Nhân ngày 30/4, ôn lại lịch sử: Ai làm mất Miền Nam Việt Nam?
Theo thói quen đa số người Việt gốc miền Nam Việt Nam đều chỉ trích Hoa Kỳ, đặc biệt là Đảng Dân Chủ, đã bỏ rơi VNCH. Tin tưởng này được tăng cường bởi những lập luận thiếu căn bản dựa trên những tài liệu thiếu cập nhật của những cố vấn cũ của ông Nguyễn Văn Thiệu. Ít người có can đảm và tính chất vô tư để nhìn vào sự thật.
Thực tế theo những tài liệu đã được giải mật, việc Hoa Kỳ rút quân và ngưng viện trợ cho Việt Nam là quyết định chung của cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ. Hầu hết dân Hoa Kỳ đã quay sang chống chiến tranh Việt Nam từ 1963. Sau biến cố Tết Mậu Thân, phong trào phản chiến càng mạnh. Hoa Kỳ đã bắt đầu rút một số chiến cụ ra khỏi Việt Nam từ 1968. Hiệp Định Paris 1973 là do Nixon và Kissinger chủ xướng để tạo cơ hội an toàn cho người Mỹ rút khỏi Việt Nam (Decent Interval của Frank Snepp).
Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa (1955-1963), kinh nghiệm về loạn sứ quân, chính quyền Ngô Đình Diệm đã kiềm chế các đảng phái quốc gia đối lập. Khi lên nắm chính quyền, ông Diệm thành lập Đảng Cần Lao Nhân Vị Việt Nam vào 1954 dựa vào thành phần công chức và quân đội. Đến 1963 Đảng Cần Lao tan rã. Trong thời Đệ Nhị Cộng Hòa (1967-1975), các đảng phái quốc gia được tự do hoạt động hơn, nhưng phân hóa nội bộ và không có thực lực. Cũng như ông Diệm, khi lên nắm chính quyền, ông Thiệu đã nhanh chóng thành lập đảng Dân Chủ vào 1967 và cũng dựa vào công chức và quân đội. Đến 1969, Đảng Dân Chủ giải tán và được ô. Thiệu thay thế bằng Mặt Trận Quốc Gia Dân Chủ Xã Hội. Vào 1975 Mặt Trận QGDCXH sụp đổ theo miền Nam Việt Nam.
Ngày 19/6/1965 là Ngày Quân Lực, nhưng cũng chính là ngày chính phủ dân sự Phan Khắc Sửu trao trách nhiệm lãnh đạo quốc gia cho quân đội vì Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu không thể giải quyết những mâu thuẫn chính trị với Thủ Tướng Phan Huy Quát. Do đó, quyền điều hành đất nước rơi vào tay phe quân nhân. Chính những cuộc đảo chính, chỉnh lý, và đấu đá nội bộ liên tục từ 1955 đến 1975 phần lớn do các tướng tá VNCH cầm đầu là nguyên nhân chính đã làm suy yếu và cuối cùng làm sụp đổ miền Nam.
Trong những tháng cuối cùng của miền Nam Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thiệu còn lo sợ bị đảo chánh. Vào tháng 2, 1974, ông Thiệu ra lệnh bãi nhiệm cựu Thiếu Tướng Phạm Văn Đổng đang giữ chức vụ bộ trưởng Bộ Cựu Chiến Binh trong chính phủ Trần Thiện Khiêm, và bắt giam ông với tội chứa bạc lậu mà không xét xử. Vào ngày 8/4/1975 có hai biến cố lớn xẩy ra. Phi công Nguyễn Thành Trung từ phi trường Biên Hòa bay về Saigon ném bom Dinh Độc Lập vào 8:30 giờ sáng. Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn III ở Biên Hòa chết đầy bí ẩn tại văn phòng được khám phá vào 4 giờ chiều.
