Việt Nam ngày càng mạnh tay đối với những người chỉ trích chính phủ
Lời người dịch: Ngày 02/07/2020, Đài Deutsche Welle (Làn sóng Đức, DW) đã có bài về tình trạng đàn áp những tiếng nói chỉ trích chính phủ trong thời gian trước Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam. Đài DW đã nêu trường hợp ông Nguyễn Bắc Truyển và vợ là bà Bùi Thị Kim Phượng làm điển hình cho tình trạng của các tù nhân chính trị và chính sách “phạt cả đám“ của Việt Nam. Trong bài, Hiệp định Thương mại Tự do và vai trò Chủ tịch của Hội đồng EU của chính phủ Đức được xem là một trong những đòn bẩy trong việc cải thiện tình trạng nhân quyền Việt Nam
Tác giả: Rodion Ebbighausen, DW, July 2020
(Bản dịch của VETO! Human Rights Defenders‘ Network)
Trước Đại hội của đảng Cộng sản cầm quyền tại Việt Nam, các cơ quan an ninh đã bắt giữ và hành hạ những người chỉ trích chính phủ và người bất đồng chính kiến. Với Hiệp định Thương mại Tự do trong tay, Đức và Liên minh Âu châu (EU) có khả năng gây áp lực.
Bà Bùi Thị Kim Phượng phải đi một ngày một đêm bằng xe buýt để được thăm chồng khoảng gần một tiếng đồng hồ tại Trại giam An Điềm, tỉnh Quảng Nam, miền Trung Việt Nam. “Chúng tôi ngồi cách nhau khoảng một thước, bị ngăn bởi một tấm kính lưới, không được phép chạm vào nhau, bị tám nhân viên cảnh sát và một camera canh chừng, và phải nói chuyện qua điện thoại.”
Bà Bùi Thị Kim Phượng lo ngại cho sức khỏe của chồng là ông Nguyễn Bắc Truyển. Ông Truyển bị hở van tim và viêm dạ dày và ruột. Trong những tháng của đại dịch corona, bà Phượng đã không được phép đi thăm cũng như không thể mang thuốc men tới cho chồng. Nhiều lần ông Truyển đã xin đi kiểm tra sức khỏe nhưng trại chưa chấp thuận. “Tôi lo ngại vì anh bị giam cô lập trong một phòng dành cho tù nhân chính trị. Nếu có bất cứ điều gì xảy ra vào ban đêm, thì ai sẽ biết để giúp anh?”
Một người bất đồng chính kiến nổi tiếng quốc tế
Lần đầu tiên luật gia Nguyễn Bắc Truyển bị lọt vào tầm ngắm của cơ quan an ninh Việt Nam là năm 2006. Hồi đó ông bị bắt và bị kết án ba năm rưỡi tù giam và hai năm quản thúc tại gia vì đã “tuyên truyền chống nhà nước”. Sau khi mãn hạn tù, với những trải nghiệm trong tù, ông càng dấn thân mạnh hơn để giúp các tù nhân chính trị và gia đình họ, những thương binh của quân đội miền Nam cũ và các nhóm tôn giáo thiểu số. Điều này được ông Vũ Quốc Dụng thuộc tổ chức nhân quyền Đức Veto! xác nhận với Deutsche Welle. Trong thời gian hoạt động, ông Truyển đã quen vớingười vợ là Bùi Thị Kim Phượng. Cả hai cùng là tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, một tôn giáo thiểu số ở Việt Nam.
Vào ngày 30 tháng 7 năm 2017, một lần nữa mật vụ lại bắt giữ luật gia Truyển tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn bị biệt giam cho đến phiên tòa vào tháng 4 năm 2018, cả luật sư lẫn vợ ông đều không được phép thăm gặp ông. Cuối cùng ông và năm nhà hoạt động khác đã bị kết án vì tội có “các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Ông Truyển bị kết án 11 năm tù giam và 3 năm quản thúc tại gia.
