Việt Nam sắp chặn Telegram: Lý do thật sự là gì?
HÀ NỘI, Việt Nam – Cục Viễn Thông, thuộc Bộ Khoa Học và Công Nghệ Việt Nam, phát đi yêu cầu các công ty viễn thông ngăn chặn hoạt động của nền tảng Telegram tại Việt Nam và “báo cáo trước ngày 2 Tháng Sáu.”

Yêu cầu này đồng nghĩa với việc chặn Telegram từ đầu tháng tới.
Theo báo VNExpress hôm 23 Tháng Năm, chỉ thị chặn nền tảng nêu trên là “theo yêu cầu của cơ quan công an” và một trong các nguyên do chính là “nhiều hội, nhóm Telegram có hàng chục ngàn người tham gia, được tạo lập để phát tán tài liệu chống phá.”
“Việc lợi dụng hoạt động viễn thông để thực hiện hành vi chống phá, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự xã hội là hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 9, Luật Viễn Thông. Khi đó, doanh nghiệp viễn thông có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch vụ [Telegram],” bản tin viết.
Ngoài lý do nêu trên, Bộ Công An còn quy kết rằng thời gian qua, xảy ra nhiều vụ lừa đảo trên Telegram với tổng số tiền bị chiếm đoạt là 1,000 tỷ đồng ($38.5 triệu) của 13,000 nạn nhân, chưa kể, dữ liệu cá nhân của 23 triệu người dân bị rao bán trên nền tảng này.

Báo VNExpress cũng dẫn một quy định cho rằng, Telegram “phải tuân thủ các quy định pháp luật khi cung cấp dịch vụ xuyên biên giới cho người sử dụng Việt Nam.”
Tuy vậy, trên thực tế, Cục Viễn Thông đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu Telegram “loại bỏ, ngăn chặn thông tin vi phạm pháp luật [tức đưa thông tin trái chiều]” nhưng Telegram “không chấp hành quy định.”
Do vậy, nhà chức năng Việt Nam quyết định “khai triển biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn hành vi vi phạm.”
Cũng theo VNExpress, Telegram bị tổ chức Cảnh Sát Quốc Tế (Interpol) đánh giá “kém hợp tác nhất” với chính quyền một số nước.

Nước Nga, nơi Telegram thành lập, cũng từng chặn ứng dụng vào năm 2018 với cáo buộc rằng nền tảng này bị các tổ chức khủng bố sử dụng để liên lạc với nhau. Trong vụ này, Telegram bị cho là “không phối hợp với Cơ Quan An Ninh Liên Bang Nga để xử lý các sự việc liên quan.”
Trong lúc các báo Việt Nam tuyên truyền rằng việc chặn Telegram “là cần thiết,” mạng xã hội dấy lên nhiều ý kiến chỉ trích.
Facebooker Kang Liu bình luận trên diễn đàn “Otofun” rằng: “Ngu, thiển cận. Bao nhiêu doanh nghiệp đặc biệt trong ngành công nghệ thông tin làm việc với đối tác qua Telegram, giờ quản không được thì cấm. Thế này mà đòi 4.0.”
Một số ý kiến khác thì cho rằng nền tảng TikTok mới đáng ngăn chặn hơn Telegram vì “mức độ độc hại, phát tán video nhảm.” (T/H, N/V)