Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về tiêu thụ mỳ ăn liền


Lạm phát diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới khiến nhu cầu tiêu thụ mỳ ăn liền đạt kỷ lục. Việt Nam cũng là 1 trong những thị trường tiêu thụ mỳ ăn liền lớn nhất.

Thị trường Việt Nam đã tiêu thụ khoảng 8.48 tỷ gói mì ăn liền trong năm 2022.

Theo dữ liệu của Hiệp hội Mỳ ăn liền thế giới có trụ sở tại Osaka (Nhật Bản), nhu cầu về mỳ ăn liền đã đạt mức cao nhất mọi thời đại với 121.2 tỷ gói mỳ được tiêu thụ trong năm 2022. Đây cũng là năm thứ 7 liên tiếp số lượng mỳ gói tiêu thụ tăng vọt. So với năm 2021, số lượng mỳ gói tiêu thụ đã tăng 2.6%.

Dữ liệu này được tính toán dựa trên ước tính xuất khẩu mỳ gói ở 56 quốc gia. Trong năm 2022, Trung Quốc (bao gồm cả Hong Kong) là thị trường tiêu thụ mỳ gói lớn nhất thế giới. Tiếp sau đó là Indonesia, Việt Nam, Ấn Độ và Nhật Bản. Trong đó, thị trường Việt Nam đã tiêu thụ khoảng 8.48 tỷ gói mì ăn liền trong năm 2022.

Vào năm 2020, khi nhiều người bị phong tỏa vì đại dịch, nhu cầu mỳ gói toàn cầu đã tăng 9.5%. Mức tăng giảm xuống còn 1.4% vào năm 2021, nhưng sau đó tăng trở lại vào năm 2022. Nguyên nhân bởi giá lương thực ở nhiều nước tăng vọt do lạm phát đã thúc đẩy người tiêu dùng chuyển sang sử dụng mỳ ăn liền như một lựa chọn hợp túi tiền.

Năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về tiêu thụ mỳ gói. Hình minh họa

Thị trường mỳ ăn liền mở rộng đặc biệt mạnh mẽ ở Mexico. Nhu cầu tại nước này tăng vọt 17.2% vào năm 2021 và vẫn duy trì mức tăng trưởng hai con số vào năm ngoái, đạt 11%. Ngược lại, thị trường Bắc Mỹ giảm 1.4% vào năm 2021, sau đó phục hồi 3.4% vào năm 2022.

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường Facts and Factors, doanh thu của mỳ ăn liền dự kiến sẽ tăng từ 45.67 tỷ USD trong năm 2020 lên 73.55 tỷ USD vào năm 2026, tăng trưởng doanh thu trung bình hàng năm sẽ đạt 6%/năm trong giai đoạn 2021 – 2026.

Nhiều người tiêu dùng đã lựa chọn chuyển sang mỳ ăn liền như một lựa chọn thực phẩm phù hợp với túi tiền khi giá cả nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm trở nên đắt đỏ hơn.

Những năm qua, Việt Nam luôn lọt top quốc gia/vùng lãnh thổ tiêu thụ mì ăn liền nhiều nhất thế giới.

Đối tượng khách hàng của các công ty sản xuất mỳ gói cũng đa dạng hơn. “Nếu như trước đây, người tiêu dùng trung lưu không sử dụng mỳ ăn liền thì giờ đây, họ lại kết hợp mỳ ăn liền với nhiều loại đồ ăn khác vì lạm phát”, nhà sản xuất mỳ ăn liền Nissin Foods cho biết.

Nhu cầu tăng vọt khiến các công ty sản xuất mỳ ăn liền thu về lợi nhuận lớn trong năm qua. Cùng với Nissin Foods, một công ty mỳ gói khác là Toyo Suisan cũng ghi nhận mức lợi nhuận tăng đáng kể từ hoạt động ở nước ngoài trong năm tài chính vừa qua.

Tại Nhật Bản, dù các công ty sản xuất mỳ ăn liền tăng giá 15% trong 2 năm liên tiếp nhưng doanh số bán hàng vẫn không giảm, thậm chí còn tăng đáng kể.

Bên cạnh lạm phát, một lý do khác khiến người tiêu dùng lựa chọn mỳ ăn liền là do sự tiện lợi, có thể tiết kiệm thời gian và đa dạng trong mẫu mã. Nhiều nhà sản xuất mỳ ăn liền cũng đang nỗ lực nâng cao tính dinh dưỡng trong các sản phẩm của mình. (T/H, C/T)