Nhân dịp Emmanuel Macron đến thăm Việt Nam: Bốn tổ chức quốc tế kêu gọi Tổng thống Pháp yêu sách Hà nội tôn trọng nhân quyền

Bốn tổ chức phi chính phủ đang kêu gọi Tổng thống Pháp gây sức ép đòi trả tự do cho những người bảo vệ nhân quyền trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 25 đến ngày 27 tháng 5 sắp tới. Các tổ chức này lên án tình trạng đàn áp ngày càng gia tăng đối với xã hội dân sự Việt Nam và việc chính quyền thông qua các luật hạn chế.
PARIS-BRUSSELS, ngày 22 tháng 5 năm 2025 (VCHR) – Trước chuyến công du Việt Nam của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong vòng một tuần nữa, bốn tổ chức nhân quyền quốc tế – Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH), Ủy ban Bảo vệ Quyển làm Người Việt Nam (VCHR), Liên đới Thiên Chúa giáo Toàn Cầu (CSW) và Nhân chứng Tòan cầu (Global Witness) – kêu gọi Tổng thống Macron đặt nhân quyền vào trọng tâm trong chương trình nghị sự ngoại giao của ông.
Trong một lá thư gửi tới Tổng thống, các tổ chức phi chính phủ bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tình trạng đàn áp ngày càng gia tăng đối với xã hội dân sự Việt Nam. Việt Nam hiện có hơn 200 tù nhân lương tâm, bao gồm các nhà báo, luật sư, nhà nghiên cứu và những người bảo vệ quyền lao động và môi trường. Trong số đó có những trường hợp tiêu biểu của Phạm Đoan Trang, Đặng Đình Bách và Phạm Chí Dũng.
Các tổ chức này thúc giục ông Emmanuel Macron yêu cầu trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho những người bảo vệ nhân quyền bị giam giữ tùy tiện và kêu gọi xóa bỏ các luật hạn chế nhân quyền. Ví dụ, Nghị định 126/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ 26 tháng 11, 2024, gia tăng sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Việt Nam trên các hiệp hội, trái ngược với các cam kết của Việt Nam về quyền tự do lập hội. Nghị định 147/2024/NĐ-CP áp đặt kiểm duyệt và giám sát có hệ thống đối với nội dung trực tuyến, đe dọa quyền tự do ngôn luận.
Tháng 2 vừa qua, bốn tổ chức quốc tế này đã nộp đơn khiếu nại lên Ủy ban Châu Âu về hành vi vi phạm Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) của Việt Nam, và cung cấp một danh sách 40 trường hợp những người bảo vệ nhân quyền và đại diện xã hội dân sự bị cầm tù vì họ chỉ trích một cách ôn hòa những tác động tiêu cực của các dự án đầu tư, đòi hỏi quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, thúc đẩy sự tham gia của xã hội dân sự độc lập hoặc làm việc về các vấn đề phát triển bền vững, chuyển đổi năng lượng hoặc điều kiện lao động.
“Chúng tôi rất quan ngại. Mục đích chủ yếu của chuyến thăm này là kinh tế. Nhưng Tổng thống Macron đừng quên các giá trị sáng lập của Pháp, bao gồm cả quyền con người”, Penelope Faulkner, Chủ tịch VCHR phát biểu. “Việc nêu vấn đề các quyền tự do cơ bản và kêu gọi trả tự do cho các tù nhân lương tâm không phải là ‘chỉ để phô trương’. Đây là vấn đề tôn trọng luật pháp và các cam kết quốc tế của Việt Nam, Liên minh Châu Âu và Pháp”.
Các tổ chức kêu gọi ông Emmanuel Macron thúc giục chính quyền Việt Nam bãi bỏ các điều khoản về « an ninh quốc gia » trong Bộ luật Hình sự, hay thường được sử dụng để hình sự hóa những người bảo vệ nhân quyền và môi trường ; tạo ra một khuôn khổ pháp lý tôn trọng quyền tự do lập hội và ngôn luận; và xem xét các yêu cầu của xã hội dân sự về các vấn đề công lý xã hội, môi trường và khí hậu. (queme)