Cơn sốt giá bất động sản trên toàn thế giới bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19
Thời gian qua, giá bất động sản tại hàng loạt quốc gia tăng vọt. Canada vượt xa các nước khác về tốc độ tăng giá nhà, trong khi Trung Quốc đau đầu tìm cách hạ nhiệt thị trường.
Theo The Economist, tuy ít được chú ý hơn thị trường chứng khoán và tiền mã hóa, bất động sản cũng là một thị trường không kém phần nổi bật trong hơn một năm qua. Nhiều quốc gia giàu có đang chứng kiến giá nhà ở tăng vọt bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Giống với thị trường chứng khoán, giá nhà được hỗ trợ bởi các chính sách nới lỏng tiền tệ của chính phủ nhiều quốc gia. Cùng với đó, lãi suất lao dốc cũng khiến việc đầu tư địa ốc trở nên hấp dẫn hơn vì lợi nhuận từ các tài sản rủi ro sụt giảm.
Bên cạnh đó là các chính sách kinh tế khác như gói hỗ trợ thu nhập, giãn nợ giúp người lao động thất nghiệp không phải bán nhà. Ngoài ra, khi nhân viên văn phòng làm việc tại nhà nhiều hơn, họ sẽ muốn một không gian thoải mái và tiện nghi.
Mỹ
Theo Wall Street Journal, Mỹ có thể đang trải qua đợt bùng nổ giá nhà ở lớn nhất trong nhiều thập kỷ. Vào tháng 2/2021, giá nhà ở miền nam California (bang California, Mỹ) đạt mức cao kỷ lục. Khách hàng tranh giành mua, trong khi số nhà được rao bán không nhiều.
Theo dữ liệu của công ty bất động sản DQNews, giá bán nhà trung bình của 6 quận miền nam California tăng 15% so với một năm trước đó lên 619,750 USD. Tính từ tháng 2/2020, doanh số bán hàng vọt lên 17.6%.
Nhu cầu mua nhà bùng nổ khi chi phí vay vốn chạm đáy lịch sử. Các lệnh phong tỏa vì dịch Covid-19 cũng khiến nhiều người muốn chuyển sang căn nhà rộng hơn. Một yếu tố khác là thế hệ Millennials (những người sinh từ năm 1980 đến 1995) đang bước vào độ tuổi mua nhà.
Tuy nhiên, dữ liệu chỉ ra nguồn cung không theo kịp nhu cầu. Theo Redfin, tính từ ngày 8/2 đến 7/3, số lượng nhà mới được tung ra thị trường ở Los Angeles chỉ cao hơn 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo nhà kinh tế trưởng Daryl Fairweather của hãng môi giới bất động sản Redfin, ngày càng nhiều chủ nhà e ngại bán nhà. Họ không muốn mua một ngôi nhà khác khi thị trường khó khăn. Một số vay thêm từ ngân hàng với lãi suất thấp.
Một số chủ nhà giàu có cũng đang chọn mua một ngôi nhà khác xa nơi làm việc hơn nhưng vẫn giữ căn cũ. Trong khi đó, giá gỗ tăng cao khiến các dự án nhà mới khó khởi công hơn. “Việc xây dựng mới không thể đuổi kịp nhu cầu”, ông Fairweather nhận xét.
Tại Los Angeles, giá bán trung bình tăng 14.3% lên 708,500 USD trong tháng 2, trong khi doanh số tăng 19.1%. Giá bán trung bình ở Quận Cam tăng 9.6% lên mức kỷ lục 820,000 USD, doanh số cũng leo dốc 13%.
Tại San Diego, giá bán trung bình tăng 14.6% lên mức kỷ lục 672,750 USD, trong khi doanh số bán nhà tăng 13.8%. Trong khi đó, giá bán trung bình và doanh số ở Ventura leo dốc lần lượt 13% và 23.9%.
Canada
Một quốc gia đã và đang vượt xa các nước khác về tốc độ tăng giá nhà là Canada. Theo dữ liệu nhà ở do Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas thu thập, giá nhà danh nghĩa tại Canada tăng với tốc độ hàng năm khoảng 16% trong quý IV/2020 so với quý trước đó, vượt xa Mỹ, Anh và những nơi khác.
Tính đến quý IV/2020, nhà ở chiếm tới 9.3% GDP Canada, tăng từ 7.5% năm 2019 và 6.6% so với một thập kỷ trước.
Ông John Pasalis, Chủ tịch hãng môi giới bất động sản Toronto Realosophy Realty, cho rằng cần “gióng lên hồi chuông báo động” về bong bóng nhà đất ở các vùng ngoại ô xung quanh Toronto. Tại những khu vực này, giá đã tăng hơn 30% chỉ trong 8 tháng.
