Chúng ta đang hướng đến một nền kinh tế không tiền mặt sau Coronavirus?
Nếu bạn cảm thấy rằng tiền mặt đang dần dần biến mất trong các giao dịch hàng ngày, ngay cả trước khi đại dịch Coronavirus, bạn đã đúng đấy.
Những điểm chính:
*Tiền mặt đôi khi được yêu cầu sử dụng trong các trường hợp tài chánh, một trong những hình thức bạo hành gia đình, với “thủ phạm” là người kiểm soát tài chánh gia đình.
*Người vô gia cư bị thiệt thòi bởi một xã hội không tiền mặt, vì gặp vấn đề trong việc “kết nối” hệ thống (connectivity)
*Nghiên cứu gần đây cho thấy có đến 92% người cao niên sử dụng internet, với 57% sử dụng hệ thống ngân hàng trên mạng.
Theo Khảo sát thanh toán tiêu thụ năm 2019 của Ngân hàng Trữ Kim Liên bang, người Úc ngày càng thích sử dụng các phương thức thanh toán trả tiền bằng điện tử- với 27% tất cả các khoản trả tiền bằng tiền mặt, so với 37% vào năm 2016 và 69% vào năm 2007.
Chỉ sau vài ngày đại dịch Coronavirus diễn ra, tiền mặt bỗng nhiên trở thành loại tiền tệ “không thể chấp nhận được” trong một số ít doanh nghiệp vẫn được mở cửa, dưới các hạn chế “cách ly xã hội” mới được thành lập.
Vì vậy, sự suy giảm tiền mặt có ý nghĩa gì đối với những người dựa vào đồng tiền- những em được cha mẹ cho tiền tiêu vặt, cho đến những thành viên dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng, chẳng hạn như người lớn tuổi, người vô gia cư và người chạy trốn bạo hành gia đình?
TIỀN MẶT CẦN THIẾT CHO SỰ “SỐNG CÒN”
Trong nhiều trường hợp, tiền mặt là một phương tiện để “sống còn”, đặc biệt là những “nạn nhân” của bạo hành gia đình.
Lạm dụng tài chánh là một trong những hình thức bạo hành gia đình phổ biến nhất.
“Thủ phạm” kiểm soát tài chánh gia đình, có thể khiến cho “nạn nhân” khó rời khỏi và tìm nơi “ẩn nấu” bằng cách giới hạn quyền sử dụng tài khoản, thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng, hoặc là chỉ cung cấp một khoản tiền mặt hàng tuần để mua sắm và chi phí.
Giám đốc của Bendigo’s Center For Non-Violence, bà Margaret Augerinos nói: “Hầu hết những người phụ nữ cần chúng tôi giúp đỡ, cho biết rằng họ thực sự có rất ít ‘tài nguyên’ (tiền bạc) và anh ta kiểm soát mọi thứ. Bất động sản và những tài sản khác đều dưới tên anh ấy hoặc do anh ta kiểm soát cả”.
“Họ không có quyền dùng thẻ tín dụng hay thẻ ngân hàng, hoặc bất cứ cơ hội nào để dùng rút tiền, vì vậy đó là một câu chuyện rất phổ biến”.
Tuy nhiên, bà Augerinnos cho biết rằng các khoản trả tiền thiết yếu và hỗ trợ tài chánh cho các nạn nhân của bạo hành gia đình đều phải sử dụng các giao dịch điện tử. Vì thế, việc thiết lập tài khoản mới và lập kế hoạch tài chánh là những gì mà các dịch vụ trợ giúp nạn bạo lực gia đình sẽ giúp đỡ cho các nạn nhân.
KHÓ TIẾP CẬN “THẾ GIỚI KỸ THUẬT SỐ”
Một nhóm người dễ bị tổn thương khác bị thiệt thòi bởi một xã hội không tiền mặt là những người vô gia cư.
Một số người vô gia cư đã cầu xin chính phủ gia tăng các khoản trợ cấp hỗ trợ được nhận bằng kỹ thuật số thông qua các tài khoản trực tuyến (online).
