Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Tòa Bạch Ốc: TQ phản đối cuộc điều tra về nguồn gốc COVID-19 là ‘vô trách nhiệm’

Hôm 22/07, Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki nói rằng hành động mới đây của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) từ chối cuộc điều tra thứ hai về nguồn gốc của COVID-19 là “nguy hiểm” và kêu gọi nhà cầm quyền này cho phép các nhà điều tra [làm việc] bên trong nước này mà không có bất kỳ sự can thiệp nào.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã trình bày một kế hoạch cách đây vài ngày để kiểm tra các phòng thí nghiệm và khu chợ thực phẩm tươi sống ở Vũ Hán, nơi virus Trung Cộng được cho là đã bắt nguồn từ cuối năm 2019. Kế hoạch đó sẽ bao gồm việc thu thập dữ liệu thô về sự khởi đầu của đại dịch từ Trung Quốc, điều mà nhà cầm quyền nước này hiện vẫn chưa chia sẻ với các quan chức bên ngoài, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Giám đốc WHO, cho hay.

Nhưng Thứ trưởng Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, ông Tăng Ích Tân (Zeng Yixin), đã từ chối đề xướng này của WHO hôm 22/07 và tuyên bố rằng đề xướng này “không tôn trọng kiến thức thường thức và vi phạm về khoa học,” lưu ý thêm rằng Bắc Kinh “không thể chấp nhận kiểu kế hoạch này để truy tìm nguồn gốc.”

Khi được hỏi về nhận xét của các quan chức Trung Cộng trong một cuộc họp ngắn, bà Psaki cho biết Hoa Kỳ ủng hộ đề xướng của WHO thực hiện giai đoạn hai của cuộc điều tra về nguồn gốc của virus. Bà lưu ý rằng cuộc điều tra thứ hai phải minh bạch và độc lập khỏi mọi sự can thiệp.

Bà Psaki nói: “Chúng ta chắc hẳn đã thấy các bình luận của [Trung Cộng] bác bỏ giai đoạn hai nghiên cứu của WHO. Chúng tôi vô cùng thất vọng. Lập trường của họ là vô trách nhiệm, và nói thẳng ra, là nguy hiểm. Đây không phải là lúc để làm thinh.”

cuộc điều tra về nguồn gốc COVID
Ảnh chụp từ trên cao phòng thí nghiệm P4 (ở giữa) trong khuôn viên của Viện Virus học Vũ Hán ở Vũ Hán, Trung Quốc, vào ngày 27/05/2020. (Hình AFP/Getty)

Các quan chức Trung Cộng từ lâu đã khẳng định rằng virus Trung Cộng đã được truyền từ dơi sang một động vật trung gian chưa được xác định và sau đó là sang người. Họ đã dứt khoát bác bỏ giả thuyết rằng mầm bệnh đã thoát khỏi từ một phòng thí nghiệm virus học cao cấp nhất ở Vũ Hán, tâm chấn của đại dịch.

Các nhà phê bình nói rằng một cuộc điều tra trước đó do WHO hậu thuẫn vào tháng 01/2021 đã bị hủy hoại bởi sự thiếu minh bạch từ phía các quan chức Trung Cộng, họ đã không cung cấp cho các nhà điều tra một số dữ liệu thô nhất định cũng như hồ sơ về phòng thí nghiệm Vũ Hán. Hơn một chục quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, Úc và Anh Quốc, sau đó đã dấy lên những lo ngại về độ tin cậy của cuộc điều tra của WHO và viện dẫn tình trạng không có khả năng tiếp cận “các mẫu và dữ liệu gốc, đầy đủ” ở Trung Quốc.

Một số nhà khoa học đã đặt nghi vấn về độ tin cậy của nghiên cứu và cáo buộc Trung Cộng đã can thiệp vào công việc của các nhà nghiên cứu. Sau cùng, báo cáo của WHO đã tập trung vào giả thuyết [virus] lây truyền từ động vật sang người và hầu hết hạ thấp giả thuyết về phòng thí nghiệm Vũ Hán.

Giả thuyết về phòng thí nghiệm Vũ Hán còn trở thành một chủ đề gây tranh cãi trong cuộc bầu cử năm 2020. Một số bài đăng của các hãng thông tấn, bao gồm cả The Epoch Times, đã bị Facebook gắn cờ vì chứa các tình tiết về vụ rò rỉ phòng thí nghiệm tiềm ẩn, gây ra lo ngại rằng chế độ Trung Cộng có thể nhúng tay vào việc kiểm duyệt thông tin tại các quốc gia khác về nguồn gốc của virus Trung Cộng.

Tuy nhiên hồi tháng 05/2021, tuyên bố về rò rỉ phòng thí nghiệm đã thu hút sự chú ý sau khi Tổng thống Joe Biden thông báo một số lượng đáng kể các quan chức Cộng đồng Tình báo Hoa Kỳ cho rằng virus đã rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán và yêu cầu họ gửi báo cáo cho ông trong vòng 90 ngày.

Vào tháng 01/2021, một tờ thông tin do chính phủ TT Trump sắp mãn nhiệm công bố đã đặt nghi vấn về các hoạt động đang được tiến hành tại Viện Virus học Vũ Hán (WIV). Tài liệu này cho biết các khoa học gia của WIV đã bắt đầu tiến hành các thí nghiệm liên quan đến RaTG13, được xác định là có điểm tương đồng về di truyền gần nhất với virus COVID-19, từ đầu năm 2016. Tờ thông tin cho biết phòng thí nghiệm này cũng đang tiến hành nghiên cứu “tăng cường chức năng,” tức là tạo ra virus nhân tạo bằng cách thêm các khả năng mới hoặc nâng cao.

Kể từ đó, đã xuất hiện các báo cáo nói rằng nhân viên WIV đã bị ốm với các triệu chứng giống COVID-19 trước khi sự bùng phát được tiết lộ.

Đầu tuần này, một số chuyên gia đã nói với một diễn đàn quốc hội do Đảng Cộng Hòa bảo trợ rằng virus “có khả năng bắt nguồn” từ WIV. (ETV)