Wednesday, December 4, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Tuyết sắp rơi trên đỉnh Núi Phú Sĩ sau kỷ lục 130 năm


Cơ quan dự báo thời tiết Nhật Bản cho biết, người dân và du khách có thể quan sát thấy tuyết trên núi Phú Sĩ vào sáng 7/11.

Phú Sĩ là ngọn núi biểu tượng nổi tiếng của đất nước Nhật Bản. Hình Md Farhabi Helal

Theo Hiệp hội Thời tiết Nhật Bản, từ 31/10 đến 6/11, núi Phú Sĩ sẽ có mưa do không khí lạnh tràn về, sau đó thời tiết sẽ chuyển từ mưa sang tuyết rơi tại đỉnh Phú Sĩ. Người dân và du khách có thể quan sát thấy tuyết trên núi vào sáng 7/11.

Weather News cũng cho biết vào ngày 30/10 rằng “có khả năng sẽ có trận tuyết đầu tiên vào tháng 11”. Các chuyên gia nhận định sự chậm trễ bất thường này có liên quan đến nhiệt độ tăng cao do hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Núi Phú Sĩ nổi tiếng với những sườn núi phủ tuyết gần như quanh năm. Mỗi mùa thu, đỉnh núi lại xuất hiện tuyết rơi, thường vào tuần đầu tiên của tháng 10.

Năm ngoái, tuyết rơi đầu tiên trên đỉnh núi vào ngày 5/10 nhưng năm nay, tới đầu tháng 11, tuyết vẫn chưa xuất hiện.

Núi Phú Sĩ lần đầu tiên không có tuyết rơi ngay cả khi đã sang tháng 11. Hình TL

Theo Yutaka Katsuta, một nhà dự báo tại Văn phòng Khí tượng Địa phương Kofu, thời tiết ấm áp đã ngăn chặn tuyết rơi trên ngọn núi cao nhất Nhật Bản.

Đây là kỷ lục muộn nhất của núi Phú Sĩ từ khi dữ liệu bắt đầu ghi nhận vào năm 1894. Trước đó, kỷ lục được ghi nhận vào năm 1955 và 2016, khi tuyết rơi lần đầu tiên ngày 26/10.

Theo Katsuta, nhiệt độ mùa hè năm nay rất cao và mức nhiệt này tiếp tục kéo dài đến tháng 9, ngăn chặn luồng không khí lạnh mang theo tuyết. Biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến thời điểm hình thành của lớp tuyết phủ.

Mùa hè năm 2024 là mùa hè nóng nhất từng được ghi nhận ở Nhật Bản, ngang bằng với nhiệt độ khắc nghiệt ghi nhận được vào năm 2023.

Núi Phú Sĩ, biểu tượng của Nhật Bản, dự kiến sẽ đón tuyết rơi vào vào ngày 6/11, đánh dấu lần tuyết muộn nhất trong lịch sử 130 năm ghi nhận.

Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo rằng thế giới cần hạn chế sự ấm lên toàn cầu ở mức tăng 1.5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp để tránh những tác động thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu.

Một nghiên cứu mới vào tháng 1 cho thấy cuộc khủng hoảng khí hậu đã làm giảm lượng tuyết ở hầu hết các khu vực của Bắc bán cầu trong 40 năm qua.

Việc tuyết rơi muộn trên núi Phú Sĩ có thể là dấu hiệu đáng lo ngại về những gì thế giới sẽ trải qua. Mùa đông ấm hơn sẽ ảnh hưởng đến lượng tuyết, hoạt động du lịch, kinh tế địa phương, nguồn cung thực phẩm, nước, thậm chí cả bệnh dị ứng. (T/H, C/L)