Vắc-xin Covid: Nhiều hãng bào chế phản đối việc ‘đình chỉ bản quyền bằng sáng chế’
Từ nhiều tháng nay, trước tình trạng đông đảo dân cư tại các nước nghèo gần như không có điều kiện tiếp cận với vắc-xin chống Covid-19, phong trào kêu gọi đình chỉ tạm thời bản quyền vắc-xin, để mở đường cho việc sản xuất quy mô lớn, ngày càng thu hút nhiều tiếng nói ủng hộ. Tuy nhiên, phía phản bác cũng lên tiếng mạnh mẽ không kém.
Hôm 26/04/2021, nhiều hãng bào chế tiếp tục phản đối chủ trương này, bác bỏ khả năng là việc đình chỉ bảo hộ bản quyền vắc-xin sẽ tạo điều kiện cho việc gia tăng sản xuất vắc-xin, cung cấp đủ số lượng cho các nước nghèo, giúp kháng cự lại dịch bệnh.
Ngày 26/04 hàng năm là ngày Thế giới về Bản quyền. Trả lời thông tín viên RFI Jérémie Lanche tại Genève, tổng giám đốc hãng dược Moderna, Stéphane Bancel, khẳng định: « Hiện nay, ê kíp của chúng tôi làm việc 7 ngày trên 7 ngày, để chuyển giao công nghệ cho các đối tác. Nếu như tôi buộc phải phó thác thêm cho họ nhiệm vụ chuyển giao công nghệ bổ sung, chúng tôi sẽ không có đủ năng lực sản xuất một tỉ liều dự kiến cấp trong năm nay ».
Vẫn theo tổng giám đốc Moderna, việc đình chỉ tạm thời bản quyền vắc-xin, nếu diễn ra, cũng sẽ không có tác dụng trực tiếp nào đối với số lượng vắc-xin sản xuất trong năm nay 2021, mà sẽ chỉ có tác dụng vào năm tới 2022, nhưng sản lượng năm nay sẽ bị ảnh hưởng. Tóm lại, đối với nhiều hãng bào chế vắc-xin, đình chỉ bản quyền vắc-xin, hoặc cưỡng bức chuyển giao công nghệ sẽ không giúp gì vào việc gia tăng sản lượng, mà thậm chí có thể có tác dụng ngược.
Còn theo ông Thomas Cueni, chủ tịch Liên đoàn Quốc tế Công nghiệp Dược phẩm (IFPMA), được AFP trích dẫn, tổng cộng 275 thỏa thuận sản xuất đã được đúc kết giữa các hãng bào chế, và đôi khi là giữa các đối thủ, để hướng đến mục tiêu sản xuất khoảng 10 tỉ liều vắc-xin trước cuối năm 2021.
Chủ tịch Liên đoàn Quốc tế Công nghiệp Dược phẩm nhấn mạnh là nguyên nhân khiến khó nâng sản lượng vắc-xin lên không phải là do vấn đề bản quyền, mà là do các hàng rào thuế quan hay việc cạn kiệt một số thành phần, nguyên liệu, hay phương tiện, khiến tiến trình sản xuất bị chậm lại. Hơn một trăm thành phần cần cho sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 hiện đang rất bị thiếu.
Ngược lại, những người ủng hộ đình chỉ tạm thời bản quyền về vắc-xin cho rằng quyết định này mang lại một cơ hội rất quan trọng cho việc thúc đẩy sản xuất vắc-xin. Hôm 23/06, tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa một lần nữa nhắc lại là vắc-xin cần được coi là « tài sản chung » của nhân loại.
Từ nửa năm nay, Nam Phi và Ấn Độ đi đầu trong nhóm các nước yêu cầu đình chỉ tạm thời bản quyền vắc-xin ngừa Covid-19, để thu hẹp tình trạng hết sức bất công trên thế giới hiện nay, khi nhiều nước giàu dư thừa vắc-xin để tiêm chủng cho đại đa số dân chúng, còn đông đảo nước nghèo gần như không có gì. Cho đến nay, sáng kiến do Nam Phi và Ấn Độ chủ trì đã nhận được sự ủng hộ của khoảng 100 quốc gia.
Ngày 15/04, khoảng 170 nhân vật nổi tiếng, bao gồm nhiều giải Nobel và cựu nguyên thủ nhiều nước, đã gửi một bức thư ngỏ đến tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, để kêu gọi nguyên thủ Mỹ tham gia vào sáng kiến đình chỉ tạm thời bản quyền vắc-xin ngừa Covid-19.
Những người ký tên vào thư ngỏ cho biết đã nhận được một số thông tin về việc chính phủ Mỹ đang xem xét việc « đình chỉ tạm thời bản quyền (vắc-xin Covid-19) của Tổ chức Thương mại Thế giới trong thời gian đại dịch, theo đề xuất của Nam Phi và Ấn Độ ». Thư ngỏ hoan nghênh nỗ lực này, và nhấn mạnh : « việc đình chỉ này là một bước đi quan trọng và cần thiết để chấm dứt đại dịch ». Ngày 09/06/2021, Tổ chức Thương mại Thế giới sẽ có phiên họp toàn thể. Đây sẽ là dịp vấn đề đình chỉ bản quyền vắc-xin một lần nữa được nêu ra. (RFI)