Thursday, November 21, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Andy Tài Huỳnh kể chuyện bị Nga giam cầm ở Ukraine


TRINITY, Alabama – Ông Andy Tài Huỳnh, một cựu quân nhân Mỹ gốc Việt, bị lực lượng thân Nga bắt khi tình nguyện tham gia chiến đấu tại Ukraine, vừa được thả hồi cuối Tháng Chín.

Ông Andy Tài Huỳnh, 27 tuổi, cựu quân nhân Mỹ tình nguyện chiến đấu tại Ukraine, bị Nga bắt và được trả tự do hồi cuối Tháng Chín. Hình WAAY31 ABC TV

Một cựu quân nhân Mỹ khác được Nga trả tự do cùng một lượt với ông Tài là ông Alexander Drueke.

Cả hai cựu quân nhân Mỹ, cùng cư ngụ tại tiểu bang Alabama, đều không biết nhau cho đến khi gia nhập quân đoàn quốc tế tình nguyện sang Ukraine để chiến đấu chống cuộc xâm lăng Nga.

Trả lời phỏng vấn nhật báo The Washington Post kể từ khi được trả tự do, ông Tài và ông Drueke kể lại quá trình tham gia chiến đấu, bị bắt, và việc bị tra tấn thể chất và tâm lý mà họ phải chịu đựng trong hơn 104 ngày bị giam cầm.

Tình nguyện chiến đấu tại Ukraine

Ông Tài, một cựu quân nhân Thuỷ Quân Lục Chiến, sinh trưởng ở California, sau khi rời quân ngũ dọn đến thành phố Trinity, ở miền Bắc Alabama, để sống cùng vị hôn thê. Ông theo học các lớp đại học cộng đồng và làm tài xế giao hàng cho công ty O’Reilly Auto Parts.

Ông Drueke, cựu thành viên Lục Quân Mỹ, từng tham chiến tại Iraq, giải ngũ với 100% thương tật khi chiến đấu cùng với hậu chứng tâm lý chiến tranh. Ông Drueke có sở thích đam mê môn leo núi đường dài.

Cả hai cựu quân nhân Mỹ này cho biết họ buộc phải quyết định đứng cùng chiến tuyến với quân đội Ukraine sau khi nhìn thấy những hình ảnh bom đạn Nga tàn sát người dân vào thời điểm bắt đầu cuộc xâm lăng.

Andy Tài Huỳnh, một cựu quân nhân Mỹ gốc Việt. Hình CBS News

Ông Tài cho biết rời Mỹ vào ngày 8 Tháng Tư để tham gia một nhóm nhân đạo giúp đỡ ở Ukraine. Khởi hành vào bốn ngày sau đó, ông Drueke tin rằng với kinh nghiệm chiến trường Iraq và sự quen thuộc với vũ khí Phương Tây của mình có thể hữu ích cho các lực lượng quân sự Ukraine.

Cả hai công dân Mỹ này gặp nhau ở Ukraine cùng ghi tên gia nhập Quân Đoàn Tình Nguyện Quốc Tế, một lực lượng bao gồm hàng trăm người Mỹ, Châu Âu, và công dân ngoại quốc khác sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Ukraine chống Nga xâm lăng theo lời kêu gọi của Tổng Thống Volodymyr Zelensky.

Hai ông Tài và ông Drueke được phân về cùng một tiểu đoàn, đóng quân ở vùng biên giới sát với Ba Lan, chờ đợi được huấn luyện quân sự.

Tuy nhiên, hai cựu quân nhân Mỹ này tin rằng “kỹ năng quân sự của họ có thể được áp dụng ở những nơi khác tốt hơn” trong cuộc chiến và yêu cầu quân đội Ukraine giao nhiệm vụ tác chiến thiết thực hơn.

Cả hai đi đến thủ đô Kiev và được tham gia vào lực lượng đặc biệt Task Force Baguette, một đơn vị đặc nhiệm của quân đoàn quốc tế bao gồm các chiến hữu gốc Pháp và những quốc gia Phương Tây khác.

Lực lượng này được đưa đi tham chiến tại vùng chiến sự phía Đông Ukraine giáp với biên giới Nga.

