Saturday, November 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

3 ngày, hơn 4,000 người đòi công lý cho Hồ Duy Hải

SÀI GÒN, Việt Nam – Chỉ trong ba ngày, đã có 4,050 người khắp nơi ký kiến nghị thúc giục mọi người hành động khẩn cấp để cứu mạng tử tù Hồ Duy Hải mà người ta tin rằng anh ta bị kết án oan sai.

Thư kêu gọi mọi người ký tên qua mạng kiến nghị thư https://tinyurl.com/petitionhoduyhai để gửi cho từ những người đứng đầu CSVN, các tổ chức nhân quyền quốc tế, các tòa đại sứ yêu cầu can thiệp. Bản án oan sai đang treo trên đầu một thanh niên, qua một vụ giết người xảy ra tại trụ sở Bưu Điện Cầu Voi, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh tỉnh Long An buổi tối ngày 13 Tháng Giêng, 2008.

Bức thư kiến nghị nói trên, bắt đầu công bố từ buổi tối ngày 14 Tháng Năm, 2020, với 75 người ban đầu, trong và ngoài nước Việt Nam ký tên, nay vẫn còn đang tiếp tục được kêu gọi ký tên.

Hồ Duy Hải bị kết án tử hình ngay năm 2008, kháng án, bị tòa phúc thẩm y án năm 2009 rồi năm 2011 thì “Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao” mà ông Nguyễn Hòa Bình là viện trưởng quyết định “không kháng nghị bản án.” Bởi vây, năm 2012, Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang bác đơn xin ân xá của Hồ Duy Hải.

Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ tử tù Hồ Duy Hải, bật khóc khi biết quyết định của Hội Đồng Thẩm Phán Tòa Án Nhân Dân Tối Cao vào chiều 8 Tháng Năm, 2020. (Hình: Quỳnh An/Dân Việt)

Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ Hồ Duy Hải, kiên trì đi khắp nơi mang đơn kêu oan cho con trai. Con bà bị tra tấn khủng khiếp quá nên phải phục tùng theo lệnh của các điều tra viên để nhận tội giết người mà anh ta không hề phạm. Nhờ vậy khi bị đưa ra tòa kết án, anh Hải còn sống để phản cung.

Trước sự phản đối mạnh mẽ của dư luận trong nước và quốc tế cũng như Quốc Hội, năm 2014, Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang ra lệnh tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải.

Bức thư kiến nghị bằng song ngữ Anh-Việt viết: “Quá trình điều tra và xét xử vụ án đã đặt ra nhiều nghi vấn và gây quan ngại sâu sắc trong cộng đồng người Việt trong và ngoài nước. Kể từ năm 2008 đến nay, đã có rất nhiều kiến nghị được gửi tới các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đề nghị xem xét lại vụ án này.”

“Cao ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, tổ chức Thế Giới Chống Tra Tấn, Ân Xá Quốc Tế, Liên Minh Châu Âu cùng nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền khác đã tiến hành điều tra, công bố các báo cáo độc lập về vụ án và gửi thư tới chủ tịch nước, chính phủ, quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đề nghị ngừng thi hành án đối với Hồ Duy Hải để xem xét lại, áp dụng các nguyên tắc điều tra chuẩn mực và đặc biệt là tôn trọng quyền được suy đoán vô tội của bị cáo trong thủ tục tố tụng,” bức thư cho hay.

Tuy nhiên, ở cấp trên cùng trong hệ thống tư pháp CSVN, ngày 8 Tháng Năm, 2020, Hội Đồng Thẩm Phán Tòa Án Nhân Dân Tối Cao – đứng đầu là Chánh Án Nguyễn Hòa Bình – xét xử “giám đốc thẩm” vụ án, lại vẫn tuyên bố Hồ Duy Hải là thủ phạm.

Một trong những cái bất bình thường được kiến nghị thư nêu ra là ông Nguyễn Hòa Bình từng là người phụ trách cấp cao của Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra và sau đó, trên cương vị viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao đã ra quyết định không kháng nghị vụ án vào năm 2011. Nay ông Bình lại là người đứng đầu ngồi “giám đốc thẩm.”

Chẳng lẽ ông “thẩm phán tối cao” Nguyễn Hòa Bình “giám đốc thẩm” lại nói ngược lại ông Nguyễn Hòa Bình “viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao?” Chính vì vậy, Hội Đồng Thẩm Phán mới kết luận “Quá trình điều tra, xét xử có thiếu sót nhưng việc này không làm thay đổi bản chất vụ án. Do vậy không cần thiết phải hủy các bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại theo kháng nghị ‘giám đốc thẩm’ của viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao.”

Bức kiến nghị thư nói rằng các thông tin chính thức về vụ án đã được công bố, thấy có rất nhiều điểm sai phạm, thiếu minh bạch trong quá trình điều tra và xét xử, cho thấy những quyền con người cơ bản của Hồ Duy Hải đã không được tôn trọng, vi phạm các chuẩn mực quốc tế đã đành, mà còn “đặc biệt là vi phạm nghiêm trọng ngay cả Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2015 của Việt Nam.”

Vì vậy, những người ký kiến nghị thư kêu gọi dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải, kêu gọi Quốc Hội CSVN “thành lập Ủy Ban Giám Sát Vụ Án để đánh giá lại tính khách quan và chính xác của phiên ‘giám đốc thẩm.’ Nếu phát hiện sai sót nghiêm trọng, Quốc Hội tiến hành bãi nhiệm chánh án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao và các thành viên Hội Đồng Thẩm Phán, bầu chánh án và phê chuẩn các thẩm phán mới.”

Đồng thời “Hội Đồng Thẩm Phán Tòa Án Nhân Dân Tối Cao (mới) mở phiên họp xem xét lại quyết định ‘giám đốc thẩm’ của Hội Đồng Thẩm Phán đối với vụ án Hồ Duy Hải ngày 8 Tháng Năm, 2020, qua đó chấp nhận quyết định kháng nghị của viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao, hủy các bản án kết án tử hình Hồ Duy Hải để tiến hành điều tra và xét xử lại vụ án.”

Những người ký kiến nghị kêu gọi các tổ chức bảo vệ nhân quyền, Bộ Ngoại Giao các nước đã ký các hiệp ước dựa trên cơ sở tôn trọng các quyền con người phổ quát đang hợp tác với Việt Nam có những động thái can thiệp cần thiết để sự hợp tác mang đầy đủ ý nghĩa mà nó phải có.

Bởi vì “Thực hiện những điều này, quý vị không chỉ cứu mạng sống của một con người mà còn góp phần bảo vệ công lý và củng cố niềm tin vào pháp luật của người dân Việt Nam,” bức thư nêu. (TN) (N/V)