Sunday, December 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Úc là 1 trong 13 quốc gia và vùng lãnh thổ có không khí lành mạnh vào năm 2022


CNN dẫn thông tin từ một báo cáo mới cho biết, năm 2022 cũng là năm ô nhiễm không khí tăng đến mức báo động.

Canberra là thành phố thủ đô của Úc có không khí lành mạnh nhất, chỉ với 2.8 microgam trên một mét khối. Hình Getty/iStockphoto

Theo một báo cáo mới, Úc là 1 trong 13 quốc gia và vùng lãnh thổ có chất lượng không khí “trong lành” vào năm ngoái, khi ô nhiễm không khí tăng đến mức báo động.

Báo cáo của IQAir, một công ty theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới, cho thấy mức ô nhiễm không khí trung bình hàng năm ở khoảng 90% quốc gia và vùng lãnh thổ trong diện phân tích của họ đã vượt quá chỉ số trong hướng dẫn về chất lượng không khí của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

WHO đã xây dựng một bản hướng dẫn để hỗ trợ các chính phủ xây dựng các quy định bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Văn bản này khuyến nghị nồng độ chất gây ô nhiễm trung bình là từ 5 microgam/m3 trở xuống.

Lo ngại về chất lượng không khí

IQAir đã phân tích chất lượng không khí trung bình từ 131 quốc gia và vùng lãnh thổ và nhận thấy rằng chỉ có 6 quốc gia là Úc, Estonia, Phần Lan, Grenada, Iceland và New Zealand và 7 vùng lãnh thổ ở Thái Bình Dương và Caribe, đáp ứng khuyến nghị về chất lượng không khí của WHO.

Bảy quốc gia, Chad, Iraq, Pakistan, Bahrain, Bangladesh, Burkina Faso, Kuwait và Ấn Độ có chất lượng không khí kém xa hướng dẫn của WHO. Nồng độ chất gây ô nhiễm không khí trung bình tại những nước này là trên 50 microgam/m3.

Không khí tại Lahore, Pakistan tháng 1 năm 2022. Ảnh: Pacific Press.
Không khí tại Lahore, Pakistan tháng 1 năm 2022. Hình Pacific Press

Nghiên cứu của IQAir đã xem xét cụ thể nồng độ các vật chất dạng hạt mịn PM2.5 – chất gây ô nhiễm nhỏ nhất nhưng cũng nguy hiểm nhất. Khi được hít vào, PM2.5 sẽ đi sâu vào mô phổi và từ đó đi vào máu. PM2.5 có liên quan đến một số vấn đề sức khỏe bao gồm hen suyễn, bệnh tim và các bệnh về đường hô hấp khác. Nguồn tạo ra PM2.5 là quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch, bão bụi và cháy rừng.

Có hàng triệu người chết mỗi năm do các vấn đề sức khỏe liên quan đến ô nhiễm không khí. Theo WHO, trong năm 2016, có khoảng 4.2 triệu ca tử vong sớm liên quan đến PM2.5.

Trong năm 2022, các nguồn gây ô nhiễm không khí chính là cháy rừng và đốt nhiên liệu hóa thạch để vận chuyển và sản xuất năng lượng.

Bà Hammes nói: “Chúng ta vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và loại nhiên liệu không lành mạnh này tạo ra phần lớn ô nhiễm không khí trên hành tinh này”.

Cũng theo chuyên gia này, các vụ cháy rừng do biến đổi khí hậu gây ra cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc làm giảm chất lượng không khí, đặc biệt là ở Mỹ.

Bà Hammes nói: “Cháy rừng là một vấn đề gắn liền với Trái Đất nóng lên. Về cơ bản nó khiến môi trường không an toàn”.

Ludmilla, cạnh phi trường ở Darwin, có không khí trong lành tệ nhất ở Úc. Hình 9News

Khó đánh giá toàn diện vì thiếu thông tin

Báo cáo mới của IQAir cũng tiếp tục nêu bật sự bất bình đẳng đáng lo ngại: hiện tại đang thiếu các trạm quan trắc ở nhiều quốc gia đang phát triển ở châu Phi, Nam Mỹ và Trung Đông. Tình trạng này dẫn đến thiếu dữ liệu về chất lượng không khí ở những khu vực đó.

Mặc dù đã có nhiều quốc gia châu Phi hơn được phân tích dữ liệu trong năm nay so với năm 2021 nhưng đây vẫn là châu lục có ít quốc gia nhất trong báo cáo. Theo IQAir, chỉ có 19 trong số 54 quốc gia châu Phi có đủ dữ liệu từ các trạm quan trắc để tiến hành so sánh.

Glory Dolphin Hammes, Giám đốc điều hành của IQAir Bắc Mỹ, cho biết mỗi lần họ thêm một quốc gia mới vào danh sách nghiên cứu thì quốc gia đó gần như sẽ nằm trong top đầu về ô nhiễm. Trường hợp Chad được đưa vào năm 2021 là một minh chứng rõ ràng.

BàHammes nói với CNN: “Nếu bạn nhìn vào dữ liệu vệ tinh thì châu Phi có lẽ là lục địa ô nhiễm nhất hành tinh. Tuy nhiên, chúng tôi không có đủ dữ liệu. Vẫn còn thiếu rất nhiều thông tin để xác định đâu là quốc gia và thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới”.

Cũng theo bà Hammes, có một rào cản lớn nữa là “phương pháp hiện đang được dùng để đo chất lượng không khí.” Bà Hammes cho biết hầu hết các chính phủ có xu hướng đầu tư vào các thiết bị không đo được chính xác các hạt vật chất mịn trong không khí.

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí, bà Hammes cho biết các quốc gia phải học hỏi lẫn nhau. Ví dụ, các quốc gia có chất lượng không khí tốt nhất đã thực hiện được các hành động cụ thể để chuyển đổi từ các ngành công nghiệp gây ô nhiễm sang các dạng năng lượng xanh hơn, chẳng hạn như năng lượng mặt trời và gió. Và các quốc gia chưa làm tốt cần học tập họ

Bà cho biết thêm, điều quan trọng là phải mở rộng mạng lưới thiết bị đo chất lượng không khí, đặc biệt là ở các vùng có hoàn cảnh khó khăn. Chẳng hạn, bất chấp cuộc xung đột Nga – Ukraine, báo cáo của IQAir cho thấy Ukraine vẫn mở rộng mạng lưới thiết bị đo chất lượng không khí. Số thành phố từ Ukraine cung cấp dữ liệu năm 2022 đã gấp 3 lần năm 2021.

Bà Hammes nhấn mạnh: “Chúng ta cần thu thập thêm dữ liệu. Chúng ta cần thông báo cho mọi người thông tin về không khí để họ có thể đưa ra những lựa chọn sáng suốt hơn”. (T/H, T/Q)