Một khu vực “nóng” khác là thủ đô Ottawa. Giá nhà tăng khoảng 25% trong một năm, tạo ra những cuộc chiến đấu thầu chưa từng có.
“Những kỳ vọng vào thị trường này thật điên rồ”, ông David Gourlay nhận xét. Ông Gourlay vừa bán một căn nhà phố hồi tháng 11/2020 với giá gần gấp đôi mức ông mua cách đây 7 năm. Hiện, ông Gourlay sống tại một căn nhà tách biệt tại phía tây Ottawa cùng vợ, con gái, con trai mới sinh và một chú chó.
“Bạn phải quyết định xem bạn muốn hưởng thêm bao nhiêu tiền so với mức giá ban đầu”, ông chia sẻ.
Singapore
Singapore cũng theo kịp đà tăng mạnh mẽ của thị trường bất động sản toàn cầu. Tại Singapore, 23 căn hộ được chính phủ trợ cấp đã được bán lại với giá ít nhất 1 triệu SGD (743,000 USD) hồi tháng 2, theo dữ liệu từ cổng thông tin bất động sản SRX.
Trong vòng hai tháng đầu năm 2021, 36 căn được bán trong khung giá trên, tăng 350% so với một năm trước đó. Các căn nhà được chính quyền Singapore xây dựng thường nằm ở vị trí đắc địa, chẳng hạn gần trung tâm mua sắm Orchard Road.
Sau khi Singapore dỡ bỏ yêu cầu cách ly hồi tháng 6/2020, giá nhà tại nước này phục hồi nhanh chóng nhờ lãi suất thấp. Theo SRX Property, một căn hộ hai tầng lớn tại Toh Yi Drive là nhà công (do chính phủ Singapore xây dựng) được bán lại với mức giá cao kỷ lục 1.21 triệu SGD hồi tháng 2.
Dữ liệu chỉ ra giá nhà công bán lại đã tăng 1.4% trong tháng 2 so với một tháng trước đó và 8.3% từ mức một năm trước. Tuy nhiên, chúng vẫn ở dưới mức đỉnh năm 2013.
Nhà ở công cộng của Singapore chỉ dành cho công dân Singapore. Chủ sở hữu chỉ có thể bán lại căn hộ sau khi đã ở tối thiểu 5 năm, tránh việc lướt sóng bất động sản kiếm lời.
Theo ông Leonard Tay, Trưởng bộ phận Nghiên cứu tại Knight Frank Singapore, các căn hộ công được bán với giá trên 1 triệu SGD thường nằm tại hoặc gần vị trí đắc địa như khu tài chính của thành phố.
“Người mua nhà sẵn sàng mua các căn hộ công cộng có vị trí tốt với giá 1 triệu SGD để có những ngôi nhà chất lượng”, ông giải thích. Các khoản trợ cấp của chính phủ trong vài năm qua cũng tăng sức mua cho những khách hàng muốn mua nhà công bán lại.
Trong khi đó, doanh số căn hộ tư nhân cũng thiết lập mức cao kỷ lục trong vòng hai năm, bắt kịp sóng tăng mạnh mẽ của các thị trường bất động sản trên toàn cầu.
Úc
Vào tháng 2/2021, giá nhà ở Úc chứng kiến mức tăng cao nhất kể từ tháng 8/2003 do lãi suất vay thấp kỷ lục và các ưu đãi của chính phủ. Giá tại các thành phố tăng 2%, dẫn đầu là Sydney và Melbourne.
“Thị trường nhà ở của Úc đang trong giai đoạn bùng nổ trên diện rộng. Mức tăng nhanh được thúc đẩy bởi lãi suất thế chấp thấp kỷ lục, cải thiện điều kiện kinh tế, ưu đãi của chính phủ và nỗi lo nguồn cung sụt giảm”, ông Tim Lawless, trưởng nhóm nghiên cứu của CoreLogic, giải thích.
Ngân hàng trung ương Úc hạ lãi suất xuống mức đáy và cam kết duy trì ít nhất ba năm. Người dân cũng tìm kiếm các ngôi nhà lớn hơn để có không gian làm việc tại nhà. Tốc độ tăng giá chóng mặt làm dấy nên nỗi lo ngại thiếu nhà, khiến người mua đổ xô mua nhà. Theo Commonwealth Bank of Australia, tình trạng này có thể đẩy giá nhà leo dốc 16% trong vòng 2 năm tới.
Một cuộc đấu giá căn nhà 2 phòng ngủ nhỏ ở ngoại ô Paddington (Sydney) đã thu hút hơn 250 người tham gia. Giá chào mua bắt đầu từ 1.4 triệu AUD (1.1 triệu USD), cao hơn 150,000 AUD so với giá khởi điểm. Cuối cùng, căn nhà được bán với giá 1.7 triệu AUD.
