Ngày Thế giới phòng chống lao (24/3): “Thanh toán” bệnh lao là hoàn toàn có thể
Với Chủ đề “Yes! We can end TB!” – (Tạm dịch: “Đúng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao!”), Ngày Thế giới phòng chống lao năm nay (24/03/2023) mang đến niềm hy vọng và nguồn năng lượng tích cực, thôi thúc và thể hiện tinh thần quyết tâm cao trong công tác phòng, chống cũng như tăng tốc độ chẩn đoán, điều trị dự phòng và chăm sóc bệnh nhân lao.
Như chúng ta đã biết, bệnh lao vẫn là một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất thế giới. Mỗi ngày, gần 4,400 người tử vong vì bệnh lao và gần 30,000 người mắc bệnh lao. Lao là bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao thứ 2 sau COVID-19. Khoảng 25% dân số thế giới mắc lao tiềm ẩn. Những người khỏe mạnh nhiễm vi khuẩn lao có khoảng 5-10% nguy cơ chuyển thành thể hoạt động. Tuy nhiên, bệnh lao có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, điều trị đúng phương pháp và đủ thời gian.
Bệnh lao do vi khuẩn lao gây nên, bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp. Nguồn lây chính của bệnh lao là những bệnh nhân lao phổi có vi khuẩn lao trong đờm. Người bị lây do hít phải vi khuẩn lao của bệnh nhân lao phổi bắn ra môi trường xung quanh khi ho, khạc, hắt hơi, hoặc khi tiếp xúc trong thời gian dài và liên tục. Hiện nay, các biện pháp phòng, chống bệnh lao hiệu quả chủ yếu là tiêm vắc xin cho trẻ sơ sinh, tốt nhất là trong vòng tháng đầu tiên sau sinh; Phát hiện sớm, điều trị kịp thời và triệt để cho người mắc bệnh lao; Người bệnh phải đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi, không khạc đờm bừa bãi; Luôn vệ sinh môi trường sống, tạo điều kiện để không khí được lưu thông; Tất cả những người đang mắc bệnh lao cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị lao.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), toàn bộ những tiến độ từng đạt được tính đến năm 2019 đã bị đình trệ hoặc là hoàn toàn đảo ngược do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Rõ nhất là số bệnh nhân lao được phát hiện trên toàn cầu giảm mạnh. Từ mức cao nhất là phát hiện 7.1 triệu người bệnh năm 2019, con số này đã giảm xuống 5.8 triệu vào năm 2020. Năm 2021, khoảng 10.6 triệu người mắc lao trên toàn cầu. Tỷ lệ mắc mới lao cũng tăng 3.6% trong năm 2021 so với năm 2020. Số trường hợp mắc lao kháng thuốc cũng tăng lên trong năm 2021, với 450,000 ca mắc mới.
Trong Chiến lược chấm dứt bệnh lao đến năm 2025, WHO đã đưa ra mục tiêu sẽ giảm người bệnh lao mới mắc và số người tử vong vì lao tương ứng là 50% và 75%. WHO nhấn mạnh việc huy động sức mạnh tổng thể, thu hút sự quan tâm, tập trung mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao, bởi Ngày Thế giới phòng chống bệnh lao năm nay sẽ tập trung vào việc thúc giục các quốc gia đẩy mạnh tiến độ thực hiện nhằm chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về bệnh lao năm 2023, từ đó mang đến cơ hội nâng cao tầm nhìn và cam kết chính trị. WHO, cùng với các đối tác, cũng sẽ đẩy nhanh việc triển khai phác đồ điều trị toàn bộ bằng đường uống, rút ngắn thời gian điều trị bệnh lao cho người bệnh.
Là nước có gánh nặng bệnh lao cao với 169,000 người mắc bệnh và 12,000 người tử vong do lao (số liệu năm 2021), Việt Nam chọn chủ đề “Việt Nam chiến thắng bệnh lao” cho Ngày thế giới phòng chống bệnh lao năm 2023. Chủ đề được đưa ra dựa trên những kết quả phục hồi công tác phòng chống lao tại các nước có gánh nặng bệnh lao cao sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và việc bảo đảm tiếp cận với phương pháp chẩn đoán mới, phác đồ điều trị mới, công nghệ số và trí tuệ nhân tạo trong phòng chống bệnh lao, giúp cứu sống thêm hàng triệu người.
Trong bối cảnh cuộc chiến chống bệnh lao toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức sau đại dịch COVID-19, Ngày thế giới phòng chống lao năm 2023 như một lời khẳng định mạnh mẽ rằng việc “thanh toán” bệnh lao là hoàn toàn có thể. Ngày Thế giới phòng chống lao được tổ chức hàng năm để nâng cao nhận thức về bệnh lao và nỗ lực chấm dứt dịch bệnh toàn cầu, đánh dấu ngày vi khuẩn gây bệnh lao được phát hiện vào năm 1882. (T/H)