Theo một bản phúc trình của ô. Frank Snepp, nhân viên CIA tại Việt Nam, về tình trạng của chính quyền miền Nam Việt Nam. Theo đó nhiều người Saigon, gồm cả ô. Nguyễn Cao Kỳ, muốn lật đổ kể cả ám sát ô. Thiệu vì tình hình chiến sự trở nên tồi tệ sau khi ô. Thiệu rút quân khỏi cao nguyên Trung Phần. Ông Nguyễn Văn Thiệu bị ép buộc phải từ chức vào ngày 21/4/1975. Tổng Thống Trần Văn Hương đã gặp Đại Sứ Hoa Kỳ Graham Martin để yêu cầu giúp đưa ô. Thiệu ra khỏi Việt Nam vào ngày 25/4/1975 vì ô. Thiệu là nguồn gốc của sự hỗn loạn lúc bấy giờ. Bà Nguyễn Văn Thiệu đã bay qua Bangkok trước đó để lánh nạn.
Đã có vài cuốn sách viết về lịch sử Việt Nam Cộng Hòa từ 1954-1975. Trên Internet cũng có khá nhiều bài báo phân tách những vấn đề này. Thế hệ lớn tuổi sinh vào thập niên 40-50 đều có ít nhiều kiến thức về lịch sử cận đại. Nói về Ngô Đình Diệm, Bẩy Viễn, Ba Cụt, Dương Văn Minh, Nguyễn Khánh, hay cuộc đảo chánh 1/11/1963 thì ai cũng biết. Bài báo ngắn gọn này chỉ trả lời một câu hỏi duy nhất ‘những nhân vật chính nào làm mất miền Nam Việt Nam’ dựa vào dữ kiện lịch sử.
Dĩ nhiên có rất nhiều lý do khiến miền Nam sụp đổ, như cuộc khủng hoảng Phật Giáo, phong trào phản chiến, nhưng tựu trung vẫn rơi vào trách nhiệm của những người lãnh đạo. Cá nhân 18 nhân vật được nêu tên không thể làm được gì, nhưng phía sau lưng họ có không ít những kẻ đồng lõa.
Ông Ngô Đình Diệm chịu trách nhiệm về khủng hoảng Phật Giáo 1963. Nhưng đằng sau ông là Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn, Trần Thị Xuân, và Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục với tham vọng trở thành Đức Hồng Y. Lệnh cấm không cho treo cờ Phật Giáo tại tư gia vào ngày lễ Phật Đản vào 8/5/1963 là một giọt nước cuối cùng làm chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ.
Nhóm tướng lãnh đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm vào ngày 1/11/1963 ngoài Dương Văn Minh còn có hơn 10 sĩ quan cao cấp khác bao gồm Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, Tôn Thất Đính, Nguyễn Khánh, Lê Văn Phát, Mai Hữu Xuân, Nguyễn Hữu Có, Phạm Văn Đổng, Đỗ Mậu, Trần Thiện Khiêm, Phạm Xuân Chiểu, Vĩnh Lộc, Nguyễn Văn Thiệu, và Nguyễn Cao Kỳ.
Những sĩ quan chống lại đảo chánh là Lê Quang Tung, Hồ Tấn Quyền và Huỳnh Văn Cao. Tướng Cao Văn Viên không chống mà cũng không tham dự đảo chánh. Ông Viên suýt bị nhóm Dương Văn Minh thủ tiêu như đã giết Lê Quang Tung và Hồ Tấn Quyền. Đại Tá Lê Quang Tung là tư lệnh Lực Lượng Đặc Biệt, kiêm chỉ huy trưởng Liên Quân Phòng Vệ Phủ Tổng Thống. Ông theo đạo Công Giáo và quê quán ở Thừa Thiên, được Tổng Thống Diệm tin dùng. Đại Tá Tung và và em là Thiếu Tá Lê Quang Triệu, cùng với các tư lệnh mọi quân binh chủng và các giám đốc nha sở ở Saigon được lệnh về họp tại Bộ Tổng Tham Mưu vào ngày đảo chánh 1/1/1963. Buổi chiều cùng ngày hai anh em Đại Tá Tung bị giết chết. Thân xác hai ông bị thất lạc cho đến ngày nay. Tướng Huỳnh Văn Cao, một sĩ quan Công Giáo, trung thành với Tổng Thống Ngô