Theo Giám đốc điều hành Dịch vụ hỗ trợ người vô gia cư và thu nhập thấp Haven Home Safe, Trudi Ray cho biết rằng, khả năng tiếp cận với “thế giới kỹ thuật số” của người vô gia cư có thể gặp nhiều khó khăn…
Bà nói: “Những gì chúng ta thấy, là họ có vấn đề về “nối kết” hệ thống (connectivity), với khả năng truy cập internet, và sau đó là vấn đề tiền bạc. Đó chắc chắn là những quan tâm”.
Với nhiều tổ chức địa phương hỗ trợ những người vô gia cư để truy cập hệ thống kỹ thuật số (truy cập vào internet), nay bị “đóng cửa” vì đại dịch Coronavirus nên đó cũng là những ảnh hưởng lớn.
Bà Ray nói: “Chúng tôi đảm bảo rằng chúng tôi biết được các điểm wi-fi miễn phí ở đâu quanh thành phố và chúng tôi có thể đưa họ đến những địa điểm đó, nếu mà họ hết data”.
“Chúng tôi cũng đã nói chuyện với Telstra về một số những lựa chọn để giúp đỡ họ, và chúng tôi cũng cung cấp thẻ có tín dụng để bảo đảm nhu cầu công nghệ của họ được hỗ trợ”.
LÀN SÓNG THỨ HAI của NGƯỜI CAO NIÊN LÊN MẠNG
Đã có sự gia tăng kể trong việc sử dụng kỹ thuật số của những người Úc lớn tuổi, điều đó cũng có nghĩa là việc chuyển đổi từ tiền mặt sang thẻ và sang ngân hàng trực tuyến trong đại dịch đã tạo ra ít ảnh hưởng hơn.
Nghiên cứu gần đây của Đại học RMIT cho thấy 92% người cao niên sử dụng internet, với 77% sử dụng intenet để tìm kiếm thông tin và 57% sử dụng hệ thống ngân hàng trên mạng.
Cuộc sống dưới thời đại dịch, có nghĩa là việc sử dụng internet giữa những người cao niên đã tăng lên, bao gồm các phương tiện và ứng dụng xã hội, chẳng hạn như Zoom, Microsoft Teams và Skype.
Trước đây những ứng dụng này được xem như là “hàng rào cản” thì nay không còn nữa.
Tiến sĩ Torgeir Aleti từ trường Đại học RMIT, cho biết: “Trước đây, người cao niên thường nói: Tôi không thoải mái, tôi không có kỹ năng, tôi không biết làm thế nào… Nhưng nay, với tất cả mọi thứ trong tầm tay, chúng ta thấy được rằng người cao niên có thể vượt qua những ‘hàng rào cản” ấy…”.
Tiến sĩ Aleti cũng nghĩ rằng, chúng ta đang nhìn làn sóng thứ hai của người cao niên lên mạng và tham gia vào một số các “hoạt động”.
“THỜI GIAN KHÓ KHĂN CHO NÀNG TIÊN RĂNG”
Kiếm tiền tiêu vặt từ những việc làm lặt vặt quanh nhà và mất một/ hai chiếc răng là những nghi thức “kiếm tiền” của trẻ em.
Thế nhưng chi tiêu tài sản nhỏ bé ấy của các em đã trở nên khó khăn hơn một chút.
Giáo sư Julie Green, Giám đốc điều hành Tổ chức nuôi dạy con cái trên trực tuyến Raising Children, cho biết: “Với nhiều gia đình dành nhiều thời gian ở nhà, cha mẹ có thể sử dụng tiền tiêu vặt để thúc đẩy các em làm những công việc quanh nhà”.
“Thế nhưng, trong tình hình hiện nay, với nhiều cửa hàng không muốn dùng tiền mặt, cha mẹ có thể dùng tiền tokens hay là tiền giấy”.
“Và những thứ này sau đó sẽ được đổi thành mục tiêu tiết kiệm của các em”.
“Đó là thời gian khó khăn cho nàng tiên răng, vì đồng tiền (coins) đã không được chấp nhận rộng rãi ở thời điểm này”.
Giáo sư Green cũng đề nghị cha mẹ có thể xem xét đến một món quà nhỏ cho các em, thay vì đồng tiền, khi các em mất răng”. (NQ)