Mỹ đặt “chướng ngại vật” cho sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc
Giới quan sát cho rằng Mỹ dường như đang có những tác động tới các đồng minh để ngăn cản các nước này tham gia vào dự án “Vành đai, con đường” của Trung Quốc.
Khi các cổ đông của công ty Romania Nuclearelectrica họp mặt tuần tới ở Bucharest, họ dự kiến sẽ đặt dấu chấm hết cho quá trình hàng năm trời đàm phán một dự án cơ sở hạ tầng với Trung Quốc.
Chính phủ Romania đã yêu cầu công ty quốc doanh trên dừng thương lượng với đối tác Trung Quốc về việc xây dựng 2 lò phản ứng hạt nhân.
Nuclearelectrica hiện đang vận hành 2 lò phản ứng hạt nhân, chiếm 1/5 nguồn cung điện năng cho cả nước. Theo biên bản ghi nhớ ký năm 2015, công ty này và Tập đoàn năng lượng hạt nhân Trung Quốc (CGN) đã đồng ý mở liên doanh để phát triển và vận hành 2 lò khác.
Trong thỏa thuận, phía CGN dự kiến sẽ chiếm ít nhất 51% dự án và đây là công trình nằm trong sáng kiến “Vành đai, con đường” của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Romania – một đồng minh của Mỹ – tuần trước tuyên bố rằng Nuclearelectrica cần phải tìm đối tác khác cho dự án xây 2 lò phản ứng hạt nhân, yêu cầu công ty này phải hủy bỏ đàm phán với CGN.
Vài ngày trước đó, Israel – một đồng minh khác của Mỹ – quyết định trao dự án khử mặn trị giá 1,5 tỷ USD cho một công ty của Israel thay vì một chi nhánh của CK Hutchison Holdings có trụ sở tại Hong Kong. Trước đó, phía Mỹ đã cảnh báo Israel về sự hiện diện ngày càng tăng của các khoản đầu tư liên quan tới Trung Quốc tại quốc gia Trung Đông.
Tác động từ phía Mỹ
Các nhà quan sát và chuyên gia khu vực cho rằng 2 vụ việc này dường như cho thấy cạnh tranh Mỹ – Trung đang ngày càng căng thẳng và các quốc gia nhỏ hơn đang bị kẹt lại ở giữa cuộc đối đầu giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Các cuộc đàm phán liên quan tới Nuclearelectrica bắt đầu từ năm 2013, khi ông Lý Khắc Cường trở thành thủ tướng đầu tiên của Trung Quốc thăm Romania trong gần 2 thập niên.
Xây dựng quan hệ với Romania được xem chiến lược của Trung Quốc trong việc mở rộng liên hệ với Đông Âu và toàn bộ Liên minh châu Âu EU. Tuy nhiên, triển vọng hợp tác hạt nhân giữa 2 quốc gia đã trở nên bất định sau khi Mỹ và Romania năm ngoái đã ra tuyên bố chung kêu gọi sự bắt tay chặt chẽ hơn nữa về năng lượng.
Vào tháng 1, Thủ tướng Romania Ludovic Orban cảnh báo chính phủ nước này sẽ rút khỏi thương vụ hợp tác với Trung Quốc vì “quan hệ đối tác với công ty Trung Quốc sẽ không hiệu quả”.
Chuyên gia Andreea Brinza của Viện nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương (Romania) cho biết có những giả thuyết rằng “những khuyến nghị” từ Mỹ và EU có thể đã góp phần khiến Bucharest đưa ra quyết định như trên.
“Đã có nhiều mối quan ngại từ việc Trung Quốc đầu tư vào dự án cơ sở hạ tầng chủ chốt hay CGN nằm trong “danh sách đen” có thể gây hại tới an ninh quốc gia của Mỹ và Romania là nơi quân Mỹ đồn trú cũng như đặt hệ thống tên lửa. Tôi nghĩ chính phủ Romania quyết định rằng tốt nhất là nên chấm dứt dự án với CGN”, ông Brinza cho hay.
Jakub Jakobowski, chuyên gia từ Trung tâm nghiên cứu phía Đông ở Ba Lan, nói rằng Bắc Kinh đã hy vọng thương vụ với Romania sẽ trở thành ví dụ thành công cho dự án hạt nhân của Trung Quốc tại EU.
Ông Jakobowski cho rằng áp lực gia tăng từ Mỹ, cộng với sự mất kiên nhẫn từ những cam kết về lợi ích kinh tế từ Trung Quốc chưa thành hiện thực, dường như đã khiến nhiều quốc gia ở Trung và Đông Âu cân nhắc lại chiến lược.
“Nhiều chính phủ có thể quyết định sẽ hy sinh một phần quan hệ với Trung Quốc – dù sao cũng không hứa hẹn cho lắm – để ghi thêm điểm với Mỹ và EU”, ông Jakobowski nhận định.
Chuyên gia này cũng cho rằng không có dấu hiệu nào cho thấy các quốc gia ở Trung và Đông Âu “sẽ từ bỏ quan hệ an ninh với Mỹ” và hầu hết họ đều mong muốn sẽ củng cố quan hệ với Washington thông qua hợp tác trong các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng và 5G.
Theo SCMP, Trung Quốc dường như vẫn đang nuôi tham vọng lớn với “Vành đai, con đường”. Bất chấp nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bắc Kinh vẫn tiếp tục chi 5,23 tỷ USD đầu tư trực tiếp trong cách lĩnh vực phi tài chính ở 53 quốc gia dự kiến nằm trong dự án trong 4 tháng đầu năm, tăng 13,4% so với năm trước.
Tuy nhiên, dự án của Bắc Kinh cũng gây tranh cãi với hàng loạt các mối quan ngại rằng các nước nghèo hơn có thể rơi vào “bẫy nợ” của Trung Quốc và Bắc Kinh dùng tiền để gia tăng tầm ảnh hưởng địa chính trị. Trung Quốc đã bác bỏ những quan ngại nói trên.
Giới chức Mỹ, trong khi đó, thường xuyên công khai cảnh báo về các dự án cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc rót vốn vào ở châu Phi, Mỹ Latinh, châu Á. (D/T theo SCMP)