc vẫn đồng ý rằng việc chấp nhận người nhập cư từ nhiều quốc gia khác nhau sẽ khiến nước Úc trở nên mạnh mẽ hơn; và phần lớn vẫn ủng hộ mạnh mẽ chính sách di cư không phân biệt đối xử (83% không đồng ý rằng Úc nên từ chối người di cư dựa trên dân tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo của họ và 74% không đồng ý rằng Úc nên từ chối người nhập cư vì họ đến từ các vùng xung đột).

Tiến sĩ O’Donnell cho biết: “Mối quan ngại về số lượng người nhập cư trùng hợp với sự thay đổi thực tế về số lượng người nhập cư và nền kinh tế, do đó không nhất thiết chỉ ra sự gia tăng tâm lý chống người nhập cư”.

Tuy nhiên, báo cáo mới nhất chỉ ra sự thay đổi trong thái độ đối với tất cả các nhóm tôn giáo lớn, với xu hướng chung ít tích cực hơn và tiêu cực hơn so với năm ngoái. Ví dụ, tỷ lệ những người cảm thấy ít nhất là ‘có phần tích cực’ đối với những người theo đạo Thiên chúa đã giảm từ 42% vào năm 2023 xuống còn 37% vào năm 2024; với tỉ lệ giảm tương
tự trên tất cả các nhóm tôn giáo khác bao gồm thái độ đối với Phật tử (50% ít nhất là ‘có phần tích cực’ vào năm 2023, 44% vào năm 2024); người Do Thái (38% vào năm 2023; 30% vào năm 2024), người theo đạo Hindu và đạo Sikh (cả hai đều là 33% vào năm 2023; và 26% vào năm 2024) và người Hồi giáo (24% vào năm 2023; 18% vào năm 2024).

Tiến sĩ O’Donnell cho biết: “Mặc dù sự ủng hộ đối với tính đa dạng và đa văn hóa vẫn mạnh mẽ, thái độ đối với vấn đề di cư và các nhóm tôn giáo chỉ ra rằng có áp lực lên sự hòa hợp và gắn kết trong một môi trường toàn cầu đầy thách thức”.

Niềm tin vào chính phủ và hệ thống chính trị tiếp tục suy giảm kể từ khi xảy ra đại dịch khi chỉ một trong ba người Úc (33%) tin tưởng Chính phủ Liên bang sẽ làm điều đúng đắn ‘mọi lúc’ hoặc ‘hầu hết thời gian’ vào năm 2024. Niềm tin cao hơn đối với các dịch vụ công – như cảnh sát và hệ thống y tế, cả hai đều là 72% – và thấp hơn nhiều đối với phương tiện truyền thông truyền thống và xã hội (lần lượt là 24% và 8%). Trong khi đó, sự tham gia và gắn kết với chính trị vẫn mạnh mẽ, với 37% tham gia biểu tình, tẩy chay và/hoặc đăng bài trực tuyến trong ba năm qua và 60% ký đơn kiến nghị, giao tiếp với các chính trị gia và/hoặc cùng nhau giải quyết các vấn đề địa phương.

Trong bối cảnh lo ngại gia tăng về bạo lực, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ, người dân Úc cảm thấy kém an toàn hơn ở khu vực địa phương của họ trong những năm gần đây. Tỷ lệ phụ nữ cảm thấy ít nhất là “khá an toàn” khi đi bộ một mình vào ban đêm tại khu vực địa phương của họ đã giảm từ 54% vào năm 2022 xuống 46% vào năm 2024 (và từ 79% xuống 74% đối với nam giới), trong khi tỷ lệ những người “khá” hoặc “rất lo lắng” về việc trở thành nạn nhân của tội phạm tăng từ 28% lên 36% (và từ 21% lên 26% đối với nam giới) trong cùng kỳ.

Bất chấp những lo ngại ngày càng tăng về an toàn, cảm giác kết nối và gắn kết của người dân trong cộng đồng địa phương vẫn là một trong những điểm mạnh chính của sự gắn kết xã hội tại Úc vào năm 2024. Tương tự như
năm ngoái, 82% người lớn vào năm 2024 đồng ý rằng người dân ở khu vực địa phương của họ sẵn sàng giúp đỡ hàng xóm; và 81% đồng ý rằng khu vực địa phương của họ là nơi mọi người có xuất thân quốc gia hoặc dân tộc
khác nhau có thể hòa thuận với nhau. Hơn một nửa (56%) người Úc đã tham gia vào một nhóm xã hội, cộng đồng, tôn giáo, công dân hoặc chính trị trong 12 tháng qua.

