Monday, December 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Nếu Putin dùng bom nguyên tử


Ngô Nhân Dụng

Nhưng Mỹ và các nước Âu châu không cần phải dùng vũ khí nguyên tử để phản công Nga ở Ukraine. Điều mà họ có thể báo trước cho Putin là các nước đồng minh sẽ không thể ép chính phủ Ukraine tự kiềm chế.

Nga đang bị cô lập đối với cả thế giới, chỉ còn hai nước đồng minh là Iran và Bắc Hàn. Những nước cố đứng ngoài cuộc chiến Ukraine như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ đang thay đổi thái độ.
Nga đang bị cô lập đối với cả thế giới, chỉ còn hai nước đồng minh là Iran và Bắc Hàn. Những nước cố đứng ngoài cuộc chiến Ukraine như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ đang thay đổi thái độ. Hình AP

Vladimir Putin có thể sẽ dùng vũ khí nguyên tử ở Ukraine? Ông ta có khoảng 2,000 “bom nguyên tử chiến thuật,” nhiều gấp 10 lần Mỹ. Tuy coi là “loại nhỏ” nhưng các trái bom này tàn phá mạnh bằng 10 đến 100 ngàn tấn chất nổ (kilotons), và có thể dùng những dàn phóng trên mặt đất hoặc từ biển, bất ngờ tiêu diệt cả đạo quân địch. Trái bom Mỹ thả xuống Hiroshima năm 1945 cũng chỉ mạnh 15 kilotons.

Ngoài sức nổ tàn phá, chất phóng xạ nguyên tử sẽ bay xa. Không những quân và dân Ukraine mà cả lính Nga đều có thể bị nhiễm độc. Các nước chung quanh, từ Belarussia, Ba Lan, Đức, đến Hungary cũng sẽ mang họa lâu dài. Chắc Putin không quan tâm đến các hậu quả đó. Ông có thể dùng bom nguyên tử nếu thấy mình đang bị dồn tới đường cùng. Và điều này có vẻ đang diễn ra ngoài mặt trận.

Quân Ukraine mở các cuộc tấn công ở miền Bắc, tiến sang phía Đông lấy lại nhiều thành phố đã bị chiếm đóng. Lính Nga buông súng chạy, bỏ lại các chiến cụ, kể cả những xe tăng kiểu mới nhất mà chưa hề được sử dụng. Các đường tiếp vận của Nga bị phong tỏa, quân ở phía Nam đang bị cô lập.

Putin ra lệnh động viên, gọi lính trừ bị tái ngũ, để có thêm 300,000 quân sĩ. Phần Lan phải từ chối không cho các thanh niên Nga chạy qua để trốn lính. Vladimir Putin ban bố các biện pháp trừng phạt nặng nề đối với lính đào ngũ, bất tuân lệnh hoặc nổi loạn, chứng tỏ tinh thần binh sĩ đã sa sút như thế nào.

Ví thử Putin sẽ có thêm 300,000 quân, thì cũng không biết lấy súng đạn đâu ra để trang bị, trong khi các cơ xưởng chế tạo vũ khí bị ngưng trệ vì không mua được các chất bán dẫn cho máy chạy. Hai nước thân thiện là Trung Quốc và Ấn Độ đều từ chối không bán các con chíp cho Nga, vì lo sẽ bị Mỹ phong tỏa. Quân Nga đang phải dùng các đại pháo cũ kỹ, mua những vũ khí cũ kỹ của Bắc Hàn, máy bay tự lái (drones) của Iran.

Cũng không biết đám 300,000 lính mới này sẽ mất mấy tuần lễ hay mấy tháng để huấn luyện trước khi đưa ra mặt trận. Trong khi đó, quân Ukraine đang cần lấn đất, giành dân ở hai tỉnh phía Đông với tốc độ nhanh hơn trong một tháng sắp tới. Vì họ biết thời cơ thuận lợi sẽ chấm dứt khi tuyết bắt đầu rơi, xe cộ, chiến xa và đại pháo di chuyển khó khăn hơn.

Tên lửa đạn đạo của Nga.

Cùng lúc đó,Vladimir Putin đang gặp các khó khăn trong nội bộ. Dân biểu tình phản đối chiến tranh ở 37 thành phố, theo tin Associated Press, nhiều người hô, “Cho Putin xuống dưới hầm!” Các nghị viên thành phố cũng phản đối chiến tranh. Phe chủ chiến thì bất mãn trước cảnh thất trận liên tiếp. Nhiều nhà kinh doanh trong tập đoàn lãnh đạo đã “tự tử” chết ở nước ngoài và trong nước, hoặc rớt xuống từ trên cửa sổ ngôi nhà hơn 40 tầng, hoặc bị té xuống nước khi chơi thuyền. Trong tuần rồi, người đứng đầu Viện Hàng Không Matxcơva, được coi là tay chân thân tín của Putin đã “trượt chân trên nhiều bậc cầu thang”đưa tới thương tích “không thể sống,” theo mô tả trên “Telegram” ở Nga.

Vladimir Putin, 70 tuổi, tỏ ra đang bối rối. Ngày Thứ Ba, phủ tổng thống loan báo ông tổng thống sẽ đọc một diễn văn quan trọng vào 8 giờ tối. Các nhà báo, các đài tivi của chính phủ chuẩn bị sẵn sàng. Nhưng tới 8 giờ, không ai biết Vladimir Putin đang ở đâu. Sáng Thứ Tư, Putin mới xuất hiện, không giải thích tại sao đã vắng mặt.

Putin tuyên bố tăng quân số và nói thẳng sẽ dùng đến vũ khí nguyên tử, “nếu lãnh thổ bị đe dọa.” Putin nhấn mạnh, “Đây không phải là lời đe dọa suông. Những kẻ muốn bắt bí chúng ta bằng vũ khí nguyên tử phải biết rằng gió có thể đổi chiều.”

