Saturday, December 21, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Ân Xá Quốc Tế: Nhiều nước lợi dụng Covid-19 để hạn chế tự do


Tình hình nhân quyền trên thế giới vẫn không được cải thiện trong năm 2021. Báo cáo của tổ chức Ân Xá Quốc Tế, được công bố ngày 29/03/2022, khẳng định đại dịch Covid-19 và sự leo thang xung đột trên thế giới đã làm gia tăng tình trạng vi phạm nhân quyền và bất bình đẳng, đặc biệt là ở Trung Đông và Bắc Phi.

Tổng thư ký tổ chức Ân Xá Quốc Tế, Agnes Callamard (thứ hai, bên phải) trong buổi họp báo nói về “Chế độ phân biệt chủng tộc của Israel chống lại người Palestine,” ở Jerusalem, thứ Ba, ngày 01 tháng 02 năm 2022. Hình AP

Theo bản báo cáo, «tình trạng nghèo đói gia tăng, mất an ninh lương thực và việc nhiều chính phủ lợi dụng dịch bệnh để trấn áp đối lập và các phong trào phản đối đã lan rộng trong năm 2021». Ngoài ra, phải kể đến mối đe dọa từ các cuộc xung đột mới «ngày càng lớn, trong khi những xung đột trước đó ngày thêm trầm trọng».

Tổ chức nhân quyền chú ý đến vùng Trung Đông và Bắc Phi, cụ thể là ở Libya, Israel và những vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng hoặc ở Yemen, nơi «các cuộc đối đầu đã dẫn đến hàng loạt vi phạm luật nhân quyền quốc tế và nhân quyền nói chung». Ngoài ra, nhiều chính phủ còn bị cáo buộc «không ưu tiên tiếp cận vắc-xin cho người dân, kể cả vắc-xin ngừa Covid-19».

Trả lời đài France 24, bà Heba Morayef, giám đốc phụ trách vùng Trung Đông và Bắc Phi của Amnesty International, nhận định: «Hai năm vừa qua, đại dịch đã khiến thế giới bớt quan tâm hơn đến các cuộc xung đột trong vùng, như chiến tranh ở Syria và Yemen đang bị quên lãng. Một số chính phủ, trong đó có Bắc Phi, đã lợi dụng dịch Covid-19 để can thiệp hoặc ra luật vi phạm quyền tự do ngôn luận với danh nghĩa khẩn cấp dịch tễ». Vì các đạo luật này, các phong trào phản đối ở Liban, Irak, Algérie đều bị cấm.

Tuy nhiên, dù có dịch bệnh hay không, báo cáo của tổ chức Ân Xá Quốc Tế cũng lên án nhiều biện pháp hạn chế tự do ngôn luận ở Trung Đông và Bắc Phi qua việc «nhiều chính phủ ban hành các đạo luật hà khắc, hình sự hóa việc thực hiện quyền cơ bản này». (T/H, RFI)