“Những áp lực bên trong và bên ngoài có khả năng gây căng thẳng cho sự gắn kết xã hội. Tuy nhiên, các phát hiện cho thấy tác động này có thể được giảm bớt một cách hiệu quả nhờ sức mạnh của cấu trúc xã hội – bao gồm cả ý thức của mọi người khi là một phần của cộng đồng và cùng nhau vượt qua những thời điểm khó khăn”, Tiến sĩ O’Donnell cho biết.

Những phát hiện quan trọng khác từ Báo cáo Lập Bản đồ Gắn kết Xã hội năm 2024

Chi phí sinh hoạt, kinh tế và nhà ở

  • 14% người lớn có việc làm cho biết họ lo lắng hoặc rất lo lắng về việc mất việc trong 12 tháng tới
  • Phần lớn (61%) không nghĩ rằng ‘những người có thu nhập thấp ở Úc nhận được đủ hỗ trợ tài chính’

Di cư, đa văn hóa và đa dạng

  • 82% người dân đồng ý rằng người nhập cư cải thiện xã hội Úc bằng cách mang đến những ý tưởng
    và nền văn hóa mới
  • Trong số những người cho rằng tỷ lệ nhập cư là “quá cao” vào năm 2024 thì có:
    • 63% cho biết các vấn đề kinh tế hoặc nhà ở là vấn đề quan trọng nhất mà Úc phải đối mặt,
      trong khi chỉ có 7% nêu ra vấn đề nhập cư
    • 83% tin rằng người di cư đang lấy đi việc làm hoặc làm tăng giá nhà, mặc dù 75% tin rằng chủ nghĩa đa văn hóa có lợi cho Úc, và 69% tin rằng người nhập cư nói chung có lợi cho nền kinh tế Úc.

Niềm tin và sự gắn kết

  • Tỷ lệ những người cho rằng Chính phủ Liên bang đáng tin cậy đlàm điều đúng đắn cho người Úc ‘mọi lúc’ hoặc ‘hầu hết thời gian’ đã giảm từ mức đỉnh điểm là 44% trong đại dịch năm 2021 xuống còn 33% vào
    năm 2024.

Hạnh phúc và sức khỏe cá nhân

  • Tổng cộng 78% người lớn cho biết họ “hạnh phúc” (66%) hoặc “rất hạnh phúc” (12%) trong 12 tháng qua, trong khi tổng cộng 21% cho biết họ “không hạnh phúc” hoặc “rất không hạnh phúc”
  • Người trẻ tuổi, người khuyết tật và người đang gặp khó khăn về tài chính có mức độ hạnh phúc và khỏe mạnh thấp hơn đáng kể. Ví dụ, chỉ có 40% người lớn đang “chật vật để thanh toán hóa đơn” hoặc “nghèo” cho biết họ hạnh phúc trong năm qua, so với 92% những người “thịnh vượng về tài chính” hoặc “rất thoải mái.”

Về chuỗi nghiên cứu Bản đồ gắn kết xã hội

Chuỗi nghiên cứu Lập Bản đồ gắn kết xã hội của Viện nghiên cứu Quỹ Scanlon là nguồn thông tin hàng đầu về gắn kết xã hội ở Úc trong gần hai thập kỷ. Nghiên cứu năm 2024 là nghiên cứu thứ 18 trong chuỗi nghiên cứu, sau cuộc khảo sát chuẩn năm 2007 và các cuộc khảo sát thường niên kể từ năm 2009 (và hai cuộc khảo sát vào năm 2020, sau khi COVID-19 bùng phát). Nghiên cứu năm 2024 là nghiên cứu lớn nhất, kết hợp khảo sát đại diện toàn quốc đối với 7.965 người Úc với các cuộc khảo sát tăng cường bổ sung có mục tiêu đối với 229 người Úc chủ yếu sinh ra ở nước ngoài và 45 cuộc phỏng vấn định tính chuyên sâu. Các cuộc khảo sát và phỏng vấn tăng cường có mục tiêu cung cấp thông tin và hiểu biết sâu sắc, đồng thời đảm bảo rằng nghiên cứu Lập bản đồ gắn kết xã hội thể hiện được sự đa dạng và phức tạp của nước Úc đương đại.