Saturday, November 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Trung Quốc đưa tàu chiến lớn đến đảo Phú Lâm để tập trận

Chính quyền Trung Quốc triển khai hàng loạt máy bay và tàu chiến đến đảo Phú Lâm để tập trận, trong tham vọng “biến Biển Đông thành cái ao của Bắc Kinh”.

Theo các nhà phân tích và dựa theo hình ảnh vệ tinh, Trung Quốc đã khởi động cuộc tập trận hải quân ở Biển Đông từ ngày 1/7, nhằm phô trương khả năng chiếm giữ biển đảo bằng lực lượng bảo vệ bờ biển và tàu hải quân.

Cơ quan an toàn hàng hải (MSA) của tỉnh Hải Nam tuyên bố hôm 27/6 rằng Trung Quốc sẽ tiến hành một cuộc tập trận hải quân xung quanh quần đảo Hoàng Sa từ ngày 1/7 đến 5/7, đồng thời cấm tàu thuyền đi lại trong khu vực trên. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng cho biết cuộc tập trận đang diễn ra, bắt đầu từ ngày 1/7.

“Có vẻ như họ sẽ thực hành một số bài tập tấn công đảo. Đó có thể là để các nước Đông Nam Á thấy rằng Trung Quốc có thể đuổi họ ra khỏi các hòn đảo”, chuyên gia hải quân tại Học viện Hudson, ông Bryan Clark, nói với trang tin RFA.

Tàu đổ bộ Type 071 và một số tàu khác của Trung Quốc đỗ tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, hôm 27/6. (Ảnh: PlanetLabs Inc)
Đảo Phú Lâm dường như là bãi tập chính cho cuộc tập trận

Phú Lâm là đảo chiếm đóng lớn nhất của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh tuyên bố là “trung tâm hành chính” ở Hoàng Sa. Đây là điểm dừng chân thường xuyên của Hải quân Trung Quốc (PLAN) và Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc (CCG).

Hình ảnh vệ tinh mà Benar NewsRFA thu thập được cho thấy một tàu trực thăng đổ bộ Type 071 ở cảng Phú Lâm vào ngày 27/6, cùng ba tàu nhỏ. Tàu Type 071 có nghĩa là chuẩn bị cho các tập trận đổ bộ, và ba tàu nhỏ hơn có thể là các tàu quét mìn phục vụ cho hải quân Trung Quốc.

Đáng chú ý, một số tàu bảo vệ bờ biển cũng nằm trong khu vực diễn tập, theo dữ liệu theo dõi tàu thuyền và hình ảnh vệ tinh. Các tàu này có thể đã đến từ cảng Tam Á, thuộc tỉnh Hải Nam của Trung Quốc, nơi có 7 tàu bảo vệ bờ biển đã cập cảng vào hôm 28/6.

Ngoài ra, Trung Quốc có một số hoạt động tại Hoàng Sa trong tuần qua.

Một tàu của MSA đã cập bến đảo Phú Lâm vào ngày 27/6 và dường như đang giám sát hoạt động diễn tập. Một số máy bay đã hạ cánh và rời đảo Phú Lâm hôm 27/6, bao gồm cả máy bay giám sát. Một máy bay chở hành khách đã hạ cánh trên đảo này vào ngày 29/6.

Các thiết bị phục vụ cho tập trận và quan sát cũng được đưa đến đảo Phú Lâm. Các tàu Sansha số 1 và số 2, dùng để tiếp tế định kỳ cho binh sĩ trên đảo Phú Lâm, cũng xuất hiện tại đây hôm 30/6.

Một chiếc máy bay trông giống máy bay KJ-500 nằm trên đảo Phú Lâm, ngày 27/6/2020. (Ảnh: PlanetLabs Inc)

“Cái ao của Bắc Kinh”?

Sự xuất hiện thường xuyên của CCG và các tàu dân sự ở Biển Đông cho thấy tham vọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại khu vực này.

“Trung Quốc muốn Biển Đông thành một cái ao của Bắc Kinh”, ông Greg Poling, giám đốc Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải Châu Á, nói trong phiên điều trần với Ủy ban đối ngoại của Hạ viện Mỹ.

“[Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình] đã đưa vấn đề này vào trung tâm “Giấc mơ Trung Quốc” của ông ta. Vì vậy, chắc chắn chúng ta sẽ tiếp tục thấy Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động ở đây vì ông Tập đã gắn tương lai chính trị vào đó”, ông Greg Poling nói.

Việt Nam phản đối

Việt Nam trao công hàm phản đối Trung Quốc tập trận tại Hoàng Sa, yêu cầu không tái diễn hành động vi phạm chủ quyền này, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao.

“Việc Trung Quốc tập trận tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam, đi ngược tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC), cũng như duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói trong họp báo chiều 2/7.

Hồi tháng 8/2019, Trung Quốc cũng từng tiến hành cuộc diễn tập bắn đạn thật ở gần khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. (NTD)