Saturday, November 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Cửa tiệm Việt bị đập phá trong cuộc bạo động ở Minnesota

MINNEAPOLIS, Minnesota – Một số cửa tiệm thuộc khu cộng đồng người Việt ở St. Paul, thủ phủ tiểu bang Minnesota, bị ảnh hưởng từ cuộc biểu tình dữ dội tại thành phố Minneapolis. Nguyên nhân bùng nổ bắt đầu từ cái chết của ông George Floyd, 46 tuổi, một người Mỹ gốc Phi Châu bị chết sau khi một cảnh sát viên da trắng dùng đầu gối chẹn cổ trên mặt đường kéo dài gần năm phút.

Sau cái chết của ông Floyd hôm 25 Tháng Năm, sự phẫn nộ của nhóm người đa sắc tộc ở Minneapolis kéo dài đến Thứ Sáu, 29 Tháng Năm, chưa chấm dứt. Cựu cảnh sát viên Derek Chauvin bị bắt và bị truy tố tội sát nhân cấp độ ba cùng tội ngộ sát, cũng là lúc Sở Cảnh Sát Minneapolis bị phóng hỏa, rất nhiều cửa hiệu, khu mua sắm, siêu thị đã bị đập phá, trộm cướp.

Cửa tiệm Subway của chị Nga Trần bị cướp tiền. (Hình: Nga Trần cung cấp)

Ngổn ngang

Chị Nga Trần, chủ cửa tiệm Subway trong khu mua sắm Walmart ở thành phố St. Paul, kể lại với nhật báo Người Việt: “Chiều Thứ Năm, 28 Tháng Năm, toàn bộ các cửa hàng, khu mua sắm ở St. Paul đều đóng cửa lúc 2 giờ vì sợ ảnh hưởng của các cuộc bạo động. Khi tôi vừa đóng cửa tiệm thì Walmart thông báo vẫn có thể tiếp tục hoạt động nên tôi lại mở đèn lên và đón khách. Bất chợt một thanh niên da đen chạy đến trước quầy, vơ lấy phần tiền ‘tip’ trong hộp. Tôi la lên không được lấy tiền ‘tip’ của tôi. Anh ta không những không ngừng lại mà còn nói ‘tôi sẽ cướp nguyên chỗ này luôn.’ Trước khi đi, anh ta còn ráng với lấy bịch chip trên quầy.”

Ông Thiện Đỗ, cư dân St. Paul, đã thực hiện một live stream vào sáng Thứ Sáu tại khu vực có nhà hàng Thien’s Cajun Boiling Seafood do ông làm chủ. Hình ảnh cho thấy những cửa tiệm ở đây nếu không bị cháy đen thì cũng bị đập phá và bị lấy đi toàn bộ đồ đạc bên trong. Tiệm rượu bị đốt cháy; cửa hàng Family Dollar bị đập nát; cửa kính chính của tiệm Perking Garden nát vụn; tiệm T-Mobile thì không còn một chiếc điện thoại nào bên trong. Theo lời ông Thiện nói trong video: “Rất may mắn tiệm mình không bị gì cả.” Ông cho biết “trong hôm nay sẽ đi mua đồ về để che chắn cửa tiệm.”

Nhà hàng Lotus của ông Dung Nguyen ở Brooklyn Park cũng bị đập phá cửa kính vào đêm 28 Tháng Năm. Hình ảnh đưa lên trang Facebook của nhà hàng cho thấy cửa kính nát vụn, bàn ghế bên trong nhà hàng bị xô ngã ngổn ngang.

Siêu thị Châu Á Sun Food ở St. Paul bị đập phá. (Hình: Christopher Ryan O’neal Hayes cung cấp)

Siêu thị Châu Á Sun Food ở St. Paul cũng trong tình trạng tương tự. Ông Christopher Ryan O’neal Hayes, một người Mỹ gốc Phi, cựu quân nhân ở chiến trường Iraq, hiện đang làm việc cho Trung Tâm Y Tế Minneapolis, thành phố Cottage Grove, nói với nhật báo Người Việt: “Khi tôi bước vào siêu thị Sun Food thì rất nhiều cảnh sát đã được gọi đến đó. Đồ đạc, hàng hóa trong siêu thị rất bừa bộn. Những người gây bạo loạn thì đã rời đi.”

