Bắc Kinh lo sợ Covid-19 đe dọa đến an ninh của Trung Quốc
Virus corona liệu có cô lập Trung Quốc với phần còn lại của thế giới tương tự như sau cuộc thảm sát phong trào dân chủ Mùa Xuân Bắc Kinh tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989 ? Hay đây là điểm khởi đầu một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới nhưng lần này là giữa Washington với Bắc Kinh ? Thậm chí trong kịch bản xấu nhất, Covid-19 liệu là mầm mống dẫn tới một cuộc đối đầu quân sự Mỹ -Trung ?
Hãng tin Reuters ngày 04/05/2020 tiết lộ một báo cáo nội bộ do Viện Nghiên Cứu Quan Hệ Quốc Tế Đương Đại Trung Quốc (CICIR) thực hiện. Tài liệu này cho thấy, với virus corona chưa bao giờ tinh thần bài Trung Quốc trên toàn thế giới đang dâng cao như hiện nay, an ninh quốc gia và chiến lược mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với phần còn lại của thế giới bị dịch Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán thách thức.
Báo cáo này, được chuyển đến tận tay các lãnh đạo cao cấp nhất tại Bắc Kinh, kể cả ông Tập Cận Bình, hồi đầu tháng trước, nêu bật một số điểm chính như sau : Trước hết, quan hệ Mỹ-Trung từ nhiều thập niên qua chưa bao giờ rơi vào tình trạng « tồi tệ nhất » như hiện tại, với nhiều xung đột, từ Biển Đông đến Hồng Kong, Đài Loan, từ thương mại đến cuộc chạy đua thống lĩnh công nghệ cao, nhưng dịch Covid-19 là một mặt trận mới. Căng thẳng sẽ còn gia tăng thêm nữa trong bối cảnh virus corona gây trở ngại cho Donald Trump trong cuộc vận động tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai. Kinh tế Mỹ càng suy thoái, số tử vong tại Hoa Kỳ càng tăng, tổng thống Trump càng bị dồn vào thế kẹt. Hậu quả là chủ nhân Nhà Trắng lại càng mạnh tay tấn công Bắc Kinh.
Điểm thứ nhì, không có gì mới lắm, được bản báo cáo nêu bật, đó là Washington luôn xem đà vươn lên của Bắc Kinh như một mối đe dọa trực tiếp nhắm vào an ninh cũng như vị thế siêu cường số 1 thế giới của nước Mỹ. Nhưng tài liệu được lưu hành nội bộ này đi xa hơn khi cho rằng Mỹ có thể tìm cách làm giảm lòng tin của người dân Trung Quốc đối với đảng Cộng Sản nước này. Đây là điều mà một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, bà Morgan Ortagus từng gián tiếp nêu lên khi chỉ trích Bắc Kinh « bịt miệng các nhà khoa học, báo giới và bịt miêng công dân, tung các chiến dịch thông tin thất thiệt » để virus corona cướp đi mạng sống của không biết bao nhiêu con người.
Điểm thứ ba đáng chú ý là tinh thần bài Trung Quốc. Cao trào này đe dọa trực tiếp đến tham vọng xây dựng Con Đường Tơ Lụa của Bắc Kinh. Mỹ có thể lợi dụng thời cơ đẩy mạnh đầu tư cả về tài chính lẫn quân sự tại châu Á, tình hình khu vực thêm bấp bênh.
Sau hơn bốn tháng dịch bệnh hoành hành, làm 250.000 người chết trên thế giới, hơn 3 triệu người bị lây nhiễm, kinh tế thế giới đang đứng trước tương lai vô định, ngày càng có nhiều tiếng nói đòi Bắc Kinh minh bạch về nguồn gốc siêu vi corona chủng mới, đòi xác định rõ ràng về trách nhiệm của Trung Quốc đối với nhân loại.
Mỹ lên trên tuyến đầu khẳng định « có bằng chứng vững chắc » cho thấy virus corona thất thoát từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Liên Âu không phụ họa với Hoa Kỳ trên giả thuyết này, nhưng ngày càng cứng giọng với Trung Quốc.
Canberra vốn lệ thuộc nhiều vào Bắc Kinh về mặt thương mại cũng đã mạnh dạn đòi cho mở một cuộc điều tra quốc tế độc lập về đại dịch. Tình báo Úc cùng với bốn đối tác trong liên minh Five Eyes thậm chí còn tố cáo Bắc Kinh đã « hủy bằng chứng » về nguồn gốc virus corona.
Trả lời đài RFI tiếng Việt, chuyên gia về Trung Quốc Stéphane Corcuff, trường Khoa Học Chính Trị Lyon (Sicences Po Lyon), cho rằng Trung Quốc lớn mạnh hơn nhiều so với hồi cuối thập niên 1980, thế giới không còn dễ dàng trừng phạt Bắc Kinh và cũng không đủ đoàn kết như sau vụ thảm sát Thiên An Môn, nhưng khi phần còn lại của thế giới xem Trung Quốc là một « mối đe dọa » tiềm tàng, thì đảng Cộng Sản Trung Quốc không dễ dàng giữ được lời hứa đem lại ổn định và thịnh vượng cho muôn dân, nền tảng của sự tồn tại của hệ thống chính trị tại Bắc Kinh. (RFI)