Alzheimer: Các bài tập thể dục ngắn làm chậm lại quá trình suy giảm nhận thức
Tập thể dục được chứng minh là giúp giảm 50% nguy cơ mắc bệnh Alzheimer —ngay cả đối với người chưa bao giờ tập luyện. Tập thể dục ít nhất 10 phút một vài lần mỗi tuần có thể giúp ngăn chặn tình trạng sa sút tinh thần, giữ cho bộ não của chúng ta nhạy bén khi về già.
Chúng ta đã biết rằng tập thể dục thường xuyên là một trong những thói quen lành mạnh nhất mà người ta có thể áp dụng dù cho họ đang ở bất kể độ tuổi hay có tình trạng thể chất như thế nào. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tập thể dục nhịp điệu ở cường độ vừa phải, ví dụ như đi bộ nhanh, là an toàn cho hầu hết mọi người và có thể củng cố xương và cơ, làm giảm nguy cơ mắc bệnh và thậm chí có thể cải thiện sức khỏe não bộ, và ngăn chặn sự suy giảm nhận thức liên quan đến lão hóa.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nghiên cứu và trị liệu Alzheimer cho thấy rằng tập thể dục nhiều hơn một lần mỗi tuần trong ít nhất 10 phút có thể làm giảm đáng kể nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer ở những người đã bị suy giảm nhận thức nhẹ (MCI).
Chứng suy giảm nhận thức nhẹ được chẩn đoán khi một người bị mất trí nhớ hoặc bị lú lẫn nhiều hơn mức trung bình nhưng chưa đến giai đoạn bắt đầu trải qua những thay đổi về tính cách hoặc bị mất trí nhớ nghiêm trọng liên quan đến bệnh Alzheimer (AD). Chứng suy giảm nhận thức nhẹ được coi là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu để phát triển chứng bệnh Alzheimer.
Tập thể dục có thể giữ cho bộ não của bạn trẻ trung không?
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Y khoa Yonsei, Hàn Quốc, đã nghiên cứu về mối liên hệ giữa việc tập thể dục liên tục và nguy cơ phát triển chứng sa sút trí tuệ ở bệnh nhân mắc chứng suy giảm nhận thức nhẹ. Nghiên cứu đã phân tích dữ liệu thu thập từ năm 2009 đến năm 2015 cho gần 1 triệu bệnh nhân bị suy giảm nhận thức nhẹ thông qua cơ sở dữ liệu bảo hiểm y tế quốc gia.
Những người dưới 40 tuổi đã bị loại khỏi nghiên cứu, cũng như những người được chẩn đoán mắc chứng mất trí nhớ hoặc những người không được kiểm tra y tế trong vòng hai năm kể từ khi được chẩn đoán mắc chứng suy giảm nhận thức nhẹ. Những bệnh nhân được đưa vào nghiên cứu đã đồng ý ký vào văn bản để các nhà nghiên cứu có thể thu thập dữ liệu về tình trạng hoạt động thể chất của họ thông qua các bảng trả lời câu hỏi. Nhóm cuối cùng được lọc ra gồm 247,149 bệnh nhân được chia thành bốn nhóm dựa trên tần suất hoạt động thể chất của họ:
- Nhóm không bao giờ tập luyện thể chất — những người không tham gia hoạt động thể chất thường xuyên
- Nhóm bắt đầu tập luyện thể chất — những người đã bắt đầu một chương trình tập thể dục sau khi được chẩn đoán mắc chứng suy giảm nhận thức nhẹ
- Nhóm ngưng không tiếp tục duy trì tập luyện thể chất — những người ngừng hoạt động thể chất sau khi được chẩn đoán
- Nhóm duy trì tập luyện thể chất — những người thường xuyên thực hiện các hoạt động thể chất
Các bệnh nhân có hoạt động thể chất được chia thành 2 nhóm nhỏ hơn bao gồm “nhóm tập luyện thể thao không thường xuyên” cho những người tham gia hoạt động thể chất không thường xuyên và “nhóm tập luyện thể thao thường xuyên” cho những người tham gia hoạt động thể chất mạnh nhiều hơn ba ngày mỗi tuần, hoặc tập luyện thể thao trung bình nhiều hơn năm ngày mỗi tuần.
Hiện không có phương pháp điều trị nào được xác nhận là có thể thay đổi con đường tiến triển của chứng suy giảm nhận thức nhẹ một cách hiệu quả, điều này khiến cho hoạt động thể chất trở thành một trong những chiến lược can thiệp quan trọng nhất để ngăn ngừa chứng sa sút trí tuệ loại Alzheimer. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng hoạt động thể chất cường độ cao có tác dụng bảo vệ chống lại chứng suy giảm trí nhớ nhiều hơn so với tập thể dục cường độ thấp, thời lượng và tần suất tập luyện thể chất cũng là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến nguy cơ suy giảm trí nhớ. Theo đó, nhóm không bao giờ tập luyện thể thao được đặt làm mốc chuẩn cho nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer.