Andy Tài Huỳnh lúc bị bắt và ảnh chụp cùng hôn thê.

Bị bắt ngay trong sứ mạng đầu tiên

Nhiệm vụ đầu tiên mà ông Tài và ông Drueke tham gia vào ngày 9 Tháng Sáu cũng là nhiệm vụ cuối cùng của họ tại Ukraine.

Đơn vị của họ rời thành phố Kharkiv vào sáng hôm đó, trên một chiếc pickup truck và hai chiếc xe thể thao đa dụng nhỏ, với nhiệm vụ phóng máy bay không người lái nhỏ để theo dõi các hoạt động của quân Nga, ông Drueke kể với WAPO.

Toán thám sát này bị phục kích dọc đường. Tất cả xuống xe đấu súng với đối phương và bị tản lạc. Trong lúc trưởng toán, ông Tài, và ông Drueke tìm hai chiến hữu, một xạ thủ súng máy và một bắn tỉa bị mất tích, những người khác trong nhóm đã lái xe chứa đầy đủ đạn dược và quân nhu, chạy về căn cứ.

Hai cựu quân nhân Mỹ mô tả cảm giác “bị bỏ rơi” nhưng xác định rõ là cơ hội sống sót tốt nhất là tìm đường trở về căn cứ ở Kharkiv. Cả hai kể là phải len lỏi qua các cánh rừng thông và lội trong các đầm lầy để trốn tránh sự lùng soát của quân Nga.

Ông Tài và ông Drueke không tiết lộ chi tiết chính xác vị trí hoặc hoàn cảnh lúc bị bắt nhưng thừa nhận có đấu súng trong cuộc phục kích. Sau đó, khi bị áp tải sang bên kia biên giới, hai “tù binh Mỹ” được những kẻ bắt giữ cho biết vị trí họ đang đứng với câu nói “Chào mừng đến Nga” kèm theo những cú đấm thốc vào bụng.

Đại diện cho lực lượng đặc nhiệm Task Force Baguette phủ nhận việc “bỏ rơi” hai chiến hữu Mỹ, giải thích rằng khi bị phục kích toán quân bị chia thành năm nhóm và mỗi nhóm phải tự tìm đường trở về căn cứ “vì không ai biết được chuyện gì xảy ra với những người khác.”

Lực lượng này đã nhắn lên trên trang Twitter lời chúc mừng các chiến hữu Mỹ được trả tự do, đồng thời cám ơn sự phục vụ cũng như gọi ông Tài và ông Drueke là những anh hùng.

Andy Tài Huỳnh và Alexander Drueke.

104 ngày giam cầm bị tra tấn và ngược đãi

Sau khi bị bắt “là 104 ngày bị giam cầm vô cùng kinh hoàng và đáng sợ,” hai cựu quân nhân kể.

Họ bị thẩm vấn, bị tra tấn cả về thể chất và tâm lý, chỉ được cho rất ít thức ăn cũng như nước uống, ông Tài và Drueke nhớ lại. 

Ban đầu, họ được đưa qua đất Nga, bị giam trong một khu trại gồm những căn lều và được rào bằng dây thép gai. 

Kế tiếp, những kẻ bắt giữ chuyển họ đến một điểm bí mật, bị đánh đập tồi tệ hơn, và sau đó nhiều tuần lễ, bị đưa tới nơi được xem là một nhà tù chính thức do phe ly khai được Nga hậu thuẫn điều hành ở vùng Donetsk, phía Đông Ukraine.

Những ngày đầu sau khi bị bắt, ông Tài và ông Drueke đều bị bịt mắt, đôi khi được tháo khăn, cả hai chỉ thấy thoáng qua khung cảnh chung quanh. Và những lúc đó họ thấy những người Nga bắt họ đều đeo mặt nạ chống tuyết.

Các câu hỏi của người Nga đều xoay quanh chuyện nghi ngờ cả hai cựu lính quốc tế tình nguyện này là người của CIA và muốn biết nhiệm vụ tình báo nào được giao cho họ.

Kẻ thẩm vấn ra lệnh cả hai đặt hai tay xuống đất, trong tư thế bò, giữ yên trong nhiều giờ đến mức tay chân đều tê cứng, ngã xuống, và mỗi lần ngã, hay nhúc nhích, là bị đánh.

