WTO đồng ý điều tra thuế Trung Quốc áp lên Úc
WTO đồng ý thành lập hội đồng giải quyết khiếu nại của Canberra, xung quanh việc Bắc Kinh áp thuế chống bán phá giá đối với rượu nhập khẩu từ nước này.
Đây là lần thứ hai Úc gửi khiếu nại, sau khi yêu cầu đầu tiên bị Trung Quốc chặn vào tháng 9.
Trong cuộc họp tại Geneva hôm 26/10, cơ quan giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại thế giới WTO cho biết ban điều tra sẽ có 15 quốc gia -trong đó có Canada, Anh và New Zealand có tư cách là bên thứ ba.
Rượu vang Úc bị Trung Quốc áp thuế tạm thời kể từ tháng 11, trong bối cảnh bất đồng chính trị gia tăng. Vào tháng 3, Bắc Kinh hoàn tất việc áp thuế từ 116.2% đến 218.4% trong 5 năm đối với rượu vang Úc đựng trong các thùng chứa từ 2 lít trở xuống.
Các loại thuế đã khiến rượu Úc không có khả năng cạnh tranh trên thị trường Trung Quốc. Theo thông tin cập nhật của cơ quan công nghiệp Úc, từ khi thuế tạm thời được áp dụng, giá trị xuất khẩu rượu vang của Úc sang Trung Quốc giảm 77% xuống còn 205 triệu USD.
Úc cho biết trong cuộc họp WTO rằng họ yêu cầu ban hội thẩm sau khi liên hệ không thành công với Trung Quốc. Nước này thất vọng khi “không thấy bất kỳ bước cụ thể nào của Trung Quốc để giải quyết các mối quan tâm”, mặc dù họ xem trọng mối quan hệ kinh tế giữa hai bên.
Hai nước đã không tham gia các hoạt động cấp bộ trưởng kể từ khi mối quan hệ song phương rạn nứt. Canberra thúc đẩy một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc COVID-19 mà không hỏi ý kiến Bắc Kinh vào tháng 4/2020.
Các quan chức Trung Quốc bày tỏ sự “hối tiếc” trước yêu cầu lần thứ hai của Úc và cho biết sẽ bảo vệ các biện pháp thuế quan, vì chúng phù hợp với các quy tắc thương mại của WTO.
Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng nói sẽ cùng Canberra giải quyết tranh chấp.
Trước đó, Úc cũng khiếu nại WTO về một đợt áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp khác của Trung Quốc đối với lúa mạch. Một số hàng hóa thương mại khác của Úc, bao gồm gỗ, than đá và tôm hùm, đã bị Trung Quốc cấm không chính thức.
Dù vậy, Úc tiếp tục xuất khẩu quặng sắt sang Trung Quốc và giá sắt cao kỷ lục đã đạt 233 USD/tấn vào tháng 5. Trong khi đó, các mặt hàng bị cấm không chính thức có xu hướng chuyển sang thị trường khác. (T/H, VTC)