Sunday, December 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Đại dịch giúp cải thiện chất lượng không khí thế giới

Theo báo cáo của công ty IQAir, việc các nước áp dụng lệnh phong tỏa đã dẫn đến việc cải thiện chất lượng không khí, nhưng mức độ ô nhiễm có thể sẽ tăng lên khi các chính phủ dỡ bỏ các hạn chế đi lại và các nền kinh tế bắt đầu quá trình sản xuất.

Báo cáo Chất lượng Không khí Thế giới năm 2020 của IQAir cho biết lượng khí thải liên từ hoạt động công nghiệp và giao thông đã giảm và 65% thành phố được phân tích có chất lượng không khí tốt hơn vào năm 2020 so với năm 2019. Khoảng 84% quốc gia được thăm dò đã báo cáo chất lượng không khí được cải thiện đáng kể.

“Mối liên hệ giữa COVID-19 và ô nhiễm không khí là rất rõ ràng, đặc biệt là khi nhiều địa điểm đã ghi nhận không khí sạch hơn rõ rệt, điều này cho thấy rằng việc cải thiện chất lượng không khí có thể thực hiện được với những hành động khẩn cấp, tập thể”, báo cáo của IQAir chỉ ra.

Các nhà nghiên cứu của IQAir đã phân tích dữ liệu ô nhiễm từ 106 quốc gia, đặc biệt đo là đo lường nồng độ bụi mịn PM 2.5.

Singapore, Bắc Kinh và Bangkok – tất cả những nơi đã áp đặt phong tỏa trên diện rộng đều chứng kiến ​​mức giảm mạnh nhất nồng độ bụi PM 2.5. Nhưng ảnh hưởng này sẽ không kéo dài: mức độ ô nhiễm không khí có thể sẽ tăng lên khi các biện pháp phong tỏa kết thúc và các doanh nghiệp khởi động lại.

Nhìn chung, các địa điểm Nam Á và Đông Á tiếp tục đứng đầu danh sách những nơi ô nhiễm nhất trên thế giới. Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan có tới 49 trong số 50 thành phố ô nhiễm nhất trên toàn cầu.

Hotan, một thị trấn ốc đảo ở khu vực Tân Cương phía tây Trung Quốc, được xếp hạng là thành phố ô nhiễm nhất thế giới vào năm 2020. Mức độ hàng năm của nồng độ bụi PM 2.5 trung bình là 110.2 microgam/m3, cao hơn 11 lần so với mục tiêu hàng năm của Tổ chức Y tế Thế giới.

Báo cáo cho biết khu vực Tân Cương đã chứng kiến ​​sự gia tăng nhanh chóng về lượng phát thải than và nhiên liệu hóa thạch. Tình trạng suy thoái đất do con người gây ra và biến đổi khí hậu cũng đã làm tăng mức độ nghiêm trọng của hạn hán, tạo ra các trận bão cát và bão bụi thường xuyên hơn, góp phần gây ô nhiễm không khí.

Báo cáo cho biết Trung Quốc vẫn là nơi sản xuất và tiêu thụ than lớn nhất thế giới, một nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm bụi PM 2.5.

Sau Hotan, 13 thành phố ô nhiễm nhất tiếp theo đều ở Ấn Độ, nơi các nguồn ô nhiễm chính bao gồm giao thông, xây dựng và đốt chất thải.

Ở các bang Punjab và Haryana phía bắc Ấn Độ, các vụ đốt rác và rơm rạ đã đạt mức kỷ lục vào năm 2020, với mức tăng 46.5% so với năm 2019. Có tới 40% ô nhiễm không khí ở thủ đô Delhi bắt nguồn từ Punjab.

Sự sụt giảm toàn cầu về lượng khí thải liên quan đến con người vào năm 2020 được bù đắp một phần bởi “các sự kiện ô nhiễm không khí cực đoan” như cháy rừng và bão bụi.

Cháy rừng đã tàn phá nhiều vùng của Mỹ, Úc, Nam Mỹ, Indonesia, gây ra tình trạng ô nhiễm không khí tăng đột biến và thải ra một lượng lớn khí nhà kính.

Nhưng cũng có những điểm sáng: 25 thành phố ô nhiễm nhất ở Nam Á đã ghi nhận nồng độ bụi mịn suy giảm. Các nước Đông Á cũng đã nỗ lực cải thiện chất lượng không khí và nồng độ PM 2.5 trong khu vực nhìn chung đang có xu hướng giảm. (N/N)