Trước Thai Airways, những hãng hàng không nào nộp đơn xin phá sản vì COVID-19?
Không chỉ Thai Airways, nhiều hãng hàng không khác vì làm ăn thua lỗ, cùng với ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 cũng phải nộp đơn xin phá sản.
Hãng hàng không quốc gia đầu tiên nguy cơ phá sản
Theo thông tin mới đây trên Bangkokpost, việc Thai Airways International nộp đơn bảo hộ phá sản đang được đưa ra như một giải pháp để xem xét, nhằm tái gây dựng hãng hàng không quốc gia Thái Lan.
Bộ trưởng Tài chính Thái Lan, ông Uttama Savanayana, cho biết, cho Thai Airways phá sản là một quyết định nhạy cảm vì đây là hãng hàng không quốc gia. Theo ông Uttama, Chính phủ sẽ chọn giải pháp tốt nhất cho Thai Airways cũng như các bên liên quan. Tuy nhiên, ông không đưa ra thời điểm cụ thể phán quyết trên sẽ được thực hiện.
Như vậy, Thai Airways đang trước khả năng trở thành hãng hàng không quốc gia đầu tiên phá sản sau khi chịu ảnh hưởng bởi COVID-19. Tuy nhiên, đây không phải hãng hàng không duy nhất gặp hạn do đại dịch.
Hãng hàng không lớn thứ hai Mỹ Latinh phá sản
Ngày 10/5, Hãng hàng không lớn thứ hai thế giới tại Mỹ Latinh, Avianca Holdings, cũng nộp đơn xin phá sản sau khi không đáp ứng được thời hạn thanh toán trái phiếu, trong khi đề nghị trợ cấp gửi đến chính phủ Colombia không được hồi đáp.
Công ty cho biết, dịch COVID-19 khiến hãng phải ngừng bay kể từ tháng 3, doanh thu sụt giảm 80%, hơn 100 máy bay của buộc phải “đắp chiếu”, hầu hết 20.000 nhân viên của hãng nghỉ không lương.
Theo CEO của hãng – Anko Van De Werff, Avianca đang đối mặt với một việc không ngờ tới trong lịch sử 100 năm của mình.
Avianca Holdings (trụ sở tại Bogota, Colombia) sở hữu đội bay gồm 173 máy bay, Avianca phục vụ hơn 100 điểm đến ở Mỹ và châu Âu, kết nối tới hơn 750 điểm đến trên toàn thế giới thông qua thỏa thuận liên danh với các hãng hàng không đối tác.
Nếu công ty không thể phục hồi sau khi nộp đơn xin bảo hộ phá sản, Avianca sẽ là hãng hàng không lớn đầu tiên ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Hãng bay châu Á đầu tiên phá sản vì COVID-19
Theo SCMP, ngày 21/4, Virgin Australia trở thành hãng hàng không lớn nhất sụp đổ do COVID-19, khi quyền kiểm soát được trao cho công ty kiểm toán Deloitte. Virgin Australia cũng là hãng hàng không đầu tiên tại khu vực châu Á sụp đổ trước ảnh hưởng của dịch bệnh này.
Virgin Australia là hãng hàng không giá rẻ của Australia, cũng là hãng hàng không lớn thứ 2 tại nước này. Hãng được thành lập bởi doanh nhân người Anh Richard Branson, người sáng lập Tập đoàn Virgin.
Thời điểm cuối năm 2019, Virgin Australia gánh khoản nợ hơn 5 tỷ AUD (3,2 tỷ USD). Tập đoàn đã yêu cầu Chính phủ Australia hỗ trợ khoản vay trị giá 1,4 tỷ AUD để có thể vượt qua khủng hoảng, tuy nhiên không được đáp ứng.
Do tác động của dịch COVID-19, hãng hàng không của tỷ phú Richard Branson phải tạm dừng hầu hết các hoạt động với 95% chuyến bay bị cắt giảm và 80% lực lượng lao động trong số 16.000 nhân viên tạm thời nghỉ việc. Suốt 2 tháng đến khi phá sản, hãng hàng không Virgin Australia mất sạch doanh thu.
Trước Virgin Australia, hãng hàng không khu vực Flybe của Anh tuyên bố phá sản, trở thành nạn nhân đầu tiên trước sự giảm sút nhu cầu đi lại bằng đường hàng không.
Hãng hàng không giá rẻ của Na Uy Air Shuttle cũng dừng hoạt động toàn bộ máy bay đồng thời nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở Đan Mạch và Thụy Điển vì không đủ khả năng trả lương nhân viên. Ba hãng bay lớn nhất Mỹ gồm United Airlines, American Airlines và Delta Air Lines cũng đang rơi vào tình thế ngặt nghèo.
Đại dịch COVID-19 khiến hàng không thế giới lâm vào cuộc khủng hoàng chưa từng có trong lịch sử. Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), các hãng hàng không toàn cầu có thể thiệt hại tới 314 tỷ USD tiền bán vé trong năm 2020 do các lệnh giãn cách xã hội và phong tỏa của các nước. IATA cũng dự báo 50% hãng bay trên thế giới sẽ phá sản trong 2-3 tháng nữa nếu chính phủ các nước không can thiệp kịp thời. (VTC)