Đình Diệm, không mang quân về giải cứu Saigon được vì quân đảo chánh đã rút hết các phà ở bến Mỹ Thuận,Tiền Giang về phía bắc. Sau khi đảo chánh thành công, ông tuyên bố ủng hộ nhóm Dương Văn Minh, nhưng vẫn bị cách chức tư lệnh Quân Đoàn IV và bị thuyên chuyển đi làm chỉ huy trưởng Trung Tâm Phát Triển Khả Năng Tác Chiến. Đại Tá Hồ Tấn Quyền, tư lệnh Hải Quân, đã hai lần cứu nguy Tổng Thống Ngô Đình Diệm trong cuộc đảo chánh 11-11-1960 do Nguyễn Chánh Thi cầm đầu và vụ ném bom Dinh Độc Lập vào ngày 27-2-1962 do hai sĩ quan phi công Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc chủ mưu. Đại Tá Quyền bị hai sĩ quan dưới quyền sát hại vào sáng ngày 1-11-1963 tại một rừng cao su tại Thủ Đức theo lệnh của nhóm đảo chánh do Tướng Dương Văn Minh cầm đầu. Ông Cao Văn Viên là một người ngưỡng mộ Tổng Thống Diệm. Ông cũng bị nhóm tướng lãnh giam giữ nhưng thoát chết vì sự can thiệp của Tướng Tôn Thất Đính. Ông Đính thuyết phục ông Dương Văn Minh rằng ông Viên không chống đảo chánh. Phu nhân của Tướng Viên là bạn chơi mạt chược với ông Đính. Ba tháng sau, ông Minh bị tướng Nguyễn Khánh đảo chánh lật đổ. Thế cờ lật ngược một cách oái ăm. Lính nhẩy dù của tướng Viên đã canh giữ ông Minh bị giam lỏng ở Đà Lạt. Đại Úy Nguyễn Văn Nhung, cận vệ của Tướng Dương Văn Minh, người hạ sát hai anh em ông Ngô Đình Diệm và hai anh em ông Lê Quang Tung, sau đảo chánh được thắng cấp thiếu tá, bị tướng Khánh ra lệnh giết chết.
Trong cuộc phỏng vấn với BBC vào tháng 10, 2021, ông Frank Snepp, tác giả cuốn sách “Decent Interval”, một người bạn của Việt Nam, đã nói với nhà báo Tina Hà Giang:
“Tôi nghĩ những người bạn Việt Nam thân yêu của tôi không đúng khi đổ lỗi sự sụp đổ nhanh chóng của VNCH cho Hoa Kỳ vì sự việc phức tạp hơn nhiều. Một lần nữa, Hoa Kỳ có bỏ rơi VNCH không là một câu hỏi phức tạp, nhưng nói chung là có. Kissinger và Nixon đã bỏ rơi Việt Nam. Nhưng việc thất trận của VNCH đến từ những lý do gần nhà hơn”.
Frank Snepp ám chỉ rằng thua trận là do người Việt và hai yếu tố quan trọng là tham những và kém hiệu quả. Vấn đề là người Việt có can đảm nhìn vào sự thật hay không hay là cứ tiếp tục lừa bịp chính mình và đánh võ tự do, không biết ai là thù ai là địch. Chắc chắn không phải vì giản dị không có $300 triệu tiền viện trợ súng đạn mà giờ chót cứu được miền Nam.
Miền Nam Việt Nam được yên ổn và phát triển vào những năm 1955-1960. Giai đoạn tiếp theo 1961-1975 đầy những xáo trộn và bất trắc ngay trong nội bộ. Thù trong giặc ngoài đến kinh hoàng. Tranh giành quyền lực giữa các phe phái quốc gia làm miền Nam ngày càng suy yếu. Trong lúc đó, Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam, công cụ của Cộng Sản Bắc Việt, thành lập vào 20-12-1960, lợi dụng thời cơ bành trướng mạnh. Hậu quả không tránh được là miền Nam đã sụp đổ vỏn vẹn trong 15 năm ngắn ngủi.
Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Nhìn vào sự thật để rút kinh nghiệm, nếu không, sai lầm này đưa đến sai lầm khác.
Nguyễn Quốc Khải