Tổng thống Vladimir Putin ngày 24/9 đã thông qua các sửa đổi đối với Bộ luật Hình sự của Nga, theo đó, tăng hình phạt với quân nhân từ chối chiến đấu hoặc đầu hàng. Trong hình, một tấm bảng với khẩu hiệu ‘Vinh quang các anh hùng của nước Nga’ ở Moscow, Nga. Hình EPA

Tình trạng “lãnh thổ bị đe dọa” được Putin chuẩn bị khi cho tổ chức ngay các cuộc trưng cầu dân ý trong các vùng quân Nga đã chiếm đóng của Ukraine, để dân chúng ở Donetsk, Luhansk, và Kherson, Zaporizhzhia bỏ phiếu xin nhập vào nước Nga. Phần lớn người Ukraine yêu nước đã di tản, chạy khỏi những nơi quân Nga chiếm đóng. Dân còn ở lại sẽ bị cưỡng ép bỏ phiếu ưng thuận. Putin sẽ ra lệnh quốc hội chấp nhận các tỉnh này vào nước Nga. Sau đó, khi quân Ukraine tấn công tái chiếm, họ sẽ bị tố cáo là tấn công vào lãnh thổ Nga. Putin có thể dùng bom nguyên tử để ngăn chặn, như đã hứa.

Putin có thể dùng lời đe dọa đó để các nước Tây phương lo sợ và thúc đẩy chính phủ Ukraine tìm cách thỏa hiệp ngưng bắn với Nga. Nhưng người Ukraine biết rằng bây giờ là cơ hội tốt nhất và duy nhất để phục hồi lãnh thổ. Chấp nhận ngưng bắn tức là cho Putin thời gian thu thập tàn quân và củng cố lực lượng để chuẩn bị đánh tiếp. Tổng thống Volodymyr Zelenskyy nói Ukraine cương quyết giành lại các vùng đất đã bị quân Nga cướp, kể cả bán đảo Crimea chiếm từ năm 2014.

Nga đang bị cô lập đối với cả thế giới, chỉ còn hai nước đồng minh là Iran và Bắc Hàn. Những nước cố đứng ngoài cuộc chiến Ukraine như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ đang thay đổi thái độ. Trong cuộc họp cùng các nước Trung Á ở Samarkand, Uzbekistan vừa rồi, Tập Cận Bình đã “tỏ ý lo ngại” về chiến tranh Ukraine, Thủ tướng Narendra Modi nói thẳng rằng Ấn Độ muốn chiến tranh chấm dứt. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan yêu cầu Nga ngưng chiến và trả lại các vùng chiếm đóng cho Ukraine, kể cả bán đảo Crimea. Các nước Trung Á, trước thuộc Liên bang Xô Viết, đều phản đối cuộc chiến Ukraine, vì lo chính nước họ cũng có thể bị Putin tấn công. Tổng thống Kyrgyzstan đã để cho Putin phải chờ đợi mình nửa phút trước khi gặp nhau ở Samarkand.

Cuối cùng, các nước Mỹ và Âu châu phải đối đầu với mối đe dọa cùng bom nguyên tử của Vladimir Putin.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói thẳng Nga sẽ “chịu hậu quả” nặng nề nếu dùng vũ khí hóa học hay nguyên tử ở Ukraine. Tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg nói với hãng tin Reuters rằng sẽ bảo đảm cho Nga hiểu rõ các hậu quả nguy hiểm; ông nói thêm rằng chưa thấy dấu hiệu Nga đang chuẩn bị dùng bom nguyên tử. Bộ ngoại giao Mỹ tiết lộ đang nhờ các nước khác báo cho ông Putin biết sẽ bị trả đũa nặng nề như thế nào.

Mykhailo Podolyak, một cố vấn của Tổng thống Volodymyr Zelenskyy, đã nói với nhật báo Guardian rằng chính phủ Ukraine đã yêu cầu các nước Âu châu hãy dùng bom nguyên tử trả đũa, nếu Nga dùng bom nguyên tử.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21/9 có bài phát biểu trên truyền hình, phát lệnh động viên một phần lính dự bị sang chiến đấu ở Ukraine. Hình EPA

Nhưng Mỹ và các nước Âu châu không cần phải dùng vũ khí nguyên tử để phản công Nga ở Ukraine. Điều mà họ có thể báo trước cho Putin là các nước đồng minh sẽ không thể ép chính phủ Ukraine tự kiềm chế.

Quân đội Ukraine có thể sẽ tấn công thẳng vào các căn cứ tập trung quân và các kho vũ khí nằm trong nước Nga, là điều họ đã cam kết sẽ không làm khi được tiếp viện các dàn hỏa tiễn tầm xa từ Mỹ, Đức, Thụy Điển. Chiến tranh sẽ lan rộng qua lãnh thổ Nga, mà các nước Mỹ và Âu châu không còn lý do để ngăn cản. Không những thế, họ sẽ có cớ để giúp Ukraine nhiều hơn, với các hỏa tiễn bắn xa hơn và chính xác hơn, nếu Ukraine bị tấn công bằng bom nguyên tử.

Ông Putin có thể nhớ kinh nghiệm của đế quốc Nga thời trước. Chế độ Nga hoàng Czar Nicholas II tan rã khi quân Nga thua trong Đại chiến Thứ Nhất. Nikita Khrushchev bị lật đổ sau khi phải rút hỏa tiễn khỏi Cuba thời 1962. Mikhail Gorbachev mất địa vị khi quân Nga phải thua trận ở Afghanistan năm 1989. Vladimir Putin sẽ lãnh hậu quả của cuộc xâm lăng Ukraine. (VOA)