Tuesday, April 30, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Putin ‘bị dồn vào chân tường như một con chuột’ và sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết bằng bạo lực


Tổng thống Nga Vladimir Putin đang cảm thấy “bị dồn vào chân tường như một con chuột” khi cuộc xâm lược Ukraine kéo dài sang tuần thứ ba, và lịch sử cá nhân cho thấy ông ta sẽ tiếp tục tấn công để giành lại thế thượng phong, một cựu sĩ quan tình báo Mỹ nói với Fox News Digital.

Rebekah Koffler là tác giả của cuốn “Putin’s Playbook: Russia’s Secret Plan to Defeat America“.

Rebekah Koffler (*), một cựu đặc vụ thuộc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Hoa Kỳ và là tác giả của cuốn “Putin’s Playbook: Russia’s Secret Plan to Defeat America“ (“Sơ đồ chiến thuật của Putin: Kế hoạch bí mật của Nga để đánh bại nước Mỹ”), nói với Fox News Digital hôm nay thứ Bảy rằng một đoạn trích từ cuốn tự truyện “Người thứ nhất“, xuất bản năm 2000 của Putin, kể về quá trình lớn lên trong một căn hộ đổ nát ở Leningrad có thể được áp dụng cho hồ sơ của ông với tư cách là nhà lãnh đạo Nga và cuộc xâm lược Ukraine hiện tại của ông.

Trong cuốn sách, Putin mô tả thời thơ ấu, việc phải đi qua một số tầng nhà đầy chuột để đến căn hộ của mình và ông viết rằng một ngày nọ, ông đã phải dùng cây gậy để dồn một con chuột to vào trong góc phòng. Khi nhận ra mình bị mắc kẹt, nó đã tấn công lại Putin, buộc ông phải bỏ chạy trong khoảnh khắc dường như đã tác động đến tổng thống tương lai của nước Nga.

Koffler nói rằng câu chuyện thời thơ ấu về con chuột và những câu chuyện khác mà Putin đã chấp thuận kể về cuộc sống cá nhân của mình, là một nỗ lực có ý thức để truyền đạt cho phương Tây rằng ông sẽ luôn tấn công khi bị mắc kẹt.

“Ông ấy muốn mọi người biết rằng khi bị dồn vào chân tường, ông ấy sẽ chiến đấu”, Koffler nói với Fox News. “Ông ấy sẽ không đầu hàng.”

Cuốn tự truyện “Người thứ nhất“, xuất bản năm 2000 của Putin.

Trong một cuốn tiểu sử khác, “Vladimir Putin: Life History”, Putin được trích dẫn nói rằng ông đã học được thông qua các cuộc đánh lộn trong khu phố khi còn nhỏ, rằng “anh phải chiến đấu để đạt được mục đích trong mọi cuộc chiến” và “anh cần phải giả định rằng không có đường rút lui.”

Tình trạng khó khăn của Putin bắt đầu khi, theo Koffler, ông đã “tính toán sai” hai vấn đề chính liên quan đến cuộc xâm lược Ukraine, đó là không tính đến ý chí chiến đấu của người dân Ukraine và vai trò của công nghệ trong việc đưa hình ảnh về sự tàn phá của cuộc chiến đến các hộ gia đình trên toàn thế giới.

“Ông ấy chắc chắn đã tính toán sai và giờ ông ấy cảm thấy rằng mình bị mắc kẹt vì phải thực hiện chiến dịch này và phải đạt được mục tiêu của mình.”

Koffler giải thích rằng Putin đã kinh hoàng nhìn Mỹ lật đổ các chính thể ở Libya và Iraq và lo sợ ông có thể gặp số phận tương tự, đặc biệt khi ông nghe các nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố rằng ông là một kẻ điên loạn và kêu gọi những người thuộc đội ngũ gần gũi ông ám sát ông.

Một phần lý do khiến Putin cảm thấy áp lực, bất kể chiến thắng ngắn hạn nào mà ông có thể nhìn thấy trên chiến trường, là do nhà lãnh đạo Nga coi cuộc chiến này với Ukraine là cuộc chiến vì sự tồn vong của đất nước ông.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trước giới truyền thông, trong cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Villa La Grange ở Geneva, Thụy Sĩ, Thứ Tư, ngày 16 tháng 6 năm 2021. Hình Pool/AP
Cuốn sách “The Grand Chessboard” cho biết rằng “ai kiểm soát được Âu-Á thì sẽ kiểm soát được thế giới”.

Tác giả Zbigniew Brzezinski (cựu cố vấn cho TT Lyndon B. Johnson) viết trong cuốn sách “The Grand Chessboard” rằng “ai kiểm soát được Âu-Á thì sẽ kiểm soát được thế giới” và Koffler nói rằng Putin rất tin vào quan điểm đó, đồng thời tin rằng Hoa Kỳ cũng cảm thấy như vậy.

“Đó là lý do tại sao bạn thấy Putin chiến đấu vì mạng sống của mình, vì khả năng sống sót,” Koffler nói.

Koffler cho rằng một yếu tố khác cần xem xét khi thảo luận về áp lực mà Putin cảm thấy là sự gần gũi của các lực lượng NATO với các thành phố lớn của Nga. Koffler giải thích rằng trong Chiến tranh Lạnh, khoảng cách giữa St.Petersburg và các lực lượng NATO là khoảng 1.609 km. Ngày nay, khoảng cách đó là khoảng 160 km.

“Theo các tính toán quân sự của Nga, họ không thể có được một mối đe dọa quân sự tương tự vậy”, Koffler nói.

Theo Koffler, tất cả những vấn đề đó cho thấy Putin cảm thấy bị mắc kẹt và sẽ tấn công bằng mọi cách có thể, để thoát ra khỏi thế trong chân tường, bao gồm hoạt động tấn công mạng, phá hủy vệ tinh, ném bom vào các khu vực dân sự và sử dụng khả năng hạt nhân của mình nếu “đường cùng không còn lựa chọn nào khác.”

“Ông ta sẽ sử dụng bộ binh”, Koffler nói và thêm rằng ông ta sẽ “san bằng Kyiv” nếu ông ta cảm thấy đó là “điều mình cần làm.“ (T/H, Fox News, basam)