Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Nền tảng công nghệ nào sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid?

Đại dịch đã trở thành chất xúc tác khiến nhiều xu hướng công nghệ quan trọng hình thành, ứng dụng mạnh mẽ, bao gồm thương mại điện tử, tự động hóa và tối ưu hóa chuỗi cung ứng…

Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục tác động nặng nề, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có những thay đổi, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số.

Tự động hóa thông minh, robot, trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với máy học và các giải pháp phân tích dự báo… đang là những nền tảng công nghệ hàng đầu mà các doanh nghiệp cần ưu tiên ứng dụng để vượt khó khăn, phát triển ổn định trong một trạng thái “bình thường mới”, duy trì lợi nhuận và có được lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Theo phân tích của các chuyên gia, đại dịch đã trở thành chất xúc tác khiến nhiều xu hướng công nghệ quan trọng hình thành, ứng dụng mạnh mẽ, bao gồm thương mại điện tử, tự động hóa và tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Do đó, việc tích hợp các giải pháp công nghệ mới nhằm duy trì hoạt động và lợi nhuận, cũng như tối ưu hóa công việc để hỗ trợ liên tục nhu cầu cao điểm và ngăn ngừa sự gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ trở nên vô cùng cần thiết cho thành công trong kinh doanh của các doanh nghiệp.

TỰ ĐỘNG HOÁ, AI TRONG CÁC NGÀNH SẢN XUẤT VÀ LOGISTICS 

Trong báo cáo nghiên cứu về các xu hướng công nghệ doanh nghiệp hàng đầu cho năm 2021 vừa được hãng Zebra Technologies công bố cuối tuần qua đã chỉ ra các xu hướng công nghệ hàng đầu cho doanh nghiệp trong năm 2021 trong đó nhấn mạnh đến công nghệ tự động hóa thông minh, trí tuệ nhân tạo (AI) và robot.

Theo phân tích của hãng này, tự động hóa thông minh đã được hỗ trợ bởi các công cụ trợ lý ảo trên thị trường người tiêu dùng như Alexa và Siri. Các doanh nghiệp đang từng bước thu được những thành công ban đầu trong việc áp dụng loại công nghệ máy học này để cải thiện quy trình làm việc, giao hàng và trải nghiệm của khách hàng.

Ngoài ra, AI có thể cải thiện khả năng đề xuất hành động tiếp theo tốt nhất cho các doanh nghiệp, còn các công nghệ AI và robot đang đưa tự động hóa thông minh trở thành một phần của Internet vạn vật (IoT) và xu hướng Công nghiệp 4.0. Do đó, dự kiến việc áp dụng công nghệ AI trong ngành sản xuất và hậu cần kho vận (logistics) sẽ gia tăng vào năm 2021.

Bên cạnh đó, các chuyên gia hãng này cũng cho rằng, việc chuyển dịch sang mua sắm trực tuyến đã có một bước nhảy vọt, thúc đẩy thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2020 là thời điểm lên ngôi của thương mại điện tử, hiện được dự báo sẽ chiếm 28% doanh số của chuỗi bán lẻ trên toàn cầu. Điều này rút ngắn quá trình chuyển dịch sang thương mại trực tuyến khoảng 3 năm, buộc các nhà bán lẻ phải nhanh chóng thích ứng bằng cách hợp lý hóa các cửa hàng, hoàn tất đơn hàng và hậu cần để có năng suất cao hơn khi họ phải đối mặt với những thách thức về lợi nhuận liên quan đến việc xử lý đơn hàng thương mại điện tử. 

Trong lĩnh vực chuỗi cung ứng và kho hàng, các công nghệ tự động hóa vật lý, nhận dạng qua tần số vô tuyến RFID và công nghệ cảm biến nhiệt độ – kết hợp với sự phát triển của robot, bao gồm cả robot có khả năng giao tiếp và làm việc cộng tác với con người (cobot) có thể giúp các trung tâm hoàn tất đơn hàng nâng cao hiệu quả hoạt động của thương mại điện tử.

Tự động hóa thông minh hay sự kết hợp giữa công nghệ RPA và AI để thực hiện việc tự động hóa một chiều hoặc nhiều quy trình nhanh chóng, giúp DN bứt phá trong quá trình chuyển đổi số. Hãng Gartner đánh giá công nghệ này sẽ trở thành xu hướng số 1 trên thế giới trong năm 2021 với những tác động và giá trị to lớn. Trong năm 2019, lĩnh vực này được định giá 3,5 tỷ USD nhưng dự báo đến năm 2027, con số này sẽ lên đến 25 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng lên đến hơn 40%, cao hơn bất kỳ xu hướng công nghệ nào.