Nguy cơ sa sút trí tuệ liên quan đến hoạt động thể chất
Hoạt động thể chất ở nhóm nghiên cứu được định nghĩa là hoạt động thể chất mạnh hoặc vừa phải kéo dài hơn 10 phút, được thực hiện hơn một ngày mỗi tuần. Các hoạt động vận động mạnh bao gồm chạy, thể dục nhịp điệu, đi xe đạp nhanh và mang vác vật nặng. Các hoạt động vừa phải bao gồm đi bộ nhanh, đạp xe với tốc độ bình thường, đánh tennis đôi và mang vác các vật nhẹ.
Trong số 247,149 bệnh nhân được phân tích, có 23,015 bệnh nhân chuyển sang chứng mất trí nhớ trong thời gian 6 năm nghiên cứu, với 77% trong nhóm này (17,733 bệnh nhân) được chẩn đoán mắc chứng sa sút trí tuệ loại Alzheimer. Nguy cơ sa sút trí tuệ giảm ở cả hai nhóm tham gia hoạt động thể chất (nhóm bắt đầu tập luyện thể thao và nhóm duy trì tập luyện thể thao) so với nhóm không bao giờ tập luyện thể thao.
Trong tất cả các nhóm, nhóm duy trì tập luyện thể thao (thường xuyên thực hiện hoạt động thể chất) cho thấy nguy cơ bị sa sút trí tuệ thấp nhất, với tỷ lệ người chuyển sang chứng mất trí nhớ giảm hơn 18% so với nhóm không bao giờ tập luyện thể thao.
Tần suất hoạt động thể chất cũng là một điểm quan trọng khác được rút ra từ nghiên cứu này. Sau khi điều chỉnh các yếu tố nguy cơ về tuổi tác, giới tính và mạch máu, nguy cơ phát triển chứng sa sút trí tuệ đối với nhóm tham gia hoạt động thể chất thường xuyên thấp hơn 15% so với nhóm tập luyện thể thao không thường xuyên.
Việc ngừng tập thể dục được chứng minh là có hại tương tự như việc không bao giờ tập thể dục, với nguy cơ phát triển chứng sa sút trí tuệ là như nhau đối với nhóm không bao giờ tập thể dục và nhóm ngừng tập thể dục. Tuy nhiên, việc bắt đầu một chế độ tập thể dục sau khi được chẩn đoán mắc chứng suy giảm nhận thức nhẹ giúp giảm 11% nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer so với hoàn toàn không tập thể dục.
Theo các tác giả nghiên cứu, tập thể dục thường xuyên có thể làm tăng lưu lượng máu đến não, tăng khả năng sống sót của các tế bào thần kinh và ngăn ngừa chứng co rút não liên quan đến chứng suy giảm trí nhớ
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford cũng phát hiện ra rằng một buổi tập thể dục dẫn đến những thay đổi đáng kể cho 9,815 phân tử trong máu của bạn. Điều đó có nghĩa là các tác động sinh hóa của việc tập thể dục có thể có tác động lớn trên phạm vi rộng.
Do có tỷ lệ rủi ro thấp và khả năng có lợi cao, việc tập luyện thể dục thường xuyên nên được khuyến nghị cho bệnh nhân mắc chứng suy giảm nhận thức nhẹ, ngay cả khi họ không tập thể dục trước khi được chẩn đoán. Ngay cả những đợt hoạt động thể chất ngắn hoặc vừa phải được thực hiện vài lần mỗi tuần cũng có thể làm giảm đáng kể nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer.
Giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer bằng tập thể dục
Theo Viện Lão hóa Quốc gia, bệnh Alzheimer hiện được xếp hạng là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ sáu ở Hoa Kỳ, tuy nhiên, vì chưa được nghiên cứu báo cáo đúng mức, nên nó hiện chỉ được xếp là nguyên nhân gây tử vong cao thứ ba đối với người cao tuổi. Hiện vẫn chưa có thuốc chữa cho chứng bệnh này và y học đương đại đang thất bại trong việc giảm thiểu sự tàn phá của chứng bệnh này đối với sức khỏe con người.
Các nghiên cứu về tập luyện thể dục đã tạo ra bằng chứng quan trọng cho thấy sự can thiệp hoàn toàn tự nhiên này có thể có hiệu quả đến mức có thể giảm một nửa nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer. Được xuất bản trên Tạp chí Bệnh Alzheimer, các nhà nghiên cứu từ bốn tổ chức lớn đã theo dõi 876 người trưởng thành trong khoảng thời gian 30 năm, họ lưu giữ hồ sơ chi tiết về số lượng và loại bài tập mà mỗi người tham gia nghiên cứu tập luyện. Những người tham gia nghiên cứu cũng được tiến hành kiểm tra sức khỏe tâm thần cùng với quét não MRI để xác định lượng chất xám trong não, cũng như khả năng nhận thức tinh thần.
Kết quả của nghiên cứu cho thấy rằng mức độ tập thể dục cao hơn có liên quan đến sự gia tăng đáng kể chất xám, khi so sánh với những người trưởng thành ít vận động hơn. Ngoài ra, những người có mức độ tập thể dục cao nhất đã giảm được 50% nguy cơ mắc bệnh Alzheimer khi so sánh với những người ít vận động nhất. (ETV)