Saturday, December 21, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Ân xá Quốc tế chỉ trích luật buộc Facebook “gỡ bỏ nội dung bất hợp pháp trong 24 giờ”


Với luật mới này nếu được ký thông qua thì các phát ngôn trên mạng bị cho là “bất hợp pháp” đều sẽ bị gỡ bỏ trong vòng 24 giờ.

Hôm 20 tháng 4, hãng tin Reuters công bố bản tin độc quyền về việc Chính phủ Việt Nam dự kiến sẽ thông qua một luật mới nhằm siết chặt quản lý mạng xã hội. 

Tuy bản tin trên không công bố nội dung chi tiết cũng như tên của điều luật mới, nhưng hiện nay Chính phủ Việt Nam đang trong quá trình hoàn tất nghị định số 72/2013/ND-CP sửa đổi (hình dưới). 

Đây là nghị định được sử dụng để quản lý việc cung cấp dịch vụ internet và thông tin trên mạng, vốn đã được các cơ quan nhà nước sử dụng để yêu cầu các công ty sở hữu mạng xã hội có nhiều người dùng ở Việt Nam như Facebook, YouTube, TikTok… phải gỡ bỏ nội dung “chống chính quyền”. 

Điều đáng chú ý ở điều luật mới, dự kiến được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký thông qua vào tháng năm tới, theo nguồn tin của Reuters, đó là quy định yêu cầu các nền tảng mạng xã hội phải gỡ bỏ nội dung được cho là vi phạm pháp luật trong vòng 24 tiếng. 

Nguồn tin trên nói thêm rằng, nếu  các công ty không đáp ứng thời hạn do Chính phủ đặt ra thì nền tảng của công ty đó có thể bị cấm ở quốc gia Đông Nam Á này. 

Các tổ chức nhân quyền lo ngại rằng môi trường internet ở Việt Nam sẽ trở nên ngột ngạt hơn nữa với sự xuất hiện của điều luật mới. 

Trả lời phỏng vấn của đài Á châu Tự do, bà Ming Yu Hah, Phó giám đốc khu vực của tổ chức Ân xá Quốc tế, bày tỏ sự lo ngại trước diễn biến này:

Ở Việt Nam thì mạng xã hội, trong đó có Facebook, là một trong những nơi duy nhất để người ta bày tỏ sự thái độ phản kháng của mình, cho dù phải đối diện với nguy cơ bị xử tù lâu năm nếu bài đăng của họ bị cho là vi phạm pháp luật. 

Những điều luật hà khắc như thế này là mối đe dọa diệt vong đối với sự tự do biểu đạt ở Việt Nam.” 

Facebook, YouTube, TikTok hay Twitter là các mạng xã hội được sử dụng phổ biến tại Việt Nam, đây cũng là các công cụ mà người Việt Nam dùng để bày tỏ quan điểm trong đó có quan điểm chính trị. 

Một người dùng mở màn hình đăng nhập mạng xã hội Facebook. Hình Reuters

Chỉ duy nhất đại diện của công ty TikTok trả lời câu hỏi của phóng viên Reuters cho biết, sẽ tiếp tục tuân thủ luật pháp địa phương hiện hành để đảm bảo nền tảng này vẫn là một không gian an toàn cho sự thể hiện sáng tạo, đồng thời khẳng định sẽ gỡ bỏ nội dung vi phạm các nguyên tắc của nền tảng. 

Nhiều người dân đã bị bỏ tù vì các phát ngôn ôn hòa của mình trên mạng xã hội ở quốc gia có một Đảng Cộng sản lãnh đạo này.  

Mới đây nhất thì một toà án ở Hà Nội đã kết án năm năm tù đối với nhà báo độc lập Lê Văn Dũng vì các video phát trực tiếp của ông trên mạng xã hội. 

Chính quyền Việt Nam từ lâu đã bày tỏ tham vọng kiểm soát các mạng xã hội nước ngoài có đông người dùng thông qua các công cụ pháp lý, như Nghị định 72 và Luật An ninh Mạng, và cả các biện pháp đe dọa. 

Hình Getty

Đơn cử như hồi tháng 11 năm 2020, Facebook đã thông báo họ buộc phải tăng cường kiểm duyệt nội dung thể theo yêu cầu của chính quyền Việt Nam, sau khi bị đe dọa cấm cửa nếu không tuân thủ. 

Động thái tuân thủ trên của Facebook đã nhận nhiều chỉ trích từ các tổ chức nhân quyền vì công ty này bị coi là đặt lợi nhuận lên trên các nguyên tắc tự do và quyền con người. 

Bà Ming Yu Hah cũng kêu gọi các công ty mạng xã hội “chống lại” các điều luật này và “đặt quyền con người lên trên lợi nhuận và quyền tiếp cận thị trường”.

Việt Nam là một trong những thị trường lớn của Facebook tại Châu Á với lợi nhuận hàng năm lên đến một tỉ USD. Ngoài ra cũng có khoảng 60 triệu người Việt Nam sử dụng mạng xã hội YouTube.  (T/H, RFA)