Giá nhà ở New Zealand tăng 13% trong tháng 1 so với một năm trước đó. Vấn đề trở nên nghiêm trọng đến mức chính phủ cân nhắc yêu cầu Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) xem xét ảnh hưởng đối với giá nhà khi thiết lập lãi suất. Tuy nhiên, ngân hàng đã phản đối.
Những lo ngại rằng thị trường nhà ở Úc sẽ lao dốc khi người lao động mất việc làm đã nhanh chóng biến mất. Thay vào đó, sự thiếu hụt nguồn cung đang thúc đẩy giá bùng nổ. CoreLogic cho biết số lượng nhà được rao bán trong ba tuần đầu tháng 2 giảm 26% so với một năm trước đó.
Số nhà trống đang ở mức thấp kỷ lục, nhu cầu của người mua cao hơn mức trung bình. Những điều kiện này có lợi cho người bán. Người mua rơi vào bẫy FOMO và giảm khả năng thương lượng
Ông Tim Lawless tại CoreLogic
“Số nhà trống đang ở mức thấp kỷ lục vào thời điểm này trong năm. Nhu cầu của người mua cao hơn mức trung bình. Những điều kiện này có lợi cho người bán. Người mua rơi vào bẫy FOMO (lo sợ bị bỏ lỡ) và giảm khả năng thương lượng”, ông Lawless bình luận.
Tính riêng trong tháng 1, các phê duyệt cho vay mua nhà đã tăng 10.5%, theo dữ liệu của Cục Thống kê Australia.
“Xu hướng tăng đang được hỗ trợ bởi lãi suất thấp kỷ lục, niềm tin rằng lãi suất sẽ giữ ở mức thấp trong nhiều năm tới, nguồn cung tín dụng dồi dào và triển vọng kinh tế được cải thiện khi việc triển khai vaccine hứa hẹn chấm dứt đại dịch”, các nhà kinh tế của ngân hàng nhận định.
Tuy nhiên, sự trở lại của thời kỳ bùng nổ giá nhà ở Australia làm dấy lên nhiều lo ngại. Một trong số đó là khả năng làm tăng nợ hộ gia đình, trong khi nhiều người trẻ khó mua nhà hơn. Theo một báo cáo hồi tháng 2, Sydney là thị trường nhà ở đắt đỏ nhất thế giới, trong khi Melbourne đứng thứ sáu.
Trung Quốc
Nguy cơ bong bóng bất động sản cũng là nỗi lo đối với chính quyền Trung Quốc. Thị trường bất động sản của Trung Quốc tăng trưởng cực nhanh từ thập niên 1990. Tỷ lệ sở hữu nhà tăng cao. Tuy nhiên, giá nhà cũng tăng vọt. Ngày càng nhiều người Trung Quốc không đủ khả năng chi trả tiền mua nhà.
Theo một nghiên cứu, giá nhà trung bình ở Trung Quốc cao gấp 9.3 thu nhập hàng năm của người dân. Để so sánh, con số này là 8.4 ở San Francisco, một trong những thành phố có giá bất động sản đắt nhất nước Mỹ và thế giới.
Giới chức trách Trung Quốc đã thử nhiều cách nhằm hạ nhiệt thị trường bất động sản. Bắc Kinh hạn chế cho vay thế chấp và mua đầu cơ. Các công ty bất động sản cũng bị hạn chế việc bán trái phiếu để huy động vốn.
Chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh hạn chế cho vay bất động sản và áp dụng quy tắc “ba ranh giới đỏ”. Như vậy, các công ty bất động sản kinh doanh thua lỗ sẽ phải tìm mọi cách để giảm nợ.
Gần nhất, Bộ Tài nguyên Trung Quốc cho biết các thành phố trọng điểm nên phối hợp đấu giá đất nhà ở, tổ chức vào một vài thời điểm cụ thể trong năm.
Trước đó, chính quyền các địa phương Trung Quốc tự đưa các lô đất ra đấu thầu và không định sẵn lịch trình. Sự không chắc chắn khiến những công ty bất động sản phải điên cuồng lao vào cuộc đấu giá với hi vọng giành phần thắng.
Các công ty phát triển bất động sản như China Evergrande Group và Sunac China Holdings Ltd. phải vay nợ ồ ạt từ ngân hàng hoặc bán trái phiếu để huy động vốn mua đất. Sau khi phát triển dự án, nhóm doanh nghiệp này bán nhà với giá cao. Chu kỳ này liên tục lặp lại, qua đó đẩy giá bất động sản lên cao. (Z/N)