Ở Việt Nam đã có nhiều đơn vị đưa ra các giải pháp về tự động hóa, robot và AI trong đó akabot nổi lên với giải pháp tự động hóa quy trình nghiệp vụ RPA toàn diện đầu tiên tại Việt Nam và nằm trong top 6 nền tảng toàn cầu. Các giải pháp của akaBot có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau như tài chính ngân hàng, bán lẻ, sản xuất, logistics… giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí đến 60%, tăng năng suất đến 80% và giảm thời gian xử lý đến 90%.

KHAI THÁC DỮ LIỆU -MỞ RA CƠ HỘI KINH DOANH LỚN 

Trong xu hướng chuyển đổi số, số hóa doanh nghiệp, việc khai thác, phân tích tài nguyên dữ liệu lớn đang bùng nổ sẽ mở ra những cơ hội kinh doanh mới mang lại giá trị lớn cho các doanh nghiệp`. Báo cáo của Zebra nhấn mạnh, dữ liệu là một tài sản vô giá và sức mạnh của nó chỉ được khai phóng nếu được cung cấp đúng lúc, cho đúng người để có kết quả hiệu quả hơn. Việc áp dụng giải pháp phân tích dự báo bằng cách sử dụng dữ liệu gần như thời gian thực sẽ giúp các doanh nghiệp tăng hiệu suất và độ tin cậy của hành động.

Phân tích về những cơ hội từ dữ liệu lớn mang lại, ông Ying Shun Liang, Cố vấn quy trình công nghiệp bộ phận sản xuất, Dassault Systèmes Nam châu Á-Thái Bình Dương cho rằng, khi các nhà sản xuất nghĩ cách gia tăng vận hành hoặc chuyển đổi từ sản xuất quy mô lớn sang quy mô nhỏ hơn và theo hướng sản xuất theo yêu cầu hơn, dữ liệu sẽ trở thành nhân tố đột phá. Dữ liệu lớn đang không ngừng xuất hiện từ các nguồn đầu vào khác nhau, đặc biệt là khi các nhà sản xuất ngày càng ứng dụng IIoT (Internet vạn vật của công nghiệp sản xuất) vào các hoạt động sản xuất và vận hành.

Trước đây, các nhà sản xuất không có dữ liệu để được cảnh báo về những vấn đề tiềm ẩn. Thay vào đó, doanh nghiệp phải đưa ra giả thuyết về một vấn đề trước khi thu thập được dữ liệu để xác thực. Quá trình này đã làm tăng chi phí vận hành khi việc kiểm tra thủ công cho thấy gây tốn kém về chi phí, thời gian và nhân lực. Ngày nay, IIoT giúp các nhà sản xuất nhìn nhận quá trình và sản phẩm với mức độ chi tiết. Dữ liệu có thể được thu thập tại mỗi điểm trong chuỗi cung ứng, mạng lưới sản phẩm và phân phối. Với khả năng phân tích mạnh mẽ dựa trên AI và Học máy (Machine Learning), các nhà sản xuất có thể thu thập thông tin mà họ cần để giải quyết một vấn đề.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp dành hơn 30% thời gian vào các quy trình thủ công, bao gồm tìm kiếm dữ liệu và cập nhật thông tin… ảnh hưởng đến năng suất, kỹ nghệ và lợi nhuận. Chỉ 6% các nhà sản xuất hiện nay đặc biệt tự tin vào hệ thống và khả năng hiển thị đầu cuối của mình. 

Trong khi đó, các nhà máy của tương lai có thể kết nối tất cả dữ liệu một cách liền mạch và mở rộng các kết nối đó trên toàn bộ chuỗi cung ứng, cung cấp khả năng hiển thị đầu cuối trên tất cả các quy trình. Điều này giúp mang đến các thông tin chính xác và đưa ra quyết định nhanh hơn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, các nhà sản xuất cũng có thể so sánh dữ liệu của mình với dữ liệu của các nhà máy khác, từ đó liên tục cải tiến để nâng cao sản lượng và hiệu suất.

Trong quá trình thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ đột phá, ông Ying Shun Liang cho rằng, giá trị của dữ liệu lớn tương đương với giá trị của một viên kim cương. Do vậy, các doanh nghiệp không chỉ cần khai thác mà còn phải xử lý dữ liệu thì mới có thể dẫn đầu trong cuộc cạnh tranh.

Dịch Covid-19 đã trở thành cú hích thúc đẩy tăng tốc quá trình chuyển đổi số. Các khảo sát cho thấy các doanh nghiệp đang từng bước đầu tư vào công nghệ số bao gồm cả robot, trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với máy học và các giải pháp phân tích dự báo để tăng sức cạnh tranh. Các chuyên gia cho rằng, nếu doanh nghiệp muốn cung cấp những thông tin phân tích chi tiết để nhân viên kinh doanh có thể hành động theo thời gian thực, cần phải ưu tiên áp dụng những công nghệ này trong năm 2021. (VNEco)