Từ đó đến nay, cho dù chưa bao giờ chính thức bị điều tra vì tội gì, vợ ông là bà Bùi Thị Kim Phượng đã luôn bị an ninh nhà nước sách nhiễu. “Kể từ khi bị đuổi ra khỏi nhà vào năm 2014, chúng tôi đã không thể trở về nhà nữa. Tôi cũng không được phép sống gần người chị hoặc cộng đồng Phật giáo Hoà Hảo của tôi. Từ đầu năm 2019 tôi cũng không được phép xuất cảnh nữa. Họ chỉ nói là vì lý do an ninh.“
“Phạt cả đám” là một dạng thức đàn áp phổ biến rộng
Số phận của ông Nguyễn Bắc Truyển và vợ là bà Bùi Thị Kim Phượng, không phải là trường hợp cá biệt. Ngược lại, nó phải được coi là điển hình cho tất cả 282 tù nhân chính trị nằm trên danh sách hiện nay của tổ chức nhân quyền “The 88 Project”tại Hoa Kỳ. Trong khi các nhà hoạt động đang ngồi tù thì các thành viên gia đình họ đã phải gánh chịu áp lực nặng nề. Gia đình họ bị theo dõi, đe dọa và thường xuyên mất việc, và mất nguồn thu nhập. Họ hàng, bạn bè xa lánh họ để tự bảo vệ mình. Do đó cần phải xem số người thật sự bị đàn áp còn cao hơn con số 282 tù nhân rất nhiều.
Các tổ chức nhân quyền và cơ quan truyền thông cùng nhận định là số người bị bắt giam và đe dọa hiện nay ở Việt Nam đang gia tăng đáng kể. Thí dụ, ngày 23 tháng 6, blogger “Giáo sư hớt tóc” (tên thật: Nguyễn Văn Nghiêm), người đã công bố các báo cáo chỉ trích tình hình chính trị và xã hội ở Việt Nam trên một số tài khoản Facebook, đã bị kết án sáu năm tù. Vài ngày trước đó nhà văn Phạm Chí Thành bị bắt vì đã xuất bản các bài viết và tài liệu bị cho là chống lại nhà nước.
Đại hội Đảng và Covid-19
Lý do chính cho sự gia tăng bắt giữ là Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản được dự kiến tổ chức vào tháng 1 năm 2020 nhưng bị hoãn lại cho tới nay vì khủng hoảng Corona. Đại hội này sẽ bầu ra ban lãnh đạo mới cho 5 năm tới. Trước đại hội, đảng cộng sản muốn ngăn chặn mọi sự phản đối và chỉ trích, cũng như mọi suy diễn và đồn đoán, bằng cách bịt miệng tất cả những người chỉ trích và đồng thời gửi ra tín hiệu: Chúng tôi sẵn sàng mạnh tay đàn áp những người đi chệch hướng. (*)
Trong khi đó Đảng Cộng sản Việt Nam đang nhận được nhiều lời khen của thế giới và trong nước vì đã thành công lớn trong việc chống đại dịch corona. Chỉ số ủng hộ đảng cộng sản và các chính trị gia hàng đầu trong nước đã cao một cách lạ thường. Trên bình diện quốc tế, phần nhiều các báo cáo là thuận lợi. Việt Nam đã không chỉ khắc phục được dịch Corona mà gần đây còn ký được một hiệp định thương mại tự do quan trọng với EU. Nền kinh tế Việt Nam ít bị thiệt hại bởi đại dịch hơn nhiều quốc gia khác.