Ông Hayes cho chúng tôi xem đoạn video ông quay được phía bên trong siêu thị Sun Food, nơi ông và gia đình vẫn thường đến mua sắm. Cửa kính bị đập nát. Hàng hóa bên trong vương vãi khắp mặt đất, cho thấy rõ nơi này đã xảy ra một trận đập phát rất nặng nề.

Theo lời kể của chị Nga Trần, nhiều tiệm nail ở tiểu bang này đang háo hức để được mở cửa đón khách vào ngày 1 Tháng Sáu tới đây. Thế nhưng, những cuộc biểu tình bạo động ba ngày qua đã làm cho một số tiệm sẽ không mở cửa được.

“Tiệm TJ Nail bị đập phá nát hết. Đường dây điện thoại, máy tính tiền, bàn ghế, vật dụng gì cũng bị đập hết,” chị Nga nói.

Đập phá không phải là đòi công lý

Theo nhận định của chị Nga Trần, ý nghĩa thật sự của cuộc biểu tình là “đòi công lý cho George” chỉ diễn ra ở ngày thứ nhất.

“Hai ngày sau đó thì ‘went wrong’ (nó đã đi sai hướng). Những ngày sau là hôi của. Họ làm như vậy là xấu cho gia đình người đã chết,” chị Nga nói.

Christopher Ryan O’neal Hayes (trái), một người Mỹ gốc Phi, cựu quân nhân ở chiến trường Iraq, hiện đang làm việc cho Trung Tâm Y Tế Minneapolis, thành phố Cottage Grove. (Hình: Christopher Ryan O’neal Hayes cung cấp)

Với ông Hayes, cảm giác đầu tiên của ông là rất tức giận. Tức giận cho nạn nhân George Floyd, người cùng sắc tộc với ông.

“Tôi đã rất tức giận vì điều này đã xảy ra một lần nữa với một người (giống tôi). Tôi đã rất đau đớn khi chứng kiến người đàn ông đó phải chết khi đã cố gắng kêu cứu. Tôi không nghĩ rằng việc phá hủy tài sản là cách làm đúng đắn, nhưng tôi hiểu rằng đó là những đứa trẻ 17-23 tuổi, độ tuổi đang học trung học hoặc đang học đại học. Chúng chán nản với những gì đã xảy ra và đó (hành động đập phá) là kết quả,” ông Hayes nói.

Mặt khác, ông Hayes cũng hiểu rõ cảm nhận của những chủ cửa tiệm bị đập phá như thế nào, và quan trọng ông nói mình hiểu rõ tâm lý của những người thực hiện sự chống phá đó.

“Tôi chỉ không thể hình dung những đứa trẻ đó có thể phóng hỏa đốt cháy một đồn cảnh sát. Chúng nó đáng bị khiển trách. Tôi hiểu hành động đó không đơn giản là sự tức giận. Nó chỉ được biểu lộ như là sự tức giận. Sự thật là nó đến từ sự tổn thương. Nó đến từ sự sợ hãi. Nó đến từ việc bị từ bỏ. Và những đứa trẻ này đã sống qua điều này kể từ khi Trayvon Martin bị sát hại vào năm 2012. Những đứa trẻ này bị chấn thương. Những đứa trẻ này không biết làm thế nào cho đúng,” ông nhớ lại.

Trayvon Martin, 17 tuổi, bị bắn chết năm 2012 ở Florida bằng súng lục khi trong tay không có vũ khí tự vệ. Người bắn Martin không bị bắt vì ông ta nói đây là hành động tự vệ trong lúc tình nguyện đi tuần tra trong xóm.

Ông Christopher Ryan O’neal Hayes nhấn mạnh: “Tôi biết rằng người da đen trên toàn thế giới không may mắn đã chịu một cái nhìn tiêu cực. Tôi hy vọng điều đó sẽ thay đổi. Tôi hy vọng rằng tôi có thể là một đại diện tích cực về việc đại đa số chúng ta như thế nào. Không phải tất cả chúng tôi là những kẻ côn đồ, tội phạm hoặc người sử dụng ma túy. Chúng tôi rất giống những người khác. Chúng tôi chỉ đang đào tìm và chụp lấy (cơ hội) để có một mảnh nhỏ trong giấc mơ Mỹ.” (N/V)