Saturday, December 21, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Trump không dùng 2 người từng chỉ trích mình


Trên mạng xã hội Truth Social ngày 9/11, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump khẳng định không mời cựu Đại sứ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley cùng cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo tham gia chính quyền mới.

Cựu Đại sứ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley cùng cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo. Hình The Atlantic

“Tôi sẽ không mời cựu Đại sứ Haley cùng cựu Ngoại trưởng Pompeo vào chính quyền Trump hiện trong quá trình thành lập. Trước đây tôi rất thích và trân trọng khi được làm việc với họ. Tôi cũng muốn cảm ơn họ đã phục vụ cho đất nước chúng ta. Hãy làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại!”, chính trị gia đảng Cộng hòa viết.

Cựu Đại sứ Haley từng làm việc dưới thời ông Trump nhưng sau đó cạnh tranh với sếp cũ cho vị trí ứng viên đại diện đảng tranh cử tổng thống. Nữ chính trị gia này lúc tranh cử không ngần ngại chỉ trích sếp cũ, từng tuyên bố Phó tổng thống Kamala Harris sẽ trở thành tổng thống tiếp theo nếu đảng Cộng hòa chọn ông Trump. Thậm chí khi tuyên bố rút lui, bà cũng không kêu gọi cử tri ủng hộ mình bỏ phiếu cho ông Trump như các ứng viên khác.

Tổng thống Donald Trump phát biểu năm 2017 bên cạnh Nikki Haley, khi đó là Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc. Hình New York Times

Đến đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa tháng 7, cựu Đại sứ Haley lại phát biểu ủng hộ sếp cũ. Và trong bài xã luận đăng trên tờ The Wall Street Journal ngay sát ngày bầu cử bà viết rằng ông Trump rõ ràng là lựa chọn tốt hơn Phó tổng thống Harris.

Cựu Ngoại trưởng Pompeo (từng giữ cả chức Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ dưới thời ông Trump) không cạnh tranh với sếp cũ cho vị trí ứng viên đại diện đảng tranh cử tổng thống, nhưng lại ủng hộ công tố viên đặc biệt Jack Smith điều tra vị tổng thống vừa đắc cử về hành vi cất giữ trái phép tài liệu mật. Chính trị gia này cũng hứng chịu chỉ trích vì luôn giữ im lặng trong suốt thời gian cuộc đua vào Nhà Trắng diễn ra.

Ông Mike Pompeo. Hình KT

Ông Pompeo được đánh giá đã làm rất tốt vai trò ngoại trưởng trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump. Tuy nhiên chiến lược gia đảng Cộng hòa Roger Stone ngày 8/11 công khai nhận xét chính trị gia này không đáng tin cậy. Thời gian gần đây xuất hiện thông tin cựu Ngoại trưởng Pompeo ngỏ ý muốn tham gia chính quyền mới.

Theo đài CNN và hãng tin Reuters, ông Trump đang gặp gỡ nhiều ứng viên tiềm năng cho các vị trí chính quyền. Tổng thống đắc cử đã tuyên bố chọn Susie Wiles – nhân vật điều hành chiến dịch tranh cử của ông – làm Chánh văn phòng Nhà Trắng. Quan chức tư pháp bang Missouri Andrew Bailey, quan chức tư pháp bang Texas Ken Paxton, cựu Bộ trưởng Tư pháp tạm quyền Matt Whitaker, Thượng nghị sĩ bang Utah Mike Lee, cựu Giám đốc Tình báo quốc gia John Ratcliffe, luật sư Mark Paoletta được cân nhắc cho chiếc ghế Bộ trưởng Tư pháp Mỹ. Nhà đầu tư John Paulson và cố vấn kinh tế Scott Bessent là 2 ứng viên sáng giá cho vị trí Bộ trưởng Tài chính Mỹ. Với vị trí Ngoại trưởng Mỹ thì ông Trump cân nhắc giữa Thượng nghị sĩ Florida Marco Rubio với cựu Giám đốc Tình báo quốc gia Richard Grenell. Chức vụ Bộ trưởng Y tế Mỹ có thể về tay chính trị gia cánh hữu Robert F.Kennedy Jr.

Ông Biden chuyển giao quyền lực

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre thông báo Tổng thống đương nhiệm Joe Biden mời ông Trump đến Phòng Bầu dục vào 11 giờ sáng 13/11 để bắt đầu chuyển giao quyền lực. Đây là quy trình thông thường của công tác chuyển giao.

Trước đó ông Biden tuyên bố chấp nhận kết quả bầu cử, cam kết thực hiện chuyển giao một cách hòa bình. Tổng thống đương nhiệm đang hứng chịu chỉ trích cho thất bại của đảng Dân chủ. Nhiều đảng viên đổ lỗi vì ông rút lui quá trễ nên họ không có thời gian cân nhắc các ứng viên thay thế khác, và Phó tổng thống Harris cũng không có thời gian chuẩn bị một chiến dịch tranh cử hiệu quả hơn. (T/H, 1TG)