Không chấp nhận chỉ trích
Trong không khí hồ hởi đó, tình trạng nhân quyền và tự do báo chí ở Việt Nam trước vốn đã bấp bênh nay có nguy cơ bị bỏ quên. Khi ông Bill Hayton, một chuyên gia về Việt Nam, viết chung với Trợ Lý Nghèo một bài trên tờ “Foreign Policy” (Chính sách Ngoại giao) để chỉ ra mặt trái của sự thành công trong việc chống corona thì họ đã gặp sự phản đối mạnh mẽ trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, mọi người cũng thừa biết là việc thực thi các quy tắc cách ly và cấm ra khỏi nhà ở Việt Nam đặc biệt hiệu quả vì nhà nước đã huy động cả một mạng lưới an ninh len lỏi rất sâu vào từng gia đình.
Trường hợp ông Nguyễn Bắc Truyển cũng cho thấy Đảng cộng sản phản ứng căng thẳng như thế nào đối với mỗi lời chỉ trích. Trong buổi thăm gặp mới đây, vị luật gia này đã cho vợ biết là hai lá thư của ông đã bị tịch thu bất hợp pháp. Trong những lá thư đó, ông đã viết về tình trạng các tù nhân trong đại dịch Covid-19. Ông đã yêu cầu vợ nộp đơn khiếu nại.
Đây không phải là lần đầu tiên mà những lá thư của ông Nguyễn Bắc Truyển bị tịch thu. Hồi tháng 4 năm 2019, trong một lá thư gửi vợ, ông cũng đã viết vài điều về việc thực thi Luật Tín ngưỡng Tôn giáo trong các nhà tù. Và ông yêu cầu vợ chuyển những thông tin này cho bà dân biểu Đức Gyde Jensen, người lúc đó đang có dự tính sang thăm Việt Nam. Bức thư đã bị tịch thu bất hợp pháp. Sáu tháng sau nó mới được trả lại với những đoạn bị bôi đen.
Phê bình từ Đức
Bà Gyde Jensen (đảng Dân chủ Tự do FDP), Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền và Viện trợ Nhân đạo của Quốc hội liên bang Đức, đã nhận bảo trợ cho tù nhân chính trị Nguyễn Bắc Truyển vào tháng 3 năm 2018. Việc bảo trợ này nằm trong chương trình “Dân biểu bảo vệ dân biểu” mà Quốc hội Đức đặc biệt áp dụng để hỗ trợ cho các nhà bảo vệ nhân quyền.
Bà Jensen rất lo lắng về trường hợp của ông Truyển và những diễn biến hiện tại ở Việt Nam: “Giới lãnh đạo Việt Nam đang hành hạ một cách có hệ thống các nhà hoạt động và nhân vật đối lập. Họ đã không chỉ dùng những lý do mơ hồ để bắt giam những người hoạt động nhân quyền như ông Nguyễn Bắc Truyển mà ngay cả trong tù họ còn tiếp tục sách nhiễu, bạo hành và tra tấn những người này. Tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam hãy trả tự do lập tức cho Nguyễn Bắc Truyển và tất cả các tù nhân chính trị khác.”
Tận dụng các khả năng của Hiệp định Thương mại Tự do
Theo ông Vũ Quốc Dụng thuộc tổ chức nhân quyền Đức VETO! thì trường hợp của Nguyễn Bắc Truyển đại diện cho nhiều người khác tại Việt Nam. “Trường hợp của ông Truyển cho thấy Việt Nam đối xử một cách độc đoán như thế nào đối với những công dân đứng lên vận động ôn hoà cho nhân quyền. Trong nhiệm kỳ làm Chủ tịch của Hội đồng EU, chính phủ Đức phải làm mọi cách để bảo đảm rằng Hiệp định Thương mại Tự do phải được thực hiện trong sự tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc nhân quyền.“
Bà Jensen cũng nhấn mạnh điểm này: “Tôi chờ đợi chính phủ Đức và đặc biệt là EU phải thường xuyên và nghiêm túc đưa tình trạng nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam vào các cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo Việt Nam. Hiệp định Thương mại Tự do sẽ cho EU một đòn bẩy cụ thể để gây áp lực. Họ phải cấp tốc sử dụng nó .”