Andy Tài Huỳnh, một cựu quân nhân Mỹ gốc Việt, bị lực lượng thân Nga bắt khi tình nguyện tham gia chiến đấu tại Ukraine. Hình CBS

Vào ban đêm, để không cho ông Tài và ông Drueke ngủ, họ bị buộc phải đứng hàng giờ liền.

Đó là những cách hành hạ về thể xác mà cả hai phải chịu đựng.

Trong những ngày đầu tiên, mỗi khi bị áp giải đi nới khác, cả hai đều nghĩ rằng chỉ có một mình đơn độc trong tình cảnh tù đày.

Mãi sau, khi trên đường đến trại giam ở vùng Donetsk, ông Drueke bị xô đè ngã lên ông Tài, và ông Tài rên lên thì ông Drueke mới nhận ra có bạn mình hiện diện: “Tôi vô cùng nhẹ nhàng khi biết có Tài cùng với mình.”

Trong thời gian ở những điểm bí mật, các tù nhân bị giam trong “chuồng” chỉ rộng 2 foot chiều ngang và 5 foot chiều dài. Mỗi ngày được một mẩu bánh mì và nước, thường là đục, bẩn.

Trong thời gian này, họ thường xuyên bị dẫn đi hỏi cung và tra tấn, cũng như luôn nghe những tiếng la hét đau đớn của các bạn tù khác.

Cũng tại những điểm bí mật này, các kẻ bắt giữ với trang bị súng ống đe doạ bắt buộc họ phải xuất hiện trong các phỏng vấn tuyên truyền.

Alexander Drueke Andy Tài Huỳnh. Hình ABC News

“Tôi cầu nguyện được chết”

Sau vài tuần lễ bị tra tấn ở các địa điểm bí mật, cuối cùng, các tù nhân được đưa đến nhà giam ở thành phố Kherson, miền Nam Ukraine.

Tại đây, họ không bị đánh đập và tra tấn, nhưng điều kiện sống rất tồi tệ. Ông Tài cho biết: “Nơi ở toàn là rệp, và bị cắn suốt ngày đêm.” Cánh tay và lưng của ông đầy sẹo rệp cắn.

Cả ông Tài lẫn ông Drueke đều không biết việc chính quyền Mỹ điều đình trao đổi tù binh, và chỉ nhận ra được hoàn cảnh mới khi được đưa ra khỏi trại giam và được cho biết họ sắp được thả.

Trên đường ra phi trường, họ bị trói chặt bằng băng keo rất đau đớn. 

Không tin sẽ được thả, ông Drueke hoang mang: “Tôi nghĩ rằng mình sắp chết vì đã nhiều lần trong hoàn cảnh gần kề cái chết. Lúc đó, tôi thật sự cầu nguyện chuẩn bị để chết.”

Chỉ cho đến khi máy bay hạ cánh, hai cựu quân nhân Mỹ được các nhân viên y tế Saudi Arabia chào đón, và được đưa đến thủ đô Riyadh. Tại đó, cả hai gặp các nhân viên ngoại giao Mỹ và được gọi điện thoại về cho thân nhân.

Ông Tài chia sẻ mình rất biết ơn vẫn được sống sót và tự do, đồng thời có được một tình bạn với ông Drueke qua sự hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong thời gian bị giam cầm. 

Ông Tài cho biết không hề hối tiếc về những gian khó, nguy hiểm vừa xảy ra.

Mục tiêu hiện tại của cả hai cựu quân tình nguyện là làm sao thu hút dư luận Mỹ quan tâm đến nhu cầu giúp đỡ quân sự cho Ukraine và tranh đấu để giải thoát một cựu quân nhân Mỹ khác, tên Suedi Murekezi, đang bị Nga giam giữ.

Người này từng ở chung phòng giam với họ trong nhiều tuần nhưng không được đưa vào danh sách hoán đổi tù nhân. 

“Alex và tôi không bao giờ nghĩ rằng mình làm những điều này để trở nên nổi tiếng,” ông Tài chia sẻ. 

“Chúng tôi không bao giờ muốn trở thành người nổi tiếng,” ông Tài trầm ngâm khẳng định. (T/H, N/V)