Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

BA.2.75: Xuất hiện chủng ‘Omicron tàng hình’ gây tái mắc Covid-19 cao


BA.2.75 hay ‘Centaurus’ là dòng phụ mới của Omicron. Một nghiên cứu cho thấy nó có tới 80 đột biến.

Trong bản tin mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cơ quan này cho biết số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu đã tăng 30% trong hai tuần qua. 4/6 tiểu vùng của WHO chứng kiến sự trỗi dậy của hàng loạt ca mắc mới.

Tại châu Âu, châu Mỹ, hai chủng phụ của Omicron là BA.4 và BA.5 đang tạo nên làn sóng dịch bệnh mới.

Đặc biệt, ở bản tin này, WHO đề cập đến dòng phụ hoàn toàn mới của Omicron đó là BA.2.75, được phát hiện ở nhiều quốc gia như Mỹ, Ấn Độ. Các chuyên gia gọi BA.2.75 là biến chủng “Omicron tàng hình”, cho rằng đây là phiên bản virus tồi tệ nhất với khả năng né khỏi hệ miễn dịch nhanh chưa từng thấy.

Ít nhất 11 quốc gia phát hiện ca mắc

Biến chủng “Omicron tàng hình” là cách gọi mà nhiều chuyên gia đặt cho BA.2.75. Nó còn có biệt danh là “Centaurus”. Hiện tại, ít nhất 11 quốc gia đã phát hiện ca nhiễm chủng này, như Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Đức, Mỹ, Vương quốc Anh và mới nhất là Ấn Độ.

“Centaurus” được cho là có khả năng lây truyền và lẩn tránh nhiều hơn tất cả biến chủng trước đó. Nó đặc biệt phổ biến ở Ấn Độ và đang cạnh tranh với Omicron để chiếm ưu thế. Tuy nhiên, WHO vẫn chưa liệt kê BA.2.75 vào nhóm các biến chủng đáng quan ngại.

Trong bản cập nhật ngày 6/7, các quan chức WHO cho biết dữ liệu ban đầu về đột biến của chủng này còn hạn chế. Khả năng lây truyền tổng thể, mức độ nghiêm trọng và khả năng miễn dịch của nó vẫn chưa được làm rõ.

Tiến sĩ Amesh Adalja, học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, cho rằng không rõ liệu “Centaurus” có thể nổi trội hơn khi đối mặt BA.5 và BA.4 hay không. Rất có thể, chủng phụ này chỉ lây lan trong khoảng thời gian nào đó cho đến khi nó “chạm mặt BA.5” và bị lấn át.

Nhà khoa học của WHO, bà Soumya Swaminathan, nhấn mạnh cần phải nghiên cứu thêm để hiểu rõ hơn về khả năng lây truyền và mức độ nghiêm trọng của BA.2.75. Theo bà, vẫn còn quá sớm để biết liệu Centaurus có đặc tính xâm nhập miễn dịch bổ sung hay không.

“Chúng ta không biết điều đó, vì vậy, chúng ta phải chờ xem”, vị chuyên gia nói thêm.

Biến chủng phụ BA.2.75 còn có tên gọi là “Omicron tàng hình” hay “Centaurus” vì khả năng né tránh miễn dịch, gây tái mắc cho người đã khỏi Covid-19 hoặc tiêm vaccine. Hình Fortune

Biến chủng có khả năng né tránh miễn dịch mạnh nhất

Theo Firstpost, một nhà khoa học chuyên về gene của Ấn Độ cho biết BA.2.75 có hơn 80 đột biến, BA.2 có khoảng 60 đột biến. BA.2.75 có nhiều đột biến mới trên gai protein, trong đó hai đột biến đáng chú ý là G446S và R493Q. Chúng cho phép biến chủng này có khả năng lẩn tránh nhiều kháng thể và dễ xâm nhập vào tế bào. Điều này có nghĩa BA.2.75 dễ lây nhiễm cho người từng mắc Covid-19, đã tiêm vaccine hơn.

TS Ulrich Elling, nhà sinh học phân tử, cảnh báo việc Mỹ có thể “phải chuẩn bị” cho làn sóng Centaurus. Ông Elling “không hề thích những đột biến được quan sát”.

Vị chuyên gia nói thêm: “8 đột biến bổ sung trong BA.2.75 rất đáng chú ý. Delta có tổng cộng 8 điểm tăng đột biến. Ba đột biến có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn (BA.5). Do đó, 11 đột biến khác biệt giữa BA.5 và BA.2.75 có thể tạo ra làn sóng khác vì khả năng miễn dịch với BA.5 có thể không bảo vệ được chúng ta”.

Một người đi làm trong ngày nắng nóng ở Noida, Ấn Độ hôm 28/6. Hình Sunil Ghosh/Hindustan Times

Trên Twitter, GS.TS Eric Topol, chuyên gia y học phân tử tại Scripps Research, người sáng lập và Giám đốc Viện Dịch thuật Nghiên cứu Scripps, tiết lộ chủng phụ mới có “8 đột biến ngoài BA.5, nhiều đột biến ở miền N-terminal, có thể khiến khả năng thoát khỏi miễn dịch của nó trở nên tồi tệ hơn những gì chúng ta đang thấy hiện nay”.

Theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, các chủng phụ của Omicron đang chiếm ưu thế tại nước này và ước tính gây ra 54% ca nhiễm mới vào tuần trước.

Riêng với “Centaurus”, hai ca bệnh đầu tiên đã được phát hiện ở Mỹ. Người đầu tiên nhiễm BA.2.75 là vào ngày 14/6, phát ngôn viên của CDC cho biết.

CDC không công khai báo cáo về các biến chủng mới nổi cho đến khi chúng chiếm 1% trường hợp. Do đó, các ca nhiễm BA.2.75 đang được báo cáo trên trang theo dõi dữ liệu trực tuyến.

Gần đây, “Centaurus” trở nên nổi tiếng ở Ấn Độ, cạnh tranh với biến chủng phụ Omicron BA.5 đang càn quét toàn cầu. Đây cũng là quốc gia đầu tiên phát hiện ca nhiễm chủng này, vào đầu tháng 6.

Theo Fortune, cùng với các đột biến Omicron thông thường, “Centaurus” có tới 9 thay đổi bổ sung, không có thay đổi nào liên quan từng cá thể.

“Nhưng tất cả cùng xuất hiện một lúc là vấn đề khác”, nhà virus học Tom Peacock, khoa Bệnh truyền nhiễm, Đại học Imperial ở London, Anh, nhận định. Theo vị chuyên gia này, tốc độ tăng trưởng nhanh một cách rõ ràng và phạm vi địa lý rộng của nó là mối quan tâm. (T/H, Z/N)