Sunday, December 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Chim cánh cụt từ Nam Cực lạc trôi đến Úc gây ngỡ ngàng


Một con chim cánh cụt hoàng đế đã bơi khoảng 3,434 km từ Nam Cực đến Úc, trong hành trình mà các nhà khoa học tin là dài nhất từng được ghi nhận đối với loài này.

Con chim cánh cụt gây ngỡ ngàng khi đi từ Nam Cực đến Tây Úc. Hình Bernard Lagan

Theo Telegraph, con chim cánh cụt này lần đầu tiên được phát hiện bởi Aaron Flower, người lướt sóng ở thị trấn ven biển của Đan Mạch. Lúc đầu, anh nghĩ mình nhìn thấy một con chim biển bay ra khỏi mặt nước, trước khi nhận ra sinh vật này “lớn hơn nhiều”.

“Chúng tôi tự hỏi ‘Cái thứ gì nhô ra khỏi mặt nước vậy?’. Và nó có một cái đuôi thò ra như con vịt”, Aaron Flower nói.

Con chim bay lên khỏi mặt biển và lạch bạch tiến về phía nhóm người lướt sóng. Fowler kể lại với Đài Phát thanh Truyền hình Úc rằng: “Nó không hề nhút nhát chút nào”.

Các nhà khoa học tin rằng con chim đã bơi khoảng 3,434 km để đến bãi biển Ocean ở thị trấn nhỏ trên bờ biển phía tây của Úc.

Đường đi của con chim cánh cụt. Hình Telegraph

Con chim cánh cụt đực trẻ, cao khoảng 1m, có thể đã bắt đầu hành trình của mình từ một trong khoảng 60 đàn chim cánh cụt hoàng đế được biết đến ở phía đông Nam Cực.

Theo các nhà khoa học, chim cánh cụt chưa bao giờ thực hiện một hành trình dài như vậy về phía bắc, mặc dù có hai con được biết là đã đến miền Nam New Zealand.

Một trong những giả thuyết đằng sau hành trình của chú chim cánh cụt này là nó đã đi theo một dòng nước mạnh, đây là điều loài chim thường làm khi đi săn thức ăn.

Tiến sĩ Belinda Cannell, chuyên gia về chim cánh cụt tại Đại học Tây Úc, cho biết chú chim cánh cụt bị suy dinh dưỡng khi được các nhà khoa học đưa về. Sau khi được thả, nó sẽ phải tự tìm đường về nhà.

Con chim cánh cụt được phát hiện bị suy dinh dưỡng và cần được chăm sóc. Hình cung cấp/DBCA

“Tôi hy vọng rằng nó sẽ tìm được đường quay trở lại Nam Cực”, bà nói.

Khoảng 1/3 đàn chim cánh cụt hoàng đế dễ bị tổn thương do mực nước biển dâng cao và băng tan, nhưng tiến sĩ Cannell cho rằng đây không nhất thiết là nguyên nhân khiến những chú chim cánh cụt non phải di cư.

“Thực tế, chúng sinh ra để chịu lạnh, bởi vậy việc đưa chúng vào những khu vực bên ngoài Nam Cực có nghĩa là chúng sẽ bị căng thẳng vì nhiệt rất nhanh. Vậy tại sao nó lại đi xa đến vậy, tôi rất muốn biết”, Cannell bày tỏ